Hương vị mèn mén - 'hơi thở' của bản, làng người Mông

Đến với cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Tuyên Quang, du khách không chỉ choáng ngợp trước vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa truyền thống của các dân tộc, mà còn được thưởng thức ẩm thực bản địa đặc trưng. Trong đó, mèn mén là món ăn quen thuộc và là linh hồn văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông trên cao nguyên đá, thứ 'cơm' ngô mang đậm mùi khói bếp lam chiều, thấm đẫm nếp sống 'tự cung, tự cấp' từ xa xưa của đồng bào nơi miền đá xám này.

Mèn mén sau khi đồ được đổ ra nong, nia làm tơi, xốp trước khi lên mâm cỗ. Ảnh: Hoàng Chính

Mèn mén sau khi đồ được đổ ra nong, nia làm tơi, xốp trước khi lên mâm cỗ. Ảnh: Hoàng Chính

Tháng 7, có dịp ghé lại miền cực Bắc của Tổ quốc, ngược quốc lộ 4C trên cung đường cheo leo uốn lượn đi hết đèo Bắc Sum sẽ mở ra cánh cửa của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn. Điều cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến mảnh đất này là khí hậu ôn hòa, mát mẻ, trong lành và thật yên bình, khác xa sự oi ả, tất bật, khói bụi của nơi thành thị. Ở vùng đất này có đa dạng các dân tộc thiểu số cùng sinh sống đoàn kết, tạo nên bức tranh quần cư đa màu sắc văn hóa truyền thống, trong đó, riêng dân tộc Mông chiếm khoảng 60% dân cư. Giữa sự đồ sộ của miền cao nguyên đá là sự rêu phong của những khối đá tai mèo khổng lồ đã tồn tại từ lâu đời, điều này khiến diện tích đất canh tác ở đây trên 90% là núi đá, kém màu mỡ.

Giữa sự khô cằn đó, hình ảnh cô gái dân tộc Mông miệt mài chăm sóc các diện tích ngô trên đá lại nổi bật lên, màu xanh của cây ngô còn biểu thị cho sự kiên cường, mạnh mẽ của đồng bào dân tộc Mông nơi đây vượt khó, vươn mình từ đá để đi lên. Chính vì vậy, món mèn mén được xem là “hơi thở” của các bản làng người dân tộc Mông miền đá xám. Để làm ra món ăn truyền thống này, những người phụ nữ dân tộc Mông sử dụng nguyên liệu là hạt ngô tẻ giống địa phương, các công đoạn để làm ra món mèn mén đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo như: Lựa ngô tẻ vừa độ thu hoạch, không quá non, không quá già, sau đó phơi khô và tách hạt; phần hạt ngô sau khi tách sẽ được sàng sạch bụi bằng nia và cho vào cối đá để xay nhuyễn, tiếng cối đá xay ngô kêu “lét két” khiến hồn ta có cảm giác xao xuyến về một hồi ức xa xưa của cộng đồng dân tộc Mông. Khi ngô được xay nhuyễn sẽ tiến hành sàng bột ngô để loại lớp vỏ còn sót lại; bột ngô mịn được nhào và thêm nước vừa đủ để phần bột ngô đảm bảo tơi, xốp. Tiếp đó là công đoạn cho bột ngô đã tơi, xốp vào chõ gỗ để đồ lần 1 trên bếp lửa hồng khoảng 15 phút.

Chị Vàng Thị Hầu, người dân tộc Mông ở xã Cán Tỷ, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Sau khi mèn mén được đồ xong lần 1, phải nhanh tay đổ phần mèn mén trong chõ ra nia để tiếp tục nhào và thêm nước đảm bảo đủ thấm ẩm cho bột ngô. Sau đó, tiếp tục đồ mèn mén lần 2 khoảng 15 phút là món ăn hoàn thành. Các công đoạn có vẻ dễ làm, song để có mẻ mèn mén ngon thì người làm phải thực sự dành cái tâm vào trong đó”.

“Trước đây, điều kiện kinh tế khó khăn, mèn mén là món ăn phổ biến và được thay thế cho cơm. Sau này, khi đời sống khá hơn, món ăn thuở “cơ hàn” vẫn được người dân tộc Mông chúng tôi giữ gìn, quý trọng như một nét văn hóa và tự nhắc nhở mình về quá khứ cũng như sự nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo của đồng bào trên vùng cao nguyên đá” - chị Hầu vui vẻ cho biết thêm.

Mèn mén mang hơi thở của những bản làng người dân tộc Mông. Điều đó được thể hiện trong các lễ hội như: Tết của người Mông, lễ Gầu Tào, hay đám cưới, đám hỏi, mèn mén luôn hiện diện trên mâm cỗ. Đó không chỉ là món ăn, mà là biểu tượng của sự gắn kết, nếp sống cộng đồng của người dân tộc Mông. Một mâm mèn mén có thể là lời mời thân tình nhất của người vùng cao đối với khách quý khi đến đây. Và thật bất ngờ, khi món mèn mén được đồ bằng chõ gỗ dưới bếp củi lửa liu riu ửng hồng như gò má người thiếu nữ đôi mươi lại khiến món ăn hấp dẫn hơn.

Ngày nay, dù nhiều gia đình đã quen với gạo, mì tôm, song mèn mén vẫn hiện diện như một phần ký ức, một niềm tự hào và cả một cách gìn giữ văn hóa dân tộc trong nhịp sống hiện đại. Khi lĩnh vực du lịch cộng đồng trên miền cao nguyên đá ngày một phát triển, là điểm đến hấp dẫn của du khách, nhiều homestay tại các xã Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đã đưa món mèn mén vào thực đơn phục vụ du khách, biến món ăn truyền thống này trở thành cầu nối văn hóa giữa vùng đất, con người nơi đây với bạn bè trong nước, quốc tế. Với cái tên độc lạ nghe cuốn hút, món ăn mèn mén khiến mỗi du khách khi đến với vùng đất này đều muốn được thử một lần để cảm nhận được hương vị truyền thống.

Anh Tiến Thọ, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ cảm nhận khi thưởng thức món ăn mèn mén: “Món ăn này có màu vàng óng của ngô tẻ rất bắt mắt, bột ngô được xay và đồ mịn, tơi. Khi ăn mèn mén, tôi thấy được vị ngọt, bùi của ngô nguyên chất. Món ăn sẽ ngon hơn khi được ăn kèm với canh rau cải mèo, hoặc với cháo lảo. Món mèn mén cho tôi cảm nhận được phần nào hương vị trong cuộc sống của người dân tộc Mông trên vùng cao nguyên đá này”.

Món mèn mén được ăn theo nhiều cách, đồ chín và ăn theo cách truyền thống với canh rau cải, canh đậu tương, thịt treo gác bếp; hay như món mèn mén xào trứng cùng hành thơm phức với vị ngọt, bùi của ngô quyện với lớp mỡ lợn, trứng và hành tạo nên hương vị ngầy ngậy. Đó là hương vị của ký ức, của núi rừng và của cả một dân tộc sống kiêu hãnh, kiên cường giữa cao nguyên đá Đồng Văn.

Hoàng Chính

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/huong-vi-men-men-quothoi-thoquot-cua-ban-lang-nguoi-mong-post492521.html