Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, Vệ sinh lao động năm 2024: Đừng để 'mất bò' mới lo...
Thời gian qua trong cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từ đầu năm đến nay, tình hình TNLĐ cũng gia tăng.
Gia tăng số vụ TNLĐ
Trong vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng do sự cố kỹ thuật làm nổ nồi hơi tại Công ty TNHH gỗ Bình Minh (Đồng Nai) vào sáng 1/5 vừa qua có 2 nạn nhân quê Bắc Giang. Đó là anh Trần Văn Nguyễn (SN 1986) ở thôn Mới và anh Hoàng Văn Kính (SN 1978) ở thôn Bả, cùng xã Cấm Sơn (Lục Ngạn).
Được biết, vì muốn có thêm thu nhập chăm lo cho gia đình nên dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, hai anh vẫn ở lại công ty làm việc. Không may, tai nạn xảy ra đã khiến anh Nguyễn tử vong, anh Kính bị thương nặng hiện vẫn đang điều trị tại bệnh viện. Chị Nguyễn Thị Cừ (SN 1989), vợ anh Nguyễn cho biết, anh Nguyễn vào Đồng Nai làm việc được hơn 2 năm. Chị Cừ cũng làm công nhân tại một doanh nghiệp (DN) trong tỉnh. Gia đình có hai con, một học lớp 10, một lớp 4. Giờ đây mọi gánh nặng đều dồn lên đôi vai chị Cừ.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết 5 người (tăng 3 vụ); 28 vụ TNLĐ làm 28 người bị thương
Tại Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết 5 người (tăng 3 vụ); 28 vụ TNLĐ làm 28 người bị thương (tăng 3 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Đáng chú ý, riêng trong ngày 26/3 xảy ra ba vụ liên tiếp gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, khoảng 15 giờ 55 phút, tại một xưởng sản xuất ở thôn Vĩnh Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang), trong quá trình kiểm hàng, chị Nguyễn Thị L (SN 1993) cúi xuống xem mã số thì không may bị cuộn tôn rơi vào người tử vong.
Trước đó, khoảng 10 giờ 40 phút cùng ngày, anh Nguyễn Đình C (SN 1990) bất cẩn trong quá trình làm việc đã rơi xuống bồn chứa nguyên liệu tại một DN thuộc KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa) dẫn đến bị ngạt khí tử vong. Cũng trong ngày 26/3, trong quá trình làm việc, ông Đỗ Đăng L (SN 1978), công nhân tại một DN ở huyện Việt Yên đã thiệt mạng sau khi ngã xuống hồ nước.
Trong số những vụ TNLĐ có không ít vụ xảy ra do người lao động (NLĐ) bất cẩn, chưa tuân thủ đúng quy trình vận hành máy móc thiết bị bảo đảm an toàn. Mới đây vào ngày 3/4, tại một DN thuộc Khu công nghiệp (KCN) Song Khê - Nội Hoàng (Yên Dũng) khiến nam công nhân Ma Xuân P (SN 1997), quê ở tỉnh Hà Giang tử vong. Anh P là công nhân bộ phận đúc nhôm. Quá trình sửa máy, anh không để biển thông báo về việc đang xử lý sự cố. Một công nhân khác không biết có người bên trong nên đã vận hành máy khiến anh P bị khuôn đúc ép vào người.
Nâng cao ý thức, giảm nguy cơ tai nạn
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu TNLĐ. Tuy nhiên, số người chết, bị thương vì TNLĐ từ đầu năm có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê của cơ quan quản lý lao động, hầu hết công nhân làm việc tại xưởng sản xuất của các DN là lao động phổ thông nên tay nghề, kỹ thuật vận hành các thiết bị, dây chuyền hiện đại còn hạn chế. Việc công nhân chưa nắm chắc quy trình, kỹ thuật vận hành máy móc, thiết bị sản xuất cũng dẫn tới phát sinh sự cố, trục trặc kỹ thuật gây ra tai nạn.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Giang, Trưởng Công an thị xã Việt Yên, quá trình điều tra cho thấy phần lớn các vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn huyện do lỗi chủ quan, lơ là của NLĐ khi thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định, nội quy về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Trong quá trình làm việc nhiều trường hợp không sử dụng đầy đủ các thiết bị bảo hộ theo yêu cầu.
Ở một số vụ việc, mạng lưới an toàn vệ sinh viên hoặc người sử dụng lao động chưa tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ theo quy định hoặc chủ quan, chưa giám sát chặt chẽ, bảo đảm kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Do đó, để ngăn ngừa tai nạn xảy ra, đơn vị đã phối hợp với các cơ sở sản xuất, chủ DN đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành quy định về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ tại nơi làm việc. Đồng thời tích cực điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ TNLĐ, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm, gây mất an toàn.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), năm 2023, đơn vị tổ chức, hướng dẫn huấn luyện ATVSLĐ cho hơn 111 nghìn lượt người sử dụng lao động, cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ, NLĐ tại 381 DN, hợp tác xã. Cùng đó, 656 DN tự tổ chức huấn luyện an toàn cho NLĐ theo quy định. Hằng năm, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành kiểm tra ATVSLĐ từ 10-20 DN. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 9,5 nghìn DN đang hoạt động và sử dụng hơn 300 nghìn lao động. Với số lượng lớn DN, NLĐ, việc tổ chức huấn luyện, kiểm tra, giám sát ATVSLĐ trong quá trình sản xuất của ngành chức năng đang như “muối bỏ bể”.
Là một trong những DN điển hình trong thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ, kinh nghiệm của Công ty TNHH DAEYANG Hà Nội, Cụm công nghiệp Đồng Đình (Tân Yên) là chủ động trong công tác ngăn ngừa, giám sát chặt chẽ việc NLĐ thực hiện các nội quy, quy định tại nơi làm việc. Đồng thời, niêm yết quy trình vận hành máy móc, thiết bị có yêu cầu cao tại từng khu vực, tổ sản xuất để NLĐ dễ thấy, chấp hành.
Lao động làm việc tại các bộ phận nguy hiểm, độc hại có thêm các khoản bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật. Đặc biệt, DN xây dựng, thường xuyên củng cố mạng lưới an toàn vệ sinh viên với 50 thành viên là công nhân nòng cốt. Mỗi tuần một lần, các thành viên kiểm tra, đánh giá công tác ATVSLĐ tại mỗi bộ phận; kịp thời phát hiện các nguy cơ rủi ro, nhắc nhở NLĐ chấp hành nghiêm các quy định an toàn trong sản xuất.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh, theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, TP đẩy mạnh tuyên truyền, siết chặt quản lý Nhà nước về việc chấp hành các quy định ATVSLĐ để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Đồng thời phối hợp, hướng dẫn DN xây dựng quy trình làm việc an toàn; rà soát, kiểm định kỹ thuật đối với các thiết bị có yêu cầu cao về an toàn; tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý sự cố kỹ thuật về ATVSLĐ. Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương thì để giảm thiểu các nguy cơ TNLĐ, sự cố cháy nổ đòi hỏi chủ các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh quan tâm hơn tới công tác kiểm định, khai báo sử dụng các loại máy, thiết bị. Quá trình vận hành sản xuất cần bố trí nhân lực phù hợp tại các vị trí, quan tâm đào tạo chuyên môn, kỹ thuật cho lao động phổ thông và trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân.
Bài, ảnh: Minh An