Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai Việt Nam: Chủ động thích ứng, xây dựng cộng đồng an toàn, bền vững trước thiên tai

Nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ngày 13/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg, chính thức lấy tuần lễ từ 15 đến 22/5 hằng năm là Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai (PCTT). Năm 2025, Tuần lễ lấy chủ đề là 'Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai', nhấn mạnh vai trò trung tâm của người dân trong ứng phó, phục hồi và phát triển bền vững trước những thách thức ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.

Nghĩa Hưng trồng bổ sung rừng phòng hộ, chắn sóng, chống sạt lở, bảo vệ đê điều, đầm nuôi thủy sản trước diễn biến khó lường của thiên tai.

Nghĩa Hưng trồng bổ sung rừng phòng hộ, chắn sóng, chống sạt lở, bảo vệ đê điều, đầm nuôi thủy sản trước diễn biến khó lường của thiên tai.

Cộng đồng là trung tâm của phòng, chống thiên tai

Theo định nghĩa của Văn phòng Liên hợp quốc về Giảm thiểu rủi ro Thiên tai (UNDRR), một cộng đồng có khả năng chống chịu là cộng đồng biết chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, phục hồi nhanh và giữ vững các chức năng thiết yếu sau thiên tai. Điều đó đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ vào hạ tầng bền vững, nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển sinh kế đa dạng và tăng cường gắn kết giữa chính quyền với người dân.

Là tỉnh ven biển có 72km bờ biển, địa bàn có nhiều sông kênh, hệ thống đê điều lớn với 663km đê, gồm 91km đê biển và 572km đê sông, lại nằm trong vùng thường xuyên hứng chịu ảnh hưởng của bão, lũ, triều cường và nước biển dâng, đối với Nam Định công tác PCTT là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. Những năm qua, tỉnh không ngừng đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều, trạm bơm, cống điều tiết, hồ chứa…; củng cố hệ thống giao thông, điện, viễn thông, bảo đảm duy trì thông suốt trong mùa mưa bão. Việc phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng không chỉ phục vụ phát triển kinh tế mà còn là yếu tố sống còn để bảo vệ dân sinh khi xảy ra thiên tai. Tuy nhiên, phần lớn đê điều được xây dựng từ lâu, hiện nhiều đoạn đã xuống cấp, chưa đáp ứng cao trình thiết kế, đặc biệt tuyến đê biển mới chỉ chống được bão cấp 10 và triều trung bình. Trước thực tế đó, tỉnh đã tích cực huy động, ưu tiên nguồn lực tu bổ, củng cố, từng bước nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai của hệ thống đê điều. Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đều bố trí khoảng 45 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng và xử lý sự cố đê điều tại Nam Định. Hiện tỉnh đang triển khai Dự án nâng cấp một số đoạn đê, kè trọng yếu với tổng chiều dài gần 5km, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2024-2027. Đồng thời, tỉnh cũng được phê duyệt Dự án thành phần xây dựng đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh (Hải Hậu) thuộc chương trình củng cố đê biển vùng Bắc Bộ, với tổng vốn 500 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương...

Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh trong công tác PCTT là chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động thích ứng, luôn lấy con người làm trung tâm, lấy phòng ngừa là chính, kiên trì thực hiện phương châm “4 tại chỗ” từ cấp tỉnh đến tận thôn, xóm. Các kế hoạch PCTT, tìm kiếm cứu nạn được cập nhật sát thực tế từng vùng, từ các huyện ven biển như Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đến các vùng nội đồng; phương án sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn tại các vùng xung yếu luôn sẵn sàng, linh hoạt theo tình huống; coi trọng nâng cao năng lực cộng đồng trong PCTT. Công tác dự báo, cảnh báo rủi ro thiên tai ngày càng được cải thiện, thông tin sớm được truyền tải đa kênh qua hệ thống truyền thanh, mạng xã hội, nhóm Zalo cộng đồng… Hàng năm, hàng nghìn lượt cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân được tập huấn kỹ năng ứng phó thiên tai, sơ tán, cứu nạn và quản lý rủi ro thiên tai. Các cuộc diễn tập được tổ chức sát thực tế tại các vùng trọng điểm, giúp nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành của chính quyền, đồng thời tăng khả năng phản ứng nhanh, chính xác của người dân. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm củng cố lực lượng xung kích cơ sở, lực lượng quản lý đê nhân dân, tuần tra canh gác đê… Đây là những lực lượng “phản ứng nhanh” tại cơ sở, giúp phát hiện và xử lý sớm các sự cố, bảo vệ an toàn đê điều ngay từ giờ đầu. Cộng đồng dân cư, từ người cao tuổi, phụ nữ đến thanh niên - đang dần trở thành những “chiến sĩ PCTT” ngay tại nơi mình sinh sống.

Cùng với các giải pháp ứng phó, tỉnh Nam Định chủ trương lồng ghép chương trình PCTT với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế xanh. Các huyện ven biển đã tăng cường bảo vệ, trồng bổ sung rừng phòng hộ nhằm chắn sóng, chống sạt lở, bảo vệ đê điều, đầm nuôi thủy sản và hạn chế nhiễm mặn. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nuôi trồng thủy sản bền vững cũng góp phần giảm phụ thuộc vào thời tiết, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều địa phương đã chủ động thay đổi mùa vụ, đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi chịu hạn, chịu mặn, chống sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thời tiết bất thường. Đồng thời, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển chuỗi giá trị sản xuất, chế biến nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc, phát triển nhãn hiệu nông sản thân thiện môi trường, bền vững với khí hậu.

Từ ứng phó sang thích ứng

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia PCTT năm 2025, tỉnh Nam Định xác định: Thiên tai ngày càng khó lường, không theo quy luật truyền thống, vì vậy đây là thời điểm then chốt để tái củng cố lực lượng, tư duy và cách tiếp cận mới trong công tác PCTT. Tinh thần xuyên suốt trong các hoạt động hưởng ứng năm nay là chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động thích ứng, từ xử lý tình huống sang quản lý rủi ro dài hạn. Theo đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng bám sát chỉ đạo của tỉnh tập trung xây dựng cộng đồng an toàn - chủ động - linh hoạt trước biến đổi khí hậu, với trọng tâm là nâng cao năng lực tự bảo vệ của người dân, gắn PCTT với quy hoạch phát triển bền vững, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đáng chú ý, các sở, ban, ngành, các địa phương đều đã chủ động bố trí kinh phí hợp lý, tránh phô trương, lãng phí, tập trung vào các hoạt động chiều sâu như: treo pa-nô, áp phích tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng tại cơ quan, khu dân cư; phổ biến tài liệu, video hướng dẫn ứng phó thiên tai trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội. Các địa phương tiến hành rà soát, cập nhật và hoàn thiện phương án PCTT theo hướng sát thực tế, đủ kịch bản, đủ nguồn lực; ưu tiên củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích cơ sở; chú trọng kiểm kê, bổ sung sẵn sàng vật tư, phương tiện “4 tại chỗ”. Các sở chuyên ngành phối hợp kiểm tra, khắc phục các công trình đê điều, hồ chứa, tiêu úng xuống cấp, đặc biệt tại các khu vực ven biển, vùng trũng thấp.

Với những bước đi chủ động, bền bỉ và khoa học, Nam Định đang nỗ lực bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng một cộng đồng an toàn, thích ứng linh hoạt với mọi hình thái thiên tai trong hiện tại và tương lai.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202505/huong-ung-tuan-le-quoc-gia-phong-chong-thien-tai-viet-nam-chu-dong-thich-ung-xay-dung-cong-dongan-toan-ben-vung-truoc-thien-tai-6354919/