Hướng tới xuất khẩu đạt mốc 1.000 tỷ USD - Bài 1: Năm 2024 - Thành quả ấn tượng
Dù năm 2024 thế giới có nhiều biến động, những hàng rào kỹ thuật trong xuất nhập khẩu của các nước thường xuyên xuất hiện, cước vận chuyển tàu biển biến động mạnh…, nhưng hàng hóa 'Made in Việt Nam' vẫn đều đặn đến tay người tiêu dùng trên thế giới. Sự nỗ lực không mệt mỏi, sáng tạo không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp Việt đã đem lại thành quả cho nền kinh tế hết sức ấn tượng.
Xác lập kỷ lục mới
Không khí tết đến gần thì hoạt động sản xuất tại nhà máy Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) càng bận rộn, công nhân thao tác trên các dây chuyền sản xuất cũng nhanh hơn. Tiếng máy chạy từ những dây chuyền đóng gói thành phẩm liên hồi, đảm bảo cho các lô hàng được hệ thống thu nhận và vận chuyển vào kho sắp xếp nhanh chóng, ngăn nắp.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, chia sẻ, dịp Tết Nguyên đán cũng là lúc các doanh nghiệp sản xuất tất bật chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho cả thị trường trong và ngoài nước, bởi sức mua trên thị trường tăng rất cao, nhất là nhóm hàng thực phẩm. Hàng năm, nguồn hàng xuất khẩu nước ngoài đã đóng góp khá lớn cho doanh số của Vissan.
Trong khi đó, ông Henry Nguyễn, Giám đốc Công ty ChiliCa (chuyên sản xuất tương ớt vừa tiêu thụ thị trường trong nước vừa xuất khẩu sang các khu vực châu Âu, Mỹ, châu Á), cho biết, không chỉ chú trọng vào số lượng mà các sản phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín đảm bảo chất lượng, ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào đến chế biến và phân phối, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này đảm bảo rằng sản phẩm của doanh nghiệp có thể vượt rào cản tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu.
Hiện những nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam liên tục xác lập những mốc kỷ lục mới trong năm 2024. Đơn cử, gạo đạt gần 5,3 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; cà phê Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu, chỉ sau Brazil, với kim ngạch xuất khẩu gần 4 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã cán mốc 7,23 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024, đưa Việt Nam vào tốp 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới…
“Nhìn nhận về con số kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, chúng ta không khỏi tự hào về những nỗ lực mà các doanh nghiệp Việt đã và đang làm được. Nhiều doanh nghiệp thành viên của Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM đã lấp đầy đơn đặt hàng đến hết tháng 6-2025. Thậm chí, có những doanh nghiệp đã tự tin đặt mục tiêu tăng 30% doanh thu vào năm 2025”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, phấn khởi.
Một điều hết sức đặc biệt mà ít ai biết tới, đó là Việt Nam đã đạt được những thành tựu xuất khẩu ấn tượng, vươn lên tốp đầu thế giới ở một số lĩnh vực quan trọng. Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2023, cũng như lần đầu tiên Việt Nam dẫn đầu thế giới về Chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, chia sẻ: “Với sự đa dạng và chất lượng ngày càng cao của các mặt hàng xuất khẩu, không chỉ đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu thế giới”.
Vươn mình trở thành trung tâm chế biến
Với đà tăng trưởng hiện tại, Bộ Công thương đủ cơ sở khẳng định tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt mốc 800 tỷ USD, đánh dấu một kỷ lục mới trong hoạt động thương mại quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong nước đang có sự mất cân đối giữa khu vực kinh tế trong nước và nước ngoài, khi khu vực trong nước chỉ chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong cơ cấu 10 nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao thì 2 nhóm là điện thoại, linh kiện và máy vi tính, sản phẩm điện tử dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu, lần lượt đạt 55 tỷ USD và khoảng 50 tỷ USD. Hai nhóm ngành hàng này tập trung ở số ít các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Còn những nhóm hàng có tỷ lệ doanh nghiệp trong nước chiếm đa số, có lợi thế là nguồn nguyên liệu nội tại dồi dào như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, nông thủy hải sản… có kim ngạch thấp hơn, dao động từ 15-38 tỷ USD.
TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, cho rằng, Việt Nam có lợi thế về sản xuất nông sản nhưng bất lợi là khoảng 70%-85% nông sản xuất khẩu vẫn ở dạng thô hoặc chế biến sơ. Nguyên nhân là do ngành công nghiệp chế biến sâu, chế biến sau thu hoạch còn yếu và thiếu. Nguyên liệu tinh sử dụng cho các ngành chế biến còn phụ thuộc nhập khẩu. Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn với 93,7% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 47,3%, và nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 46,4%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Để nâng cao giá trị và mở rộng thị trường, việc đầu tư vào chế biến sâu là cần thiết. Do vậy, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến sâu nông thủy hải sản, chế biến nguyên liệu sản xuất các ngành lương thực, thực phẩm… Hiện Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng cường quan hệ thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư vào các ngành chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm.
Gần đây nhất, những quy hoạch đồng bộ vùng nguyên liệu phù hợp đặc thù của từng địa phương, kết hợp đổi mới cách thức canh tác, đảm bảo đạt tiêu chuẩn toàn cầu ngay từ khâu con giống - trồng trọt/chăn nuôi - thu hoạch - chế biến đã tạo những lợi thế hấp dẫn dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức định chế tài chính quốc tế.
Vấn đề còn lại là các địa phương cần sớm chuẩn bị đầy đủ hạ tầng có tính đến yếu tố xanh, minh bạch chính sách thu hút đầu tư để doanh nghiệp nước ngoài sớm gia nhập vào Việt Nam. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chế biến hàng đầu thế giới.
Ở góc độ khác, để gia tăng giá trị xuất khẩu, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, chia sẻ, Bộ Công thương đã phối hợp các bộ ngành địa phương và hiệp hội ngành hàng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu sản phẩm quốc gia; thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến kết nối giao thương thông qua việc đưa sản phẩm mang thương hiệu quốc gia tham gia vào các triển lãm, hội chợ trong nước và quốc tế.
Trong mỗi lần tham gia triển lãm, hội chợ, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ thiết kế gian hàng mang tên “Việt Nam Value” đặc trưng dành riêng cho các sản phẩm xuất khẩu. Đây cũng là cách khẳng định vị thế thương hiệu sản phẩm Việt, giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị thương hiệu.
Thu hút mạnh đầu tư nước ngoài
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài. Công bố của Bộ KH-ĐT cho thấy, tính đến tháng 11-2024, Việt Nam đã thu hút tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của các dự án FDI ước đạt khoảng 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 10,69 tỷ USD, chiếm 70,4% tổng vốn đăng ký, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2023.