Hương vị bánh quê
Ngày nay, trong xu thế phát triển, các loại bánh ngày càng đa dạng hơn về chủng loại và phong phú về mùi vị, hình dáng. Tuy nhiên, bánh quê vẫn luôn giữ cho mình một vị trí riêng trong lòng người thưởng thức. Đơn sơ mà ngọt lành, chiếc bánh quê hương lưu giữ tinh túy của những sản vật làng quê và sự chăm chút của người chế biến.
Là một trong những người trẻ luôn dành nhiều tâm huyết để làm các loại bánh dân gian, đặc biệt là bánh bông lan, bánh kẹp, chị Phùng Thị Minh Ngọc, ở xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) không chỉ góp phần gìn giữ nghề bánh truyền thống của gia đình mà còn giới thiệu hình ảnh những chiếc bánh dân gian này đến nhiều thực khách trong và ngoài huyện. Hàng ngày, cứ tầm 5 - 6 giờ sáng là bếp nhà chị đã đỏ lửa để cho ra lò những mẻ bánh nóng hổi, kịp thời cung cấp cho người tiêu dùng. Chị Ngọc cho biết: “Nghề làm bánh kẹp của gia đình đã qua 3 đời, bà nội truyền cho mẹ rồi mẹ lại truyền cho mình. Ngày nay, có rất nhiều loại bánh ngon khác nhưng bánh kẹp vẫn được nhiều người lựa chọn không chỉ trong dịp tết hay đám tiệc mà ngày thường vẫn bán được nên từ đó mình càng cố gắng giữ nghề”.
Còn chị Từ Thị Hồng Nhung, ở xã Liêu Tú cũng đã mạnh dạn chọn nghề làm bánh truyền thống của gia đình để khởi nghiệp. Với các loại như bánh: hột gà, bánh đậu và các loại mứt truyền thống đều mang hương vị rất riêng. Cơ sở của chị còn được hội phụ nữ hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu nên ngày càng khẳng định được uy tín trên thị trường. Vậy là từ chiếc bánh quẩn quanh ở chợ xóm, giờ đây bánh của Nhung đã có mặt ở nhiều cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Sở dĩ những món bánh của chị được thực khách nhiều nơi ưa chuộng vì vẫn giữ vững được hương vị ngày xưa là nhờ vào phương thức chế biến hoàn toàn bằng thủ công, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh. Chị Nhung cho biết: “Hàng ngày, cơ sở cung ứng ra thị trường vài chục ký bánh, vào dịp rằm hay đám cưới, đặc biệt là Tết Nguyên đán thì nhu cầu tiêu thụ bánh rất cao. Mỗi ngày chị phải thức từ 3, 4 giờ sáng để chuẩn bị làm bánh mới kịp giao cho khách. Tuy cực nhưng có nguồn thu nhập ổn định và quan trọng hơn hết là gìn giữ được nghề truyền thống của gia đình.
Ngày trước, bánh quê chủ yếu được làm trong nhà để đãi gia đình, bè bạn, là món quà biếu khách phương xa. Chiếc bánh đơn giản mà gắn bó nghĩa tình mà gây nhớ nhung vì những hương vị thân thương, thơm thảo. Ăn chiếc bánh như mở ra một khoảng trời bình yên của xóm làng, có chiếc cầu tre lắt lẻo, vọng về câu hò ai buông lơi giữa bình yên sông nước. Ngày nay, thị trường có đa dạng các loại bánh thế nhưng bánh quê vẫn luôn được nhiều người ưa chuộng, bởi phần lớn vẫn làm theo cách thủ công, truyền thống từ các công đoạn ngâm gạo, nhào bột bằng tay, đến khi làm thành những chiếc bánh. Qua bàn tay khéo léo của người làm mà từng chiếc bánh kẹp, bánh bông lan, bánh hột gà, bánh lá, bánh bò, bánh chuối... được nên hình nên dáng và trở nên thơm ngon, đậm đà hương vị.
Nhịp sống hiện đại hối hả, không còn nhiều gia đình tự làm các loại bánh đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Nhờ có những người thợ lành nghề, các loại bánh dân gian vẫn giữ hương vị đậm đà vốn có, kịp thời đáp ứng nhu cầu xã hội. Và nghề làm bánh dân gian truyền thống cũng đã mang đến cho người thợ cuộc sống khấm khá hơn.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/huong-vi-banh-que-51855.html