Hương vị mùa xuân
Hà Nội có đủ các mùa, nhưng có lẽ mùa xuân là đặc biệt nhất. Mùa xuân được cảm nhận rõ nhất chính là không khí ngày Tết Nguyên đán.
Chẳng còn mấy ngày nữa đến ngày ông Công, ông Táo về trời. Phố xá ngoài kia cũng bắt đầu tưng bừng, hối hả, đất trời, vạn vật nở hoa. Mùa xuân đã đến thật gần...
Nếu như ngày xưa, giờ này, tôi đã xách nước tích đầy thùng phuy, chờ mẹ mang lá dong về gói bánh chưng. Vuốt dọc từng tấm lá dong, bàn tay nhỏ lạnh tê tái vì ngấm nước nhưng lòng rộn ràng, tôi nhâm nhi cái rét ngọt ngấm vào da thịt. Sắp đến Tết rồi! Với tuổi thơ chúng tôi, cứ khi nào gói bánh chưng, lúc đó là Tết. Gói bánh chưng vui lắm, trẻ con, người lớn đi ra đi vào, cười nói rôm rả. Cả nhà la liệt nào là lá dong, mấy chậu gạo hạt căng tròn, trắng ngà, màu đỗ đồ chín vàng ruộm, chậu thịt thái to bản trắng hồng, thơm phưng phức, xếp cạnh nhau xòe như hình bông hoa.
Ông ngoại có cái thú gói bánh chưng. Mặc kệ mọi người giục, ông cứ thủng thẳng chẻ từng sống lá, vừa đặt gạo, thịt, đỗ vào khuôn, vừa nhâm nhi chén rượu. Ông nói, cả năm mới có một cái Tết, phải thưởng thức không phí lắm. Rồi ông nói chuyện Tết xưa, Tết nay. Đám trẻ chúng tôi tròn mắt nghe ông giảng giải vì sao gọi là Giao thừa. Tôi chỉ biết Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất trong năm. Nó trôi nhanh đến nỗi tôi không dám đi ngủ, cố thức vì sợ không có cơ hội chứng kiến. Ông bảo “Giao thừa” là một từ Hán Việt, “giao” có nghĩa là đan xen nhau, còn “thừa” có nghĩa là gánh vác hay kế tiếp. Giao thừa có nghĩa chung là “nhận lấy sự chuyển giao”. Theo quan niệm của tín ngưỡng dân gian, thời khắc cuối cùng của năm cũ là lúc hai vị thần cai quản thiên hạ, gọi là ông Hành Khiển, bàn giao và tiếp nhận mọi việc trông coi nơi hạ giới. Cứ như vậy, đám trẻ đón nhận những câu chuyện truyền thống trong niềm thích thú.
Những ngày giáp Tết thường rét nên thích nhất là ngồi canh nồi bánh chưng. Từng chiếc bánh lá xanh ngắt ôm lấy nhau, nằm ngăn nắp trong thùng. Nồi bánh bốc hơi nghi ngút, lửa kêu lách tách khiến má đám trẻ con nẻ ửng hồng, rơi vào giấc nồng lúc nào không hay. Sáng mở mắt ra đã thấy những chiếc bánh vừa được vớt nồng lên mùi của lá dong chín. Bánh nguội dần, hương nếp cứ thơm dần, thơm dần lên. Hai tấm cửa gỗ được tháo xuống, xếp bánh lên đó, ép thật chặt, mùi của mỡ, của đậu xanh, của nếp mới ngào ngạt khắp nhà.
Bóc chiếc bánh chưng đầu tiên mới thơm ngon làm sao! Đưa sợi lạt xẻ chéo, cắt chiếc bánh làm tám, mùi nhân bánh tỏa ra quyến rũ. Đám trẻ thường tranh nhau dây lạt đầu tiên còn giắt chút thịt, đỗ, vị của Tết.
Cuối năm nào cũng vậy, bố tôi thường kiếm ít vôi đã tôi, cất ở góc nhà. Mùi vôi nồng nồng nhưng chứa đựng cả tuổi thơ với bao niềm háo hức. Có 12 con giáp nhưng chưa lần nào bố vẽ bị trùng lặp. Trước Giao thừa 30 phút, bố mang vôi ra sân vẽ, anh em tôi hồi hộp chờ xem năm nay bố vẽ con hổ thế nào. Có thể vì yêu Tết, yêu bố nên bố vẽ gì chúng tôi cũng thấy đẹp và trầm trồ dõi theo từng nét chổi đưa vôi. Tết đến thật rồi!
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/huong-vi-mua-xuan-684428