Hướng tới Thí điểm Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt – Trung tại Quảng Ninh
Hợp tác kinh tế, thương mại biên giới luôn là một trong những lĩnh vực trọng tâm được TP Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) và TP Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) tập trung đẩy mạnh.
Tín hiệu hồi phục thương mại biên mậu thời gian gần đây tiếp tục củng cố quan hệ hai Bên, hướng tới xây dựng cơ chế thí điểm Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc theo định hướng của Trung ương.
Nền tảng hợp tác toàn diện
Những ngày đầu tháng 9/2023, trung bình mỗi ngày có gần 220 phương tiện hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Bắc Luân II và lối mở Km3+4 Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới từ đầu năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) liên tục tăng trưởng. Tính đến hết tháng 8, tổng kim ngạch hàng hóa XNK đạt hơn 2,2 tỷ USD (tăng khoảng 5%); thu ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng (tăng khoảng 8%) so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Phạm Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái cho biết: "Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh hàng năm duy trì hội đàm “Hai nước bốn bên”. Ở cấp Chi cục, chúng tôi tích cực mời Hải quan Đông Hưng sang hội đàm, trao đổi, bàn bạc phương hướng tháo gỡ các khó khăn. Phía Nam Ninh, Đông Hưng rất nhiệt tình, trách nhiệm trong thảo luận, rõ ràng minh bạch, đưa ra các giải pháp để 2 Bên cùng thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới".
Móng Cái là thành phố cửa khẩu quốc tế duy nhất trong cả nước có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với Trung Quốc. Những năm qua, thương mại biên giới luôn là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa Móng Cái với TP Đông Hưng (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc). Năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái vẫn đạt trên 4 tỷ USD, tăng 46%; năm 2022, tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 1 triệu tấn, kim ngạch xuất nhập khẩu gần 3,3 tỷ USD, thu ngân sách Nhà nước gần 1.650 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Hạ tầng xuất nhập khẩu ngày càng hoàn thiện, thủ tục hành chính cải cách minh bạch hay chất lượng hàng hóa nâng cao, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường “tỷ dân” là những “chìa khóa” quan trọng. Tuy vậy, nền tảng vững chắc cho hợp tác thương mại chính là Quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Trung Quốc, được Thành ủy, chính quyền TP Móng Cái kế thừa và phát triển qua từng năm. Cụ thể hóa chủ trương “xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển” của 2 Đảng, 2 Nhà nước, Quảng Ninh - Quảng Tây, Móng Cái – Đông Hưng, Phòng Thành liên tục có các hoạt động thiết lập cơ chế giao lưu hữu nghị, hội đàm, hỗ trợ lẫn nhau…
Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái khẳng định: "Đóng góp trong tăng trưởng xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu khu vực Móng Cái, chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của sự hợp tác, tình đoàn kết hữu nghị, đặc biệt khẳng định niềm tin chiến lược của 2 bên trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Chúng tôi cùng thống nhất hành động xây dựng tuyến biên giới cửa khẩu khu vực Móng Cái, Quảng Ninh là tuyến biên giới cửa khẩu kiểu mẫu trong hệ thống cửa khẩu quốc gia toàn quốc".
Cửa ngõ của ASEAN
Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (bao gồm TP Móng Cái và 1 phần huyện Hải Hà) được Thủ tướng Chính phủ xác định là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc) (theo Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040).
Hiện nay, khu kinh tế đang hội tụ đầy đủ các lợi thế hạ tầng giao thông khi kết nối thẳng tuyến cao tốc hơn 570 km từ Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái. Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024) có năng lực đón tàu trọng tải 2 vạn tấn sẽ là điểm trung chuyển hàng nông sản từ miền Nam ra, kết nối tuyến vận tải biển xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc không chỉ cho khu vực trong nước mà còn cả các nước ASEAN…
Ông Lương Xuân Đào, Phó Giám đốc Công ty CP Thành Đạt, đơn vị quản lý cảng cạn ICD Thành Đạt tại Lối mở Km3+4 Hải Yên cho rằng, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tận dụng.
Theo ông Đào: "Chúng tôi định hướng mở rộng thêm khu bến bãi ICD theo đề án của Bộ NN và PTNT, thành lập Trung tâm giao dịch hàng hóa nông lâm thủy sản tại đây, gồm có khu vực bao gói, kho bảo quản, bến bãi, khu dịch vụ… Về tương lai các yếu tố cộng hưởng đủ như thế này thì sẽ giúp logistics phát triển".
Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc tại Quảng Ninh.
Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết: "Trong quy hoạch chung của Thủ tướng phê duyệt, TP Móng Cái đã dành quỹ đất 1.300 ha, giáp với TP Đông Hưng (Trung Quốc) và nằm giữa cửa khẩu Bắc Luân II với đường dẫn và cầu Bắc Luân III. Khu vực này kết nối thẳng tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và rất thuận lợi trong việc kết nối giao thương, phát huy lợi thế vị trí địa lý để mở rộng hoạt động hợp tác, thu hút đầu tư, thương mại, chế biến, chế tạo công nghệ cao, giao lưu hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác của Đông Hưng (Trung Quốc)".
TP Móng Cái đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hàng loạt các dự án hạ tầng phục vụ thương mại biên giới như Trạm Kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân ll gắn với khu dịch vụ thương mại; phối hợp tạo điều kiện để Tập đoàn Kiểm nghiệm Kiểm dịch Trung Quốc (CCIC) hoàn thành lập phòng lab tại Lối mở Km3+4 Hải Yên… Triển vọng về khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại đây sẽ tiếp tục đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, đóng góp giúp quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia ngày một thêm củng cố và phát triển.