Hương truyền thống Quán Giò được công nhận là sản phẩm OCOP
Giữa tiết trời đông, hương thơm thoang thoảng trong gió tỏa ra từ những hộ gia đình làm hương ở ngõ Quán Giò, phố Bà Triệu, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) như níu chân người đi. Làng nghề truyền thống làm hương Quán Giò đang rộn rã, tất bật bước vào vụ sản xuất nhộn nhịp nhất năm. Mới đây, hương truyền thống Quán Giò được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đợt 4-2021.
Ngõ Quán Giò, phố Bà Triệu, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) là một trong làng nghề truyền thống lâu đời của xứ Thanh.
Cùng với các làng nghề trong tỉnh, làng nghề truyền thống làm hương Quán Giò, phường Trường Thi đang bước vào vụ sản xuất nhộn nhịp trong năm để kịp nhu cầu khách hàng gần xa.
Đến làng hương Quán Giò còn ấn tượng bởi những bức tranh vẽ trên bức tường của con ngõ nhỏ thể hiện các quy trình sản xuất hương truyền thống Quán Giò để giúp Nhân dân và du khách hiểu những giá trị truyền thống của làng nghề.
Dẫn tôi đến thăm một số hộ có truyền thống làm hương ở Quán Giò, Bí thư chi bộ phố Bà Triệu, phường Trường Thi Cao Văn Long cho biết: Ngõ Hàng Hương có hơn 50 hộ thì có đến 30 hộ sản xuất, kinh doanh hương truyền thống. Mới đây, hương truyền thống Quán Giò được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là niềm tự hào của bà con trong phố.
Hương được phơi đủ nắng, đủ gió. Màu vàng của bột hương, màu đỏ của chân hương đan xen nhau tạo nên bức tranh sinh động rực rỡ sắc màu.
Đến thăm gia đình anh Cao Thanh Minh, cơ sở sản xuất Minh Thu, số nhà 40 ngõ Hàng Hương, phường Trường Thi, cả gia đình đang tất bật cho các đơn hàng cuối năm.
Mỗi người một việc người trộn bột, người xe hương, người phơi hương để cho ra sản phẩm đảm bảo, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Theo anh Minh, nghề làm hương không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình mà góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động.
Để gìn giữ và phát huy được nghề truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thị trường, hương Quán Giò có bí quyết riêng.
Gia đình ông Cao Xuân Thủy là một trong những hộ dân có truyền thống lâu đời làm hương. Từ đời ông, cha và truyền lại cho ông, đến nay có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm hương. Ông là thành viên của Hợp tác xã hương truyền thống Quán Giò - Trường Thi.
Để cho ra một mẻ hương đạt tiêu chuẩn, người làm hương Quán Giò phải chuẩn bị các loại nguyên liệu như tăm hương, nhựa hương và than phụ gia. Công đoạn khó và phức tạp nhất là khâu pha trộn bột mùi hương với một số hương liệu như bột hồi, quế, trầm. Công việc này phải do người có tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm đảm nhiệm bởi nếu pha chế không cẩn thận hoặc không đúng liều lượng, hương sẽ không đạt mùi thơm chuẩn.
Hiện nay, làng hương Quán Giò có hai hình thức sản xuất là sản xuất thủ công, xe hương bằng tay và sản xuất bằng máy. Mỗi hình thức đều có ưu và nhược điểm khác nhau, phụ thuộc vào nhu cầu mà người sản xuất muốn hướng đến.
Làng hương Quán Giò đang tập trung sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm chính là hương bài, hương đen và hương đàn với trên dưới 10 loại với kích cỡ ngắn dài, to nhỏ, tùy theo nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Tùy theo từng loại hương sẽ có giá thành khác nhau, từ 20.000-30.000 đồng/bó trở lên.
Hiện nay, hương của làng nghề sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở các huyện, thị trong tỉnh, mà còn được khách ngoại tỉnh ưa chuộng. Tùy vào nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, hương truyền thống hay hương sản xuất bằng máy ở Quán Giò đều có khách hàng riêng và chỗ đứng riêng vững chắc trong lòng khách hàng.
Những năm qua, để phát huy làng nghề truyền thống hương Quán Giò, phường Trường Thi cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu hương Quán Giò. Vừa qua, hương truyền Quán Giò được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đợt 4-2021. Đây là cơ hội để hương Quán Giò ngày càng vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.