Hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh
Văn phòng điều phối trung ương kiểm tra và tham quan mô hình vườn mẫu ông Ngô Quốc Dũng, xã Hòa Quang Bắc. Ảnh: VĂN NHÂN
Đến nay, Phú Yên có 11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, trong đó xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) và xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) là những điểm sáng với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả.
Điểm sáng xã nông thôn mới nâng cao
Hòa Quang Bắc là xã đầu tiên của tỉnh đạt NTM nâng cao vào năm 2019. Ngay sau khi được lựa chọn làm điểm xây dựng NTM nâng cao, xã đã chủ động phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng bước khắc phục khó khăn để đưa nền kinh tế phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; hoàn thiện hạ tầng cơ sở, giao thông nông thôn, cơ bản hoàn thành NTM nâng cao.
Ông Phan Thanh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc cho biết: Yếu tố làm nên thành công là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, là khơi dậy sức dân với phương châm “Tiêu chí dễ ưu tiên thực hiện trước, tiêu chí khó thực hiện từng bước”. Xác định tiêu chí nâng cao thu nhập là tiêu chí khó, xã đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Xã cũng khuyến khích người dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, trang trại với nhiều mô hình làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cũng theo ông Đồng, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nằm trên địa bàn xã đi vào hoạt động năm 2019, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 4 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 467,6 tỉ đồng. Đến nay có 7 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 606,6 tỉ đồng. Hiện nay, một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thực hiện, điển hình là hai mô hình trồng dưa lưới và dưa chuột trên giá thể trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, sạch và an toàn, lợi nhuận đem lại có thể đạt tối thiểu từ 750-800 triệu đồng/ha/năm.
Một số mô hình khác có hiệu quả kinh tế cao cũng được nhân rộng trên địa bàn xã như: trồng mãng cầu, đậu phộng, hoa lay ơn có sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, béc phun tự động để tưới. Ông Võ Công Thứ ở làng nghề trồng hoa và rau màu thôn Ngọc Sơn phấn khởi nói: Nhờ xây dựng xã NTM nâng cao, gia đình tôi và bà con trong thôn được cán bộ kỹ thuật chuyển giao, hướng dẫn nhiều mô hình sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, sạch và an toàn. Nhiều hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người đạt 45,6 triệu đồng/người/năm.
Nói về kinh nghiệm từ xã điểm đạt NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của huyện bằng những giải pháp cụ thể như: huy động mọi nguồn lực để nâng cấp hạ tầng thiết yếu, đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa ở khu dân cư; xã Hòa Quang Bắc có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất trọng điểm, đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, trồng cây trên đất rừng, cải tạo vườn tạp thành vườn mẫu NTM… Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, tạo điều kiện mặt bằng, thủ tục pháp lý để Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động, góp phần cải thiện thu nhập của người dân trên địa bàn. Kinh nghiệm từ xã NTM nâng cao Hòa Quang Bắc đang được các xã trong huyện nghiên cứu học tập.
Điểm sáng xã NTM nâng cao năm 2021 là xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân. Quá trình xây dựng NTM nâng cao ở một xã miền núi có khó khăn hơn. Để tạo sự đồng thuận, lãnh đạo xã rất chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân; huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy tinh thần đoàn kết, nội lực từ sức dân trong thực hiện các tiêu chí. Trong đó chú trọng tiêu chí giao thông nông thôn từ lập thiết kế, dự toán công trình, vận động người dân hiến đất, huy động mọi nguồn lực để thi công các tuyến đường trục xã, liên thôn.
Ông Nguyễn Thành Giang, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam cho biết: Các tuyến đường liên xã và từ xã đến huyện được nhựa hóa, bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện là hơn 6km, đạt 100%. Các tuyến đường trục thôn và đường liên thôn dài hơn 1km, đã cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện được hơn 1km, đạt 100%. Các tuyến đường ngõ, xóm dài gần 24km, đảm bảo sạch và không lầy lội vào mùa mưa, đạt 100%...
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Chánh văn phòng Điều phối NTM cho biết: Xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh, đặc biệt là ở những xã đã cán đích NTM và các xã tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Các xã NTM như khoác lên mình chiếc áo mới. Đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt, số hộ nghèo giảm nhanh. Các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành và ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Đến nay, Phú Yên có 59 xã đạt chuẩn NTM, đạt 71%, tăng 4 xã so với năm 2020. Trong đó, 11 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 3 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 6 vườn được công nhận vườn mẫu NTM, 2 huyện đạt chuẩn NTM. Đây là tiền đề hướng đến xây dựng NTM thông minh.
Hướng tới xây dựng NTM thông minh
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, việc ứng dụng công nghệ số, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo là những giải pháp mang tính đột phá để có thể giải quyết những khó khăn, nút thắt trong quá trình hướng tới xây dựng NTM thông minh giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2022, Phú Yên tiếp tục giữ vững các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010-2020; phấn đấu có thêm 3 xã NTM (62 xã), chiếm 75% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM, phấn đấu giữ vững 11 xã NTM nâng cao và thêm 2 xã NTM nâng cao; có thêm 3 khu dân cư, nâng tổng số khu dân cư trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn theo quy định là 6 khu, xây dựng thêm 5 vườn mẫu NTM.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Tùng cho biết những giải pháp chính được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng khai thác lợi thế vùng, miền. Gắn phát triển kinh tế du lịch với sản xuất nông nghiệp và các mô hình du lịch nông thôn, du lịch sinh thái… Tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển khâu bảo quản và chế biến nông lâm thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm. Các địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng nâng cao chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu, tạo lợi thế so sánh, tăng khả năng cạnh tranh và xuất khẩu trên thị trường. Bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, phát triển mô hình thôn, xóm xanh - sạch - đẹp; khuyến khích phát triển mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ, cấp thôn trong cộng đồng dân cư. Đồng thời phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn, giữ gìn an ninh và trật tự xã hội nông thôn…
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/271079/huong-toi-xay-dung-nong-thon-moi-thong-minh.html