Hướng tới vụ đông hàng hóa giá trị cao

Những ngày này, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng nông dân các địa phương vẫn thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống dịch; đồng thời tranh thủ lách thời tiết, tập trung huy động phương tiện làm đất, xuống giống, vào bầu các loại cây trồng, quyết tâm hướng đến mục tiêu vụ đông hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Những ngày này, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng nông dân các địa phương vẫn thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống dịch; đồng thời tranh thủ lách thời tiết, tập trung huy động phương tiện làm đất, xuống giống, vào bầu các loại cây trồng, quyết tâm hướng đến mục tiêu vụ đông hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống và tạo thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Nông dân xã Yên Dương (Ý Yên) trồng khoai tây vụ đông.

Ngay sau khi thu hoạch xong diện tích lúa mùa, nông dân các xã, thị trấn đã bắt tay vào gieo trồng cây vụ đông bảo đảm khung thời vụ, diện tích theo kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành Nông nghiệp. Tại các cánh đồng màu ở các huyện phía bắc như: Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc… ngay sau khi thu hoạch trà lúa mùa sớm và cây màu hè thu, bà con nông dân tranh thủ từng giờ, lách thời tiết từng ngày để xuống giống các loại rau: súp lơ trắng, hành, tỏi, su hào, xà lách, bắp cải. Đây là những giống rau ngắn ngày, có thị trường tiêu thụ ổn định, cho giá trị kinh tế khá và phù hợp với đồng đất, khả năng canh tác của người dân địa phương. Chị Vũ Thị Duyên, thôn Sa Trung, xã Thành Lợi (Vụ Bản) cho biết: Mặc dù mấy ngày nay, trời mưa nhiều nhưng chúng tôi vẫn tranh thủ làm đất, chở phân tập kết ở đầu ruộng để khi nắng ráo là xuống đồng trồng rau. Mong sao “mưa thuận, gió hòa” để hai, ba mươi ngày nữa là có rau bán, tạo thêm nguồn thu cho gia đình. Vụ đông này, gia đình chị Duyên trồng hơn 3 sào rau gồm: hành, xà lách và bắp cải… Là địa phương có truyền thống phát triển sản xuất cây vụ đông mạnh, người dân xã Thành Lợi luôn duy trì phong trào làm vụ đông ở “tốp” đầu của huyện, “không để đất trống, không cho đất nghỉ”, luân canh 3-4 lứa rau màu vụ đông cung cấp cho thị trường thành phố Nam Định và các địa phương. Nhờ đó, thu nhập của người dân thường đạt 3,5-4 triệu đồng/sào/lứa rau.

Tại huyện Nghĩa Hưng, những năm gần đây phong trào trồng cây vụ đông, nhất là vụ đông trên đất 2 vụ lúa vẫn được duy trì và có bước phát triển. Trước tình hình thời tiết liên tục có mưa vừa đến mưa to trên địa bàn, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng cây vụ đông, để bảo đảm hoàn thành vượt mức kế hoạch gieo trồng 1.120ha cây vụ đông, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các phương án tiêu thoát nước và tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở để hướng dẫn nông dân kỹ thuật thâm canh các cây trồng vụ đông. Đồng thời chuẩn bị đủ lượng và chủng loại giống cây trồng để sẵn sàng gieo trồng, gieo trồng lại nếu bị thiệt hại do mưa lớn gây ra; khuyến cáo bà con nông dân chỉ tiến hành trồng mới hay trồng lại khi thời tiết hết mưa, tạnh ráo. Tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tập trung sản xuất vụ đông, mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa. UBND xã, thị trấn chỉ đạo Ban Nông nghiệp phối hợp với các HTX dịch vụ nông nghiệp, Công ty Thủy nông huyện xây dựng kế hoạch và điều hành thời vụ gieo trồng, chủ động thu hoạch cây màu hè thu, lúa mùa gắn với gieo trồng cây vụ đông theo phương châm “sáng lúa, chiều cây vụ đông”.

Theo kế hoạch, vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 11.210ha cây rau màu các loại, tăng 1.680ha so với vụ đông năm 2020; trong đó có 1.710ha trên đất 2 lúa với các cây trồng chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: Khoai tây 1.920ha, bí xanh 495ha, cà chua 535ha, đậu tương 310ha… Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2 mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông hàng hóa và có mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản. Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương đang tích cực triển khai kế hoạch gieo trồng cây vụ đông nhằm đạt giá trị thu nhập cao nhất. Các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa gắn với gieo trồng cây vụ đông; lựa chọn, quy hoạch những vùng ruộng đất vàn và vàn cao, thuận lợi tưới, tiêu để cấy lúa mùa sớm, mùa trung sớm, tạo quỹ đất gieo trồng cây vụ đông. Đồng chí Phạm Ngọc Chi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vụ Bản cho biết: Ngay từ khi xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2021, huyện đã xác định rõ loại cây trồng, phương thức tiêu thụ, vùng trồng gắn với việc chủ động tưới, tiêu nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro cho nông dân. Đối với những địa phương chuyên màu, thực hiện đa dạng hóa các cây rau đậu ngắn ngày, quay vòng 2-3 lứa/vụ đông. Tập trung sản xuất các cây rau, củ, quả truyền thống gồm: cà chua, dưa chuột, bí xanh, khoai tây và các loại rau ăn lá để tiêu thụ nội địa. Đối với diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa tập trung sản xuất các cây trồng phục vụ chế biến xuất khẩu, có thị trường tiêu thụ sản phẩm và cho hiệu quả kinh tế cao như: cà chua, cải dầu, ngô nếp, ngô ngọt, dưa chuột. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng và quan tâm tìm kiếm các đối tác liên kết tiêu thụ sản phẩm các cây vụ đông cho nông dân.

Đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Cùng với sự chủ động tích cực của các huyện, thành phố trong thực hiện kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2021, Sở NN và PTNT cũng đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, các công ty thủy nông tăng cường phối hợp, khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa các cống đầu mối, các trạm bơm, các trục kênh điều tiết nước; thực hiện khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên đồng ruộng… để điều tiết nước phục vụ gieo trồng và chống úng, ngập, bảo vệ sản xuất vụ đông an toàn trong điều kiện thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể, đối với vùng bơm điện, chủ động lấy nước tưới qua các kênh nổi, hạn chế lấy nước tưới qua kênh tiêu; duy trì đúng mực nước khống chế trong hệ thống theo từng thời kỳ. Vùng thủy triều, thực hiện tốt phương châm “lấy nhanh - tiêu nhanh”; chuẩn bị thêm các máy bơm dầu, bơm điện và các phương tiện đấu tát khác sẵn sàng tham gia phòng, chống úng, hạn cho cây trồng vụ đông.

Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, vụ đông năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều, đồng ruộng ẩm ướt không thuận lợi cho việc đưa máy vào làm đất sản xuất cây màu. Vì vậy, các huyện, thành phố cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các xã, thị trấn đôn đốc nông dân khẩn trương, chủ động lách thời tiết làm đất, xuống giống; tập trung chăm sóc các giống cây trồng vụ đông sớm; tiếp tục gieo trồng cây vụ đông còn thời vụ, góp phần hoàn thành chỉ tiêu gieo trồng cây vụ đông đề ra./.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202110/huong-toi-vu-dong-hang-hoa-gia-tri-cao-2546985/