Hướng tới tích hợp Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững

Ngày 1/7/2025, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 339/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới, CTMTQG giảm nghèo bền vững và các phong trào thi đua lớn giai đoạn 2021–2025.

Thủ tướng chỉ đạo là xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia tích hợp từ hai chương trình hiện hành để triển khai từ năm 2026. Ảnh: VGP

Thủ tướng chỉ đạo là xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia tích hợp từ hai chương trình hiện hành để triển khai từ năm 2026. Ảnh: VGP

Những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững

Trong giai đoạn 2021–2025, cả hai chương trình mục tiêu quốc gia đều đạt và vượt phần lớn các chỉ tiêu. Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 6.084/7.669 xã (79,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 10,6% so với cuối năm 2021, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu cả giai đoạn. Về nâng cao chất lượng, có 2.567 xã (42,4%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 743 xã (12,3%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đều vượt xa mục tiêu đề ra.

Ở cấp huyện, có 329/646 đơn vị (51%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ hoặc đạt chuẩn nông thôn mới, tăng thêm 116 đơn vị so với năm 2021. Trong số này, 48/240 huyện (20%) đạt chuẩn nâng cao, hoàn thành đúng mục tiêu cả giai đoạn. Về cấp tỉnh, có 12 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tương đương 80% kế hoạch đề ra.

Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 54 triệu đồng/người/năm vào năm 2024, tăng 1,3 lần so với năm 2020. Bình quân mỗi xã đạt 17,5 tiêu chí, tăng 0,5 tiêu chí so với năm 2021. Các con số này khẳng định vai trò quan trọng của hai chương trình trong việc nâng cao chất lượng sống, phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở khu vực nông thôn.

Kết quả đạt được là minh chứng rõ nét cho định hướng đúng đắn từ các Nghị quyết Trung ương Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các chương trình đã góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, nâng cao diện mạo nông thôn, cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Bên cạnh đó, hai phong trào thi đua lớn – “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã tạo hiệu ứng sâu rộng, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị và người dân. Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cũng góp phần thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo.

Tuy đạt được nhiều thành tựu, việc triển khai hai chương trình vẫn còn một số hạn chế, thách thức. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn, đặc biệt là vốn sự nghiệp, còn thấp. Một số địa phương chưa kiểm soát tốt nguy cơ tái nghèo. Công tác chỉ đạo, điều hành tại một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quyết liệt, thiếu chiều sâu, chưa được phân công rõ ràng, chưa thực hiện đầy đủ cơ chế giám sát, đôn đốc thường xuyên.

Những bất cập này ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của kết quả đạt được, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ và sát thực tiễn để khắc phục trong giai đoạn tiếp theo.

Thực hiện "4 đẩy mạnh", "3 tiên phong" để đạt mục tiêu

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với khát vọng vươn tới hùng cường, thịnh vượng. Do đó, việc tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình và phong trào thi đua là yêu cầu tất yếu, nhằm hiện thực hóa mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” và “giảm nghèo toàn diện, bao trùm và bền vững”.

Để làm được điều này, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện “4 đẩy mạnh”:

- Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế: đặt nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng; bảo đảm giảm nghèo cho cả nông thôn và thành thị, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, miền núi.

- Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược: xây dựng hạ tầng đồng bộ, từ giao thông, thủy lợi đến y tế, giáo dục, thể thao, hạ tầng số theo hướng xanh và bền vững.

- Đẩy mạnh phát triển con người: đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nông dân thế hệ mới, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bám sát 4 Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị.

- Đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp: phát triển sản phẩm OCOP gắn với nhu cầu thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng nông sản.

Bên cạnh đó, người nông dân cần thực hiện “3 tiên phong”:

- Tiên phong thoát nghèo, thi đua làm giàu;

- Tiên phong xây dựng hình mẫu nông dân văn minh;

- Tiên phong trong sản xuất xanh, chuyển đổi số, tham gia phong trào “Bình dân học vụ số”, xây dựng công dân số, xã hội số.

Ngăn chặn tiêu cực, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là các chỉ thị, kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm. Cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, gắn trách nhiệm rõ ràng theo nguyên tắc “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền.

Đặc biệt, cần xây dựng các cơ chế giám sát hiệu quả nhằm ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện chương trình. Việc triển khai các chương trình và phong trào thi đua phải thực chất, đo lường được kết quả, không chạy theo thành tích.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc lan tỏa giá trị, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội rộng rãi. Chương trình phải mang lại hiệu quả thiết thực, người dân phải hưởng thụ thực chất, không chỉ dừng ở các con số thống kê.

Tích hợp 2 chương trình mục tiêu thành 1 chương trình thống nhất

Một nội dung quan trọng được Thủ tướng chỉ đạo là xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia tích hợp từ hai chương trình hiện hành để triển khai từ năm 2026. Theo đó:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, hoàn thiện báo cáo tổng kết giai đoạn 2021–2025 trước ngày 15/7/2025; xây dựng bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới cho giai đoạn tới; trình Đề án tích hợp 2 chương trình thành 1 lên Chính phủ trong tháng 7/2025, trước khi trình Quốc hội kỳ họp tháng 10/2025.

Bộ Nội vụ được giao hoàn thiện báo cáo tổng kết 2 phong trào thi đua, đề xuất phát động 1 phong trào thi đua chung cho giai đoạn 2026–2035.

UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo sau sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp; ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự để tiếp tục thực hiện hiệu quả trong giai đoạn mới.

Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025; đánh giá hiện trạng sau sắp xếp để làm cơ sở xác định mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2026–2035.

Mây Hạ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/huong-toi-tich-hop-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-va-giam-ngheo-ben-vung-423479.html