Hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước

Với chủ trương lấy công nghiệp làm nền tảng phát triển kinh tế của tỉnh, những năm qua, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Công ty cổ phần Prime Group (KCN Bình Xuyên) không ngừng lớn mạnh, phát triển trở thành nhà sản xuất gạch ốp lát lớn nhất Việt Nam

Công ty cổ phần Prime Group (KCN Bình Xuyên) không ngừng lớn mạnh, phát triển trở thành nhà sản xuất gạch ốp lát lớn nhất Việt Nam

Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; rà soát, lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng KCN; giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; giảm giá thuê đất, gia hạn nộp thuế đất.

Huy động nguồn kinh phí ứng trước từ DN để giải phóng mặt bằng (GPMB) nhanh; đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách TTHC; hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài KCN. Các Đề án, Chương trình hành động nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được ban hành, thực hiện hiệu quả.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra, động viên chia sẻ với DN; đặc biệt, cuối tháng 7/2021, tỉnh thành lập Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh về hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN; đồng thời xây dựng quy trình đầu tư mới, rút ngắn khoảng 20% thời gian giải quyết TTHC, tăng cường giải quyết TTHC trực tuyến.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 10/2021, UBND tỉnh phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến kết nối đầu tư và thương mại cho các DN của Vĩnh Phúc với các đối tác tiềm năng của Đức để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Đức và châu Âu.

Với những quyết tâm và nỗ lực, tỉnh đã thu hút được nhiều tập đoàn, DN lớn vào đầu tư, sản xuất ra những sản phẩm chủ lực, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp lớn cho ngân sách, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh như Tập đoàn Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio, Deawoo bus, Tập đoàn Prime, Thép Việt Đức.

Quy mô giá trị tăng thêm theo giá hiện hành năm 2020 ngành công nghiệp của tỉnh đứng thứ 15 cả nước, chiếm tỷ trọng 2% giá trị công nghiệp cả nước.

Hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó có các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, các quốc gia châu Âu và 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư gần 110 nghìn tỷ đồng.

Nhờ vậy, trong 5 năm trở lại đây, thu ngân sách của tỉnh bình quân hằng năm đạt từ 32- 33 nghìn tỷ đồng, đặc biệt năm 2019 đạt trên 35 nghìn tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Năm 2020 mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt 32,59 nghìn tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 27,86 nghìn tỷ đồng) và năm 2021 ước tổng thu ngân sách đạt 32,4 nghìn tỷ đồng, gấp 282 lần so với số thu ngân sách của năm 1997.

Số thu ngân sách tăng cao đã tạo điều kiện cho gia tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng KT- XH và thực hiện đầy đủ các chính sách xã hội trên địa bàn.

Cùng với đó, số lượng KCN trên địa bàn phát triển mạnh. Từ chỗ chỉ có 1 KCN khi mới tái lập tỉnh, ước hết năm 2021, toàn tỉnh có 14 KCN đã thành lập, được quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có 8 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê, đăng ký thuê gần 900 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 50%.

Nhìn chung, các KCN của tỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào ngày càng được hoàn thiện, nhất là các công trình quan trọng, thiết yếu như nhà máy xử lý nước thải, đường giao thông, hệ thống chiếu sáng, cây xanh;… nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng các KCN hiện có, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, để thu hút thêm các nhà đầu tư thứ cấp, tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN.

Đến nay, cơ bản các KCN đã đi vào hoạt động có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp; một số khu đã được chủ động xây dựng, tạo ra quỹ đất sạch với mức giá cho thuê hạ tầng hợp lý, tạo được lợi thế cạnh tranh với các tỉnh thành lân cận như các KCN Bá Thiện, Bá Thiện II, Bình Xuyên II, Thăng Long Vĩnh Phúc,...

Quyết tâm tạo ra những lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH.

Đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp chủ lực, ưu tiên phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp điện tử, cơ khí, chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường…

Hỗ trợ DN tiếp cận đất đai; tiếp tục đẩy mạnh công tác BT-GPMB, tạo quỹ đất sạch sẵn sàng đón nhận các dự án vào đầu tư; hỗ trợ giải quyết vấn đề lao động cho DN.

Bài, ảnh: Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72345/huong-toi-tro-thanh-trung-tam-cong-nghiep-cua-ca-nuoc.html