Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7): Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trịvà toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người

Thời gian qua, các cấp và ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh, kiên quyết đẩy lùi tội phạm mua bán người, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai kế hoạch đấu tranh với Chuyên án NĐ-524 về tội mua bán người. (Ảnh Bộ đội Biên phòng Nam Định cung cấp)

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai kế hoạch đấu tranh với Chuyên án NĐ-524 về tội mua bán người. (Ảnh Bộ đội Biên phòng Nam Định cung cấp)

Triệt phá đường dây buôn bán người xuyên quốc gia

Đầu năm 2024, lực lượng trinh sát Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nam Định thu thập được thông tin nghi vấn về hoạt động của đường dây tội phạm với hành vi mua bán người từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng và một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước đi Thái Lan, sau đó xuất cảnh trái phép sang Myanmar. Theo đó, vào khoảng đầu năm 2023, đối tượng tên Nguyễn Văn Đông, quê ở tỉnh Thanh Hóa, hiện lấy vợ và đang sinh sống tại ở huyện Nghĩa Hưng đã dùng nhiều cách thức gặp gỡ, rủ rê những người dân nhẹ dạ, cả tin, hứa hẹn đưa sang Bangkok - Thái Lan làm cho công ty bán hành online, chèn quảng cáo trên mạng xã hội; ngày làm việc 8 tiếng sẽ có mức lương hàng tháng từ 16-18 triệu đồng Việt Nam; mọi chi phí làm thủ tục xuất nhập cảnh, vé máy bay… Đông có trách nhiệm lo hết. Tin tưởng vào những lời dụ dỗ của Đông nên 7 nạn nhân đã nhận lời; trong đó 2 người ở tỉnh Nam Định, 4 người ở tỉnh Thanh Hóa và 1 người ở tỉnh Hòa Bình. Ngày 23/2/2023, cả 7 người tập trung tại nhà Đông để đi xe ô tô lên sân bay Nội Bài xuất cảnh. Đến Bangkok - Thái Lan, các nạn nhân được đưa lên xe ô tô loại 16 chỗ, sau đó tiếp tục hành trình đi được khoảng 9 giờ đồng hồ thì cả 7 người bị chuyển sang 2 xe bán tải chạy ra khu vực biên giới Thái Lan, được 2 người đàn ông nước ngoài mang theo súng quân dụng áp tải qua sông. Khi qua sông, có 3 người đàn ông nước ngoài đón, đưa lên xe ô tô chạy đến “Khu tự trị ở Myanmar” do người Trung Quốc quản lý; đồng thời ký hợp đồng làm việc 1 năm, ngày làm việc 8 tiếng, mức lương 26 nghìn Bạt (tiền Thái Lan), tương đương khoảng từ 16-18 triệu đồng Việt Nam. Nội dung công việc phải thực hiện là dùng máy tính kết nối mạng internet tốc độ cao để lừa đảo người Việt Nam thông qua các mạng xã hội. Thực tế tại Myanmar, các nạn nhân bị ép làm việc từ 12-14 tiếng mỗi ngày; nếu không đủ chỉ tiêu, thời gian làm việc phải nâng lên 20 tiếng/ngày, bị cắt lương, phạt bỏ đói, đánh đập. Do không chịu nổi áp lực công việc nên các nạn nhân đã giao tiếp với một người biết tiếng Việt Nam, tên là Quang hỏi muốn về Việt Nam thì phải làm thế nào? Người này trả lời phải có tiền chuộc 110 triệu đồng/người. Ngày 25/8/2023 một số nạn nhân đã liên hệ được với thân nhân ở Việt Nam và cầu cứu gửi tiền sang đó để được trả hộ chiếu, giấy tờ tùy thân và được người của Công ty tại Myanmar dẫn sang sân bay Bangkok - Thái Lan làm thủ tục về nước.

Từ thông tin của các nạn nhân, lực lượng trinh sát BĐBP tỉnh xác định đường dây buôn người này có 2 đối tượng dẫn dắt. Cụ thể, đối tượng Nguyễn Văn Đông, sinh năm 1980; nguyên quán xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; thường trú tại xóm Ba Đê, xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng). Trước đây Đông từng là thuyền viên trên phương tiện thủy nội địa, chuyên nghề khai thác, vận chuyển cát tại các tỉnh Tây Nam Bộ. Quá trình làm ăn, Đông có quen chồng của một đối tượng tên là Nguyễn Thị Hằng, quê ở tỉnh Thanh Hóa. Sau khi bàn tính, hai đối tượng này nảy sinh phương án “làm ăn”; trong đó Đông là đầu mối chuyên dụ dỗ, vận chuyển người đi nước ngoài để cưỡng bức lao động cho Hằng… Đối tượng Nguyễn Thị Hằng cũng sinh năm 1980, thường trú tại xã Hải Hà, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Trước đây, Hằng từng có thời gian làm việc trong Khu tự trị do người Trung Quốc quản lý tại Myanmar. Khi về nước, Hằng vừa là người trực tiếp dụ dỗ, tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao người đưa ra nước ngoài để cưỡng bức lao động; đồng thời chi trả tiền công (khoảng 2 triệu đồng Việt Nam/người) nếu ai tuyển mộ được người cho Hằng đưa đi nước ngoài làm việc.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã quyết định thành lập Chuyên án NĐ-524, cử các trinh sát có bề dày kinh nghiệm tham gia, quyết tâm đấu tranh làm rõ vụ việc. Đại tá Nguyễn Hồng Hào, Trưởng Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm, Phó Ban Chuyên án NĐ-524 (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) cho biết, do tính chất phức tạp của loại tội phạm xuyên quốc gia nên Ban Chuyên án đã dày công xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ; đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh BĐBP, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh để đấu tranh phá án. Sau thời gian tích cực, khẩn trương truy xét các dấu vết tội phạm, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 28/5/2024, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nam Định đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi mua bán người và triệu tập 2 đối tượng có liên quan trong chuyên án. Qua đấu tranh, đối tượng Nguyễn Thị Hằng đã khai nhận hành vi phạm tội; được xác định là đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây mua bán người xuyên quốc gia này. Đối tượng Nguyễn Văn Đông do liên quan đến một số hành vi phạm tội khác nên được bàn giao cho Công an tỉnh Nam Định điều tra, xử lý theo quy định. Chuyên án NĐ-524 của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thực hiện thành công đã được Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND tỉnh Nam Định ghi nhận, đánh giá cao, kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm

Đại tá Chu Văn Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thời gian qua tình hình tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán người ra nước ngoài có diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Nhiều người bị lôi kéo, dụ dỗ xuất cảnh ra nước ngoài làm việc với mức thu nhập cao, nhưng khi nhập cảnh thì bị mua bán, bị khống chế, cưỡng bức lao động, đánh đập, thậm chí phải tham gia vào đường dây lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, sau đó đòi tiền chuộc… Qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh xác định trên địa bàn Nam Định hiện có 22 phụ nữ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc trở lại địa phương; có 1 trường hợp bị Thái Lan trục xuất; có 1 trường hợp bị Lào trao trả; có 4 đối tượng có quyết định truy nã liên quan đến tội phạm mua bán người.

Trước những diễn biến phức tạp mới của tình hình tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đang có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Trong đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 và Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội; các chiến lược, chương trình của Chính phủ liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở; qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người. Đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; kịp thời cảnh báo để quần chúng nhân dân cảnh giác, phòng ngừa, tạo chuyển biến hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác phòng, chống mua bán người. Công an tỉnh tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người; trong đó chủ động nắm chắc tình hình, xác định tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, diễn biến, phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động mới của tội phạm mua bán người; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, không để tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, hình thành, tồn tại các tuyến, đường dây mua bán người hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia; tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm mua bán người. Các cấp, các ngành, địa phương chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống tội phạm mua bán người... qua đó góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Xuân Thu

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tieu-diem/202407/huong-ung-ngay-toan-dan-phong-chong-mua-ban-nguoi-307-huy-dong-suc-manh-tong-hop-cua-he-thong-chinh-triva-toan-dan-tham-gia-phong-chong-toi-pham-mua-ban-nguoi-ff8685d/