Hương vị Đà Lạt giữa lòng Đồng Xoài
Nhắc đến Đà Lạt, ngoài khí hậu mát mẻ với ngàn hoa khoe sắc quanh năm, có lẽ nhiều người sẽ nhớ ngay đến một số món ăn làm nên hương vị đặc trưng của thành phố sương mù này, nhất là các món ăn đường phố ở chợ đêm Đà Lạt. Và tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, mỗi khi chiều về, ông Trần Hoàng Nguyên lại tỉ mẩn, cặm cụi với từng chiếc bánh tráng trứng nướng mang hương vị Đà Lạt...
Một chiếc bánh tráng trứng nướng giòn tan, một ly sữa đậu nành ấm nóng… bấy nhiêu thôi cũng khiến những ai từng đến Đà Lạt sẽ lưu luyến mãi. Món này không khó làm, nguyên liệu đơn giản, nhiều tỉnh, thành cũng bán. Tuy nhiên, để giữ vị bánh tráng trứng nướng của Đà Lạt xưa thì không phải ai cũng có thể làm được. Ấy vậy mà hơn 10 năm nay, nơi góc nhỏ trên đường Võ Văn Tần, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài có quầy bánh tráng trứng nướng thu hút không chỉ thực khách trên địa bàn mà còn để lại nhiều ấn tượng với người dân từ nhiều huyện, thị xã khác trong tỉnh.
Ông Trần Hoàng Nguyên cẩn thận làm từng chiếc bánh - Ảnh: Đặng Hùng
Chị Lê Thị Vân ở xã Bù Nho, huyện Phú Riềng mỗi khi có việc đi ngang qua thành phố Đồng Xoài thường ghé thưởng thức bánh tráng nướng của ông Nguyên. Chị Vân chia sẻ: Mỗi lần thưởng thức những chiếc bánh ở đây khiến mình nhớ Đà Lạt lắm! Bao năm rồi hương vị vẫn không thay đổi, nhất là độ nóng, giòn của bánh, rất hấp dẫn.
Ông Nguyên năm nay 65 tuổi, là người gốc Bình Định. Năm 2007, ông vào Đà Lạt bán bánh tráng nướng, sau một thời gian, ông quyết định chọn Đồng Xoài sinh sống. Mỗi ngày ông bán khoảng 100 chiếc bánh. Thấm thoắt đã hơn 10 năm, ông không nhớ đã tiếp xúc với bao nhiêu vị khách, nhưng để giữ chân thực khách, bí quyết của ông là làm gì cũng phải đặt cái tâm lên trên hết.
Những chiếc bánh tráng trứng nướng nóng giòn, hấp dẫn thực khách - Ảnh: Đặng Hùng
Tất cả công đoạn để hoàn thiện chiếc bánh được ông thực hiện trong 3 phút và cũng từ đó ông đặt ra tiêu chí bán hàng của riêng mình. Đó là kỷ luật thời gian và văn hóa xếp hàng, ai tới trước mua trước, không ưu tiên bất kỳ ai, người hiểu có thể chờ, người khó chịu có thể rời đi.
Bà Đặng Thị Ninh ở xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, nhà cách quầy bánh của ông gần 10km nhưng mỗi khi nhớ món bánh này bà lại đến “xếp hàng” chỉ để mua vài chiếc bánh. Bà Ninh chia sẻ: Tôi ăn bánh tráng nướng ở đây nhiều năm rồi. Hương vị đặc biệt của bánh làm tôi “ghiền”, dù nhà ở xa, mỗi lần ghé mua là phải đứng đợi nhưng cảm giác chờ đợi cũng hạnh phúc vì sẽ được thưởng thức vị thơm ngon của món mình thích.
Bánh tráng trứng “Ông Hai Jò” lấy từ tên ba tôi. Khi còn sống, ba tôi hiền lành, chăm chỉ. Tôi rất thương ba nên chỉ muốn truyền nghề cho người có duyên, phải giữ được hồn cốt, hương vị của bánh. Giữ được hương vị bánh là giữ được khách, muốn vậy thì đòi hỏi nhiều khâu, mà quan trọng nhất là cái tâm. Nếu người làm bánh chỉ nghĩ tới lợi nhuận, không quan tâm đến khách thì thương hiệu không thể bền.
Ông TRẦN HOÀNG NGUYÊN
Để tập trung làm bánh và khách hàng nắm được thông tin bán hàng, ông Nguyên đã in tất cả “nguyên tắc” ra những tấm áp-phích và gắn lên quầy bánh. Khi được hỏi về cách bán hàng “độc, lạ” của mình, ông Nguyên giải thích: Khi khách đến mua đông, nếu vội vàng làm cho xong, bánh không đạt chất lượng, khách ăn cảm thấy không ngon họ sẽ không quay lại. Mỗi chiếc bánh tôi đều làm cẩn thận và đúng nguyên tắc. Nếu bánh không ngon, trong lòng tôi cảm thấy khó chịu lắm. Tôi quan niệm làm gì cũng phải đặt hết tâm huyết vào.
Những “nguyên tắc” bán hàng của ông Trần Hoàng Nguyên - Ảnh: Đặng Hùng
Để làm nên vị ngon của những chiếc bánh mang tên “Ông Hai Jò” phải kể đến nguyên liệu bánh tráng. Ông thật sự hài lòng với bánh tráng Bình Định quê ông. Mỗi lần lấy hàng, ông nhập khoảng 4.000 cái. Theo ông, đó là “hồn cốt” làm nên vị ngon của bánh mà ông chưa bao giờ thay thế trong thời gian làm nghề.
Giữa vô vàn món ăn đường phố, bánh tráng trứng nướng vẫn luôn chiếm được cảm tình của thực khách không chỉ từ hương vị của món ăn quê mộc mạc mà còn là cái tâm của người làm nghề. Nét văn hóa giản dị nhưng đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta biết sống có trước, sau, tôn trọng nhau từ những điều nhỏ nhất. Chính từ những điều bình dị ấy đã giúp ông Nguyên giữ được vị bánh Đà Lạt xưa, một nét đẹp của văn hóa ẩm thực giữa nhịp sống rộn ràng, hối hả…
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/145037/huong-vi-da-lat-giua-long-dong-xoai