Hương vị Gia Rai

Chúng tôi tới Buôn Treng, xã Ea H'Leo, huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk vào cuối chiều. Hoàng hôn buông hồng đỉnh núi, làm ánh lên vẻ rạo rực trên mỗi gương mặt người. Đón chúng tôi ở sân nhà dài là những người đàn ông Gia Rai trong trang phục truyền thống cùng nhịp chiêng rộn rã.

Bất ngờ thứ nhất là bởi lần đầu tiên các thành viên trong đoàn được đón tiếp trong không khí lễ hội, một lễ hội mà bất cứ thành viên nào trong đoàn chúng tôi đều thấy xúc động chứa chan.

Bất ngờ thứ hai là sau khi giao lưu xong thì ông trưởng buôn tuyên bố ngắn gọn: “Bây giờ xin mời đoàn dự bữa cơm với bà con”. Tức thì cỗ được dọn ra. Tôi ngạc nhiên vì từ lúc tới Buôn Treng tới giờ này nhìn xung quanh chẳng thấy chỗ nào bếp núc.

Tôi nhanh nhảu hỏi ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ea H’Leo: “Bà con làm cỗ khi nào và ở đâu mà mau vậy?”. Ông Khôi chỉ cười: “Lát nữa vào bữa có gì thắc mắc với bà con nhé”.

Cỗ được dọn ra sau khi những người phụ nữ đã trải xong chiếc chiếu. “Bàn tiệc” được chia làm hai khu vực với một be rượu cần to đùng đặt chính giữa. Những người phụ nữ làm cỗ tại nhà mình rồi bảo nhau bưng mâm ra. Đó là những chiếc mẹt to chừng gấp rưỡi chiếc mâm nhôm thông thường. Trong mỗi mâm cỗ ấy là khoảng 10 gói lá bọc gọn gàng và kín mít.

Những món ăn dân dã của người Gia Rai.

Những món ăn dân dã của người Gia Rai.

Nghệ nhân Y Chua, trưởng nhóm chiêng của Buôn Treng là người khá trầm lặng nhưng lúc này đã cầm micro trân trọng kính mời các vị khách và bà con cùng ngồi xuống dự bữa cỗ. Rất chân thành và giản dị bởi chủ nhà không có chuyện sắp xếp chỗ ngồi cho khách. Khách cũng như chủ đều tự giác ngồi sau khi tự chọn cho mình một vị trí thích hợp. Dĩ nhiên cánh đàn ông con trai thích ngồi với nhau. Cánh đàn bà con gái cũng vậy, họ ngồi bên cạnh nhau như lúc họ nắm tay nhau nhún nhảy điệu múa xoang truyền thống.

Tôi cũng làm theo, nghĩa là tôi chọn mâm cỗ có mấy bà, mấy chị đang kéo tay nhau cùng ngồi. Lý do tôi chọn chỗ ngồi như vậy là bởi tại ông Khôi đã nói: “Vào bữa có gì hỏi bà con” rồi mà.

Từng gói lá được mở, thì ra đồ ăn đựng trong đó, mỗi gói lá là một món ăn, màu xanh của lá khiến mâm cỗ thật gần gũi. Tôi ghé tai nghệ nhân H’Uyên hỏi nhỏ về đời sống cũng như tình hình sản xuất của bà con nơi đây. Cô gái Gia Rai xinh đẹp nhoẻn miệng cười cho biết: Người Gia Rai làm rẫy là chính. Hiện bà con còn canh tác ruộng nước. Chăn nuôi ở gia đình thì có nuôi trâu, bò, lợn, gà. Riêng trâu là vật ngang giá trong việc trao đổi vật quý như chiêng, ché, và hiến sinh trong lễ nghi tín ngưỡng chú ạ.

Khá thú vị khi tôi hỏi về văn hóa ẩm thực của người Gia Rai, cô H’Uyên cho biết: Bà con hàng ngày ăn cơm gạo tẻ là chính, còn các món đặc trưng thì có: Cà đắng, lá mì, hoa mướp, rau lang, rau rừng đắng, măng, ớt…Tất cả đều có trong vườn, trên rẫy. Còn thịt thì có thịt gà, thịt heo và cá do bà con tự tăng gia sản xuất.

Bà con Buôn Treng chào đón khách.

Bà con Buôn Treng chào đón khách.

Cuộc vui diễn ra thật đầm ấm. Tôi nhìn sang phía bên cánh đàn ông con trai đang ngồi. Không có sự ồn ào huyên náo như thường thấy ở các bữa tiệc. Đàn ông Gia Rai ăn uống khá từ tốn, những chén rượu chưng cất được rót vào chén và được đưa mời nhau nhưng chỉ mời bằng ánh mắt khích lệ. Thỉnh thoảng lại thấy một cặp đứng dậy bước tới chỗ đặt be rượu cần. Một thanh tre nhỏ đặt ngang be rượu được xem là thước, nó sẽ “thật thà” cho biết ai ngậm đầu hút mà không uống. Bởi nếu không hút thì thanh tre sẽ lệch một bên. Phải hút và hút bằng nhau thì thanh tre mới cân bằng lại.

Sau hớp rượu cần cùng nghệ nhân Y Chua, tôi hỏi: “Làm thế nào biết được thanh tre sẽ cân bằng?”. Nghệ nhân Y Chua trả lời: “Đã cùng nhau đến be rượu cần chung uống là tự giác, là thật thà. Có cùng uống mới vui, mới đoàn kết”. Đúng là người Gia Rai chẳng giấu nhau điều gì. Chẳng giả dối với nhau làm gì. Đã vui là vui.

Người Gia Rai dẫu còn nghèo khó, nhưng lại sống rất nghĩa tình. Bà con đối đãi với khách quý bằng những món ăn đặc trưng. Nhớ anh Nguyễn Huy Dũng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Ea H'Leo trước lúc về đây đã cho hay: “Những thứ lá cây trồng hay tự nhiên đều là thứ lá làm món ăn hàng ngày, đó là hồn cốt trong văn hóa ẩm thực mà bất kể nhà giàu hay người nghèo, trong bữa ăn cộng đồng hay mâm cơm gia đình đều có. Món ăn này, nếu là người chưa quen thì rất khó ăn vì nó vừa cay, vừa đắng lại có vị hăng hắc của lá mì và hoa đu đủ đực”.

Tôi gắp một nhúm món lá sắn rồi đưa lên miệng. Chậm rãi nhai rồi nuốt. Một nỗi nhớ chợt ùa về náo nức. Hồi những năm chúng tôi đóng quân nơi biên giới, bữa cơm có được lá sắn luộc ăn là mừng lắm rồi. Hôm nào gọi là sang thì lá sắn luộc xong để hơi nguội rồi nắm thành nắm vắt kỹ. Sau đó thái nhỏ rồi làm món nộm lá sắn ăn ngon như rau muống nộm vậy. Lâu lâu xin bà con được nhiều lá sắn thì đem muối. Lá sắn muối có vị chua như dưa muối, ăn vào cứ gọi là thích mê. Giờ được ăn lại món lá sắn thuở nào, tôi bỗng thấy xốn xang.

Phụ nữ Gia Rai biểu diễn văn nghệ.

Phụ nữ Gia Rai biểu diễn văn nghệ.

H’Uyên lần này không mời tôi uống rượu, cô chỉ tay vào những món ăn trên chiếc mẹt. Nào là hoa đu đủ đực xào mới ăn thấy hơi đăng đắng, nuốt xong thì thấy vị ngọt dâng lên trong họng. H’Uyên lại giới thiệu tôi ăn một món cạnh đó, tôi gắp thử và ăn, thấy có vị thơm thơm của thính. H’Uyên bảo: “Một thứ gần như là gia vị không thể thiếu của người Gia Rai chúng cháu là thính. Thính được làm từ gạo tẻ, rang vàng, giã nhỏ, để trong ống tre dùng dần. Món chú vừa ăn là món có trộn thính”. Rồi cô nói thêm: “Cháu nghe kể lại rằng ngày xưa khi muối còn khan hiếm, bà con đã tự làm ra một loại muối từ đậu xanh bằng cách đốt vỏ đậu xanh, sau đó lọc lấy nước và dùng thay muối”.

Cuộc vui chẳng biết khi nào mới kết thúc. Rượu đã ngấm làm đỏ hồng những gương mặt thiếu nữ, làm hăng hái cả những câu chuyện của cánh đàn ông. Tôi đã được thưởng thức nhiều món ăn lạ và thú vị. Như món Lap, đây là món thịt lợn đã được luộc sơ qua, băm nhỏ và lòng lợn cũng đã được làm sạch, luộc riêng, thái nhỏ. Sau đó, hai thứ này được trộn lẫn với nhau, cùng với thính, tiết sống, ớt, muối, sả, hành lá, rau mùi, sau cùng là chanh vắt lấy nước trộn đều. H’Uyên nói: “Món Lap phù hợp cho những người uống rượu”.

Đã đến lúc nên ăn chút tinh bột. H’Uyên mời tôi một khúc cơm lam. Cơm lam của người Gia Rai vừa dẻo lại vừa thơm. Tôi biết để làm món cơm lam này bà con đã phải tỉ mỉ chọn những khúc giang nhỏ bằng thân mía. Khúc giang nhỏ tức là giang vừa độ bánh tẻ, không non quá cũng không già quá, cơm lam giang bánh tẻ mới đúng kiểu. Rồi H’Uyên mời tôi món Nhăm pung, cô bảo đó là món canh bột. Món này thường có trong các dịp lễ nên được nấu cầu kỳ hơn. Có lẽ vào những dịp như thế này mọi sản vật từ rừng, từ nhà đều được đưa vào nồi canh bột. Nồi canh bột có khoai môn, mít, đu đủ, bí xanh, đọt mây, hoa chuối cùng với xương bò, xương lợn và gạo tẻ. Gạo được ngâm khoảng 30 phút, để ráo nước, giã thành bột rồi trộn cùng với các gia vị khác như muối, ớt, hành, tỏi... H’Uyên cho hay: “Món Nhăm pung già, trẻ, trai, gái đều ăn được. Người phụ nữ Gia Rai hầu như để hết tâm huyết vào món ăn này trong các dịp lễ quan trọng của gia đình, dòng họ và buôn làng”.

Đêm đã trùm khắp buôn. Ngôi nhà dài ngỡ như rộng dài thêm ra trong tình cảm thấm đẫm. Nghệ nhân Y Chua đến bên tôi, mời tôi lại gần be rượu cần. Sau cái nháy mắt khích lệ của người nghệ nhân đánh chiêng nổi tiếng khắp vùng, tôi hút một hơi dài. Rượu hay cả núi rừng cùng ngấm vào tôi.

NGUYỄN TRỌNG VĂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/huong-vi-gia-rai-5726239.html