Hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước

Vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhờ sáng tạo, linh hoạt và chủ động triển khai các biện pháp hỗ trợ kịp thời hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN), ngành công nghiệp của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Jahwa Vina, KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Ảnh: Nguyễn Lượng

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Jahwa Vina, KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Ảnh: Nguyễn Lượng

Năm 2021, đại dịch Covid-19 tái bùng phát trên địa bàn tỉnh và ở nhiều địa phương trên cả nước với diễn biến phức tạp. Bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ, trong từng giai đoạn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã đề ra những quyết sách linh hoạt, sát thực, kiên trì thực hiện "mục tiêu kép", ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng người dân, trước hết là bảo vệ an toàn cho sản xuất, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, tại các nhà máy, khu công nghiệp (KCN), gây đứt gãy chuỗi SXKD, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Các sở, ngành, địa phương nhanh chóng kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, thiết lập vùng cách ly, hỗ trợ xét nghiệm, tiêm vắc xin phòng dịch miễn phí cho người dân, lao động làm cơ sở thiết lập “vùng xanh” an toàn trong DN; chủ động xây dựng các kế hoạch, các phương án, tổ chức diễn tập phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ quan, đơn vị, DN. Đồng thời, tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn cho DN, cơ sở SXKD thông qua việc thành lập Tổ công tác trực tiếp giúp Chủ tịch UBND tỉnh 24/24h tiếp nhận các thông tin phản ánh, tham mưu các giải pháp; tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, lao động, hồ sơ thủ tục; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác giải quyết TTHC, giúp các DN trên địa bàn tỉnh giảm thiểu thời gian và chi phí, duy trì ổn định SXKD; điều chỉnh, xây dựng kế hoạch thích ứng an toàn với dịch bệnh, giúp các DN bước vào trạng thái bình thường mới...

Tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (CCN), thu hút các DN đầu tư, mở rộng quy mô SXKD. Năm 2021, UBND tỉnh đã quyết định thành lập 6 KCN: Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I - Khu vực 2, Bá Thiện - Phân khu I, Sơn Lôi và Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa khu vực II (Giai đoạn 1); lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết KCN Khai Quang; quyết định chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở công nhân KCN: Lập Thạch I, Lập Thạch II, dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Phúc Yên; trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đồng Sóc để bổ sung thêm vào quy hoạch phát triển KCN, nâng tổng số KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển KCN lên 19 KCN. Đồng thời, thành lập và giao chủ đầu tư 3 CCN; yêu cầu các huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án phát triển CCN giai đoạn 2021 - 2030 và điều chỉnh, bổ sung cục bộ một số CCN. Đến nay, toàn tỉnh có 14 KCN đã thành lập và quyết định chủ trương đầu tư, trong đó, có 8 KCN đi vào hoạt động; 16 CCN đã được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng.

Bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, với tinh thần tự lực, tự cường, bản thân các DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động vượt khó, thích ứng trong điều kiện bình thường mới khi thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; nỗ lực tìm kiếm thị trường cung cấp nguyên liệu thay thế, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã sản phẩm và đẩy mạnh khai thác các thị trường mới... Vượt qua những khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh, không những duy trì sản xuất, nhiều DN như: Công ty sản xuất phanh NISSIN Việt Nam (nay là Công ty TNHH Hitachi Astemo Vĩnh Phúc), Công ty Prime Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam... không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, đóng góp tích cực vào tổng thu ngân sách địa phương. Kết thúc năm 2021, giá trị sản xuất ngành CN - XD (theo giá so sánh năm 2010) của tỉnh đạt hơn 301 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 15% so với năm 2020. Hầu hết các sản phẩm chủ lực đều tăng cao như: Linh kiện điện tử tăng gần 32%; gạch ốp lát tăng 2,4%, quần áo các loại tăng 9,1%... Kết quả này góp phần tô điểm vào bức tranh kinh tế chung của tỉnh trong năm 2021 với mức tăng trưởng đạt 8,02%, đứng thứ 9 toàn quốc.

Trong năm 2022, dự báo nền kinh tế Vĩnh Phúc nói chung và ngành công nghiệp của tỉnh nói riêng còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, bên cạnh công tác kiểm soát tốt dịch bệnh, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ những "điểm nghẽn", khơi thông nguồn lực, giúp DN phục hồi SXKD; chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm công nghiệp, tận dụng tối đa lợi thế khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, tạo nền tảng vững chắc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về phát triển công nghiệp, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/73370/huong-toi-tro-thanh-trung-tam-cong-nghiep-dien-tu-cua-ca-nuoc.html