Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10: Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế số

Năm 2024, Chính phủ đã lựa chọn chủ đề 'Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế số và năng suất lao động' cho Ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia (10-10). Để bạn đọc rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra kỹ thuật đường truyền mạng chuyên dùng phục vụ chuyển đổi số của tỉnh.

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra kỹ thuật đường truyền mạng chuyên dùng phục vụ chuyển đổi số của tỉnh.

P.V: Trước hết, ông có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của Ngày CĐS quốc gia?

Ông Đỗ Xuân Hòa: Tại Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10 - 10 hàng năm là Ngày CĐS quốc gia. Đây là một ngày ý nghĩa với công cuộc CĐS tại Việt Nam, giai đoạn thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở các ngành, các cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện.

CĐS không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Với chủ đề: “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế số và năng suất lao động”, Ngày CĐS quốc gia năm 2024 nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng số và các ứng dụng công nghệ số như nền tảng cho sự phát triển vững chắc và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu. Hướng tới các mục tiêu hoàn thiện việc nâng cấp, phát triển và hoàn thiện các hạ tầng trên phạm vi toàn quốc, từ viễn thông đến dữ liệu nền tảng, tạo điều kiện cho việc xây dựng kinh tế số.

P.V: Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã làm những gì để xây dựng và tiến tới phổ cập hạ tầng số, thưa ông?

Ông Đỗ Xuân Hòa: Để phục vụ công tác CĐS, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên quan tâm phát triển hạ tầng số gồm: Hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và hạ tầng trung tâm dữ liệu, các nền tảng ứng dụng số.

Với hạ tầng viễn thông, bên cạnh phát triển mạng lưới Internet cáp quang băng thông rộng, tỉnh quan tâm phát triển mạng lưới viễn thông di động, đặc biệt tới các vùng sâu, vùng xa, vùng “lõm” thông tin. Hạ tầng CNTT cũng được quan tâm đầu tư xây dựng từ tỉnh đến xã.

Trên cơ sở đó, các hệ thống thông tin được triển khai kết nối liên thông từ tỉnh đến xã và với Trung ương cùng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đầu tư, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giúp giảm thời gian xử lý công việc và tiết kiệm chi phí.

Đến nay, tốc độ truy cập mạng băng rộng trên địa bàn tỉnh ở mạng di động băng rộng đạt 45 Mbps, đối với mạng cố định băng rộng đạt 87 Mbps; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 97%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt 76%.

Toàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông với 1.830 điểm thu phát sóng điện thoại di động (BTS). Tổng số thuê bao điện thoại di động là gần 1,53 triệu, đạt 114 thuê bao/100 dân. Trong đó có gần 1,21 triệu thuê bao có sử dụng dịch vụ 3G/4G; 1,49 triệu thuê bao truy nhập Internet băng rộng; 99,6% thôn bản được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G.

Cùng với đó, Thái Nguyên cũng triển khai nhiều ứng dụng số như: Sổ tay đảng viên điện tử với tỷ lệ 93,7% đảng viên đăng ký sử dụng; ứng dụng Công dân số C-Thái Nguyên với gần 108 nghìn tài khoản đăng ký, tiếp nhận trên 3,7 nghìn phản ánh…

P.V: Ông có thể nói rõ thêm kết quả trên đã tác động như thế nào đối với kinh tế số trên địa bàn?

Ông Đỗ Xuân Hòa: Phát triển hạ tầng số giúp tăng cường kết nối, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ tiên tiến. Sáng tạo ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức và người dân cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất lao động. Đây chính là chìa khóa giúp các địa phương vươn lên mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững.

Tại Thái Nguyên, cùng với các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy từ các ngành, các cấp, các địa phương, nền tảng hạ tầng số và các ứng dụng số đã tác động tích cực tới kết quả CĐS nói chung và kinh tế số nói riêng. Kinh tế số toàn tỉnh luôn luôn nằm trong tốp đầu của cả nước. Hiện, chỉ số kinh tế số Thái Nguyên xếp thứ 4 toàn quốc và đóng góp 34% tổng số GRDP của tỉnh, vượt hơn 2 lần chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01-NQ/TU.

Phiên livestream bán na La Hiên năm 2024 có trên 6 triệu lượt xem trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội và 865 đơn đặt hàng trực tuyến các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Phiên livestream bán na La Hiên năm 2024 có trên 6 triệu lượt xem trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội và 865 đơn đặt hàng trực tuyến các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có trên 5 nghìn doanh nghiệp số. Tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn trong năm 2023 đạt khoảng 815 nghìn tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn đạt trên 530 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Toàn tỉnh cũng đã triển khai 107 chợ 4.0, đạt 100% các chợ đủ điều kiện triển khai; 820/898 doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, đạt tỷ lệ 91,3%...

P.V: Xin ông cho biết định hướng thời gian tới để đẩy mạnh phát triển hạ tầng số?

Ông Đỗ Xuân Hòa: Để đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, bên cạnh phát huy, kế thừa các giải pháp đang triển khai, chúng tôi cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt, triển khai Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025.

Trong dự thảo Đề án này, chúng tôi đề xuất 9 nhiệm vụ thành phần phát triển hạ tầng số gồm: 100% bệnh viện, trường đại học triển khai 5G trong năm 2024; 100% khu dân cư phủ sóng 5G trong 2025; 100% tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng rộng di động 4G/5G; phổ cập kết nối cáp quang băng rộng tốc độ Gbps tới hộ gia đình, 100% khách hàng có nhu cầu; Samsung phối hợp với nhà mạng để đầu tư trung tâm dữ liệu (DC) quy mô trên 1000 cổng kết nối, 10MW cho các doanh nghiệp FDI của tỉnh; xây dựng bản sao số điển hình; triển khai ứng dụng thiết bị bay không người lái, camera tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt; triển khai Trung tâm trải nghiệm ứng dụng 5G; phát triển được các mô hình điểm kết hợp giữa hạ tầng mới, ứng dụng đổi mới sáng tạo.

Thực hiện thành công các mục tiêu trên sẽ tạo nên những động lực thúc đẩy hoạt động, tạo đột phá trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của tỉnh Thái Nguyên với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế số ngành, quản trị số và dữ liệu số theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Thu Hà (Thực hiện)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202410/huong-ung-ngay-chuyen-doi-so-quoc-gia-10-10-dong-luc-moi-cho-tang-truong-kinh-te-so-8bc049c/