Hương vị của núi rừng
Đã bao đời nay, rượu đoác luôn gắn bó với đời sống, văn hóa người Rục ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa). Gọi là rượu nhưng đó thực chất là một loại nước được chiết xuất từ những giọt nhựa cây trong rừng rất thơm ngon được người Rục ưa chuộng, nhất là trong các dịp cúng tế, lễ, tết, mừng nhà mới, cơm mới…
Theo các cụ cao niên người Rục kể lại, trước đây có một nhóm người Rục sống trong hang đá, chuyên đi săn bắt, hái lượm để sống qua ngày. Một hôm, họ mệt lả vì khát nước nên dừng lại bên gốc cây họ dừa, lấy đá đục vào thân cây thì thấy dòng nước màu trắng như sữa chảy ra, bèn lấy lá cây hứng rồi uống vào thì có vị ngọt, thơm, cay, nồng. Sau một hồi, nhóm người này thấy mình khỏe mạnh khác thường.
Cũng từ đó, người Rục xem thứ nước đó là tinh hoa của núi rừng ban tặng, là một loại nước uống giải khát. Về sau này, người Rục gọi thứ nước đó là rượu đoác và thường uống mỗi khi lên nương rẫy, trong các dịp cúng tế, lễ, tết, mừng cơm mới, nhà mới…
Ông Cao Ngọc Đoàn, ở bản Ón, xã Thượng Hóa (Minh Hóa), một trong những người Rục có thâm niên đi lấy rượu đoác hơn 40 năm kể: “Cây đoác có nhiều ở núi rừng Thượng Hóa. Có những cây cao gần 20m, lấy một mùa được gần 50 lít. Rượu đoác nơi đây cũng thơm ngon nên dân bản và khách nhiều nơi đặt mua”.
Theo ông Đoàn, rượu đoác là chất nhựa từ những thân cây đoác cao to, màu đục như sữa. Trước khi hứng rượu đoác, phải dùng vỏ cây Chùa Hương (một loại cây lấy trong rừng) phơi khô, bỏ vào can hứng để lên men tại gốc.
Cuộc sống của đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa thường dựa vào nương rẫy, ở trên rừng thường xuyên nên rất gắn bó với cây đoác. Bởi loại cây này không chỉ mang lại cho họ nguồn nước giải khát dồi dào, thân cây đoác còn có chất bột làm thức ăn trong những tháng năm nghèo đói hay những lúc giáp hạt.
Hàng năm, cứ vào ngày 15/1 âm lịch (rằm tháng Giêng), đồng bào Rục ở các bản Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp, Ón thường tổ chức lễ cầu an. Lễ vật dâng lên các vị thần linh gồm có thịt lợn, gà, xôi, cá khe… và một thứ không thể thiếu đó là rượu đoác. Trong đêm 14, sau khi mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi, bà con các bản làng ngồi quây quần với nhau bên bếp lửa, cùng thưởng thức hương vị của núi rừng và trò chuyện. Sáng sớm ngày rằm, mọi lễ vật được dâng lên bàn thờ, trong đó có phần rượu đoác ngon nhất, tinh sạch nhất dâng lên thần linh.
Ông Trần Quyền (95 tuổi), già làng bản Ón nói: “Lễ cầu an là dịp dân bản cầu xin thần linh phù hộ cho đồng bào Rục luôn khỏe mạnh, bình an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt, ấm no, sung túc... Do vậy, lễ vật để cúng đều gắn bó với đời sống của bà con nơi đây, nhưng phải chọn những thứ ngon, tinh sạch nhất, kể cả rượu đoác. Không chỉ trong lễ cầu an mà cả lễ mừng cơm mới, nhà mới, Tết cổ truyền… đồng bào Rục cũng thường dùng rượu đoác để cúng”.
Năm 2020, Công ty TNHH Oxalis Holiday đưa vào thử nghiệm tuyến du lịch khám phá thung lũng Hung Trâu mùa nước lũ và đồng bào Rục xã Thượng Hóa. Tour du lịch này giúp du khách khám phá và trải nghiệm thiên nhiên hoang dã giữa những lèn đá vôi dựng đứng, với các thung lũng sâu chứa đầy nước lũ. Du khách sẽ được vào thăm các bản làng người Rục để tìm hiểu về văn hóa, đời sống của tộc người được xếp vào 10 bộ lạc còn nhiều điều bí ẩn nhất thế giới này. Đồng thời, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn dân dã, truyền thống của người Rục, như: Cá khe, sắn nướng, ốc lèn, cơm nhúc và ly rượu đoác mát dịu.
Ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ón cho biết: “Rượu đoác lấy được quanh năm, nhưng thơm ngon nhất vẫn là vào tháng 5 khi cây đoác kết trái. Đây cũng là thời điểm đoác cho rượu nhiều, thời tiết ít mưa gió nên chất lượng rất tốt, mang hương nồng đặc trưng của núi rừng. Với cung đường vừa phải và sự hấp dẫn của phong cảnh, văn hóa, ẩm thực kết hợp với hương vị rượu đoác đặc trưng của núi rừng Minh Hóa thì việc mở các tour du lịch khám phá nơi đây là vô cùng cần thiết. Nếu phát triển tốt, đúng hướng không chỉ tạo nên những sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo cho tỉnh nhà mà còn giúp đồng bào Rục phát triển kinh tế-xã hội trong nay mai.