Hương vị Tết Việt

Trải qua mấy đợt không khí lạnh cắt da cắt thịt, là nắng ấm tràn về, đó là tiếng gọi của mùa xuân vừa đến. Xuân đến là Tết đến rồi! Cái không khí ấy, cùng niềm mong đợi không nói thành lời ấy… cứ thế tạo thành một nỗi hân hoan mang tên Tết Việt.

Có người nói, Tết cổ truyền đã bị mai một rồi, hương vị còn ít lắm, nhạt lắm, nhưng đâu phải thế. Tết Việt vẫn chan chứa bao cảm xúc thiêng liêng ngấm trong máu thịt của mỗi người con đất Việt từ ngàn đời nay, làm sao một chốc một lát có thể mai một được. Nếu còn một chút hoài nghi, hãy nhìn ra phố phường những ngày giáp Tết, hãy nhìn vào những đôi mắt hân hoan giữa dòng đời ngược xuôi khi cái Tết cận kề! hương vị Tết, không khí Tết vẫn còn nguyên vẹn đó!

Không khí Tết ngập tràn sắc xuân đón năm mới đến (Ảnh minh họa)

Không khí Tết ngập tràn sắc xuân đón năm mới đến (Ảnh minh họa)

Trước hết, là không khí Tết. Nếu như mùa hạ mang cái rực rỡ nóng bỏng của nó trải khắp đất trời, mùa thu mang cái bâng khuâng trong từng chiếc lá vàng rơi và cơn gió thu se sắt, mùa đông là cái lạnh tái tê khiến người ta xích lại gần nhau hơn, thì mùa xuân lại nồng nàn, ấm áp, rực rỡ trăm hoa đua sắc.

Nào là quất, đào, mai nồng nàn trên phố, nào là cúc, cẩm chướng, lay ơn, thược dược… muôn loài hoa đã về đây trong thời khắc đón xuân để cùng nhau hội tụ. Xuân đến, muôn hoa ngút ngàn khoe sắc, nặng trĩu trái thơm, chỉ nhìn ngắm thôi đã đủ thấy rung động lòng người. Khi những cành đào ở Hà Nội bắt đầu chớm nở, báo hiệu một ngày xuân ấm áp đã đến, thì ở Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn… xứ sở của mai vàng, những cánh mai dịu dàng nở hoa hòa trong sắc nắng khắp đất trời. Đấy là xuân về trên vạn vật, mà dù có trải qua ngàn vạn năm, sắc xuân ấy cũng chẳng thể nào mai một được.

Thế rồi, cùng với sắc xuân là tâm hồn con người cũng ngập tràn dư vị Tết. Khi không gian ngập tràn sắc xuân cũng là lúc cảm xúc con người trở nên thổn thức, dễ rung động và đón nhận mọi đổi thay tích cực. Chẳng thế mà có rất nhiều câu chuyện tình yêu được bắt đầu vào mùa xuân, được ví nồng nàn như xuân. Xuân về, Tết đến, khắp nơi trên phố phường dòng người hối hả, cô bé cầm cành đào đi trong phố hoa, người mẹ dắt con đi mua sắm áo quần, người già tất bật chuẩn bị gói bánh chưng, đàn ông lo nốt những công việc cuối năm còn đưa vợ con đi biếu Tết họ hàng.

Trẻ em thì nô nức, người già thì mong thời gian trôi chậm lại, còn người trẻ thì lãng quên lo toan cho cuộc sống mưu sinh của mình để lắng đọng lại trong cái không khí rộn ràng của Tết. Cái nhịp sống tất bật hằng ngày dường như trôi chậm lại, những con đường mưu sinh gập ghềnh với bao vật lộn, lo toan, buồn, vui… đều gác lại phía sau để đến với những hy vọng mới. Trong dòng chảy ngàn năm bất biến ấy, cái Tết vẫn còn vẹn nguyên trong lòng mỗi người.

Mâm cỗ Tết Việt (Ảnh minh họa)

Mâm cỗ Tết Việt (Ảnh minh họa)

Nhắc đến Tết Việt, chẳng thể nào quên được hai chữ “đoàn viên”. Khi cây cối đâm chồi, nảy lộc, những cành mai bắt đầu vàng tươi, những bông hoa đào đỏ thắm cũng là lúc Tết đến, xuân về. Thời điểm này, ai nấy đều cố gắng hoàn thành nốt những công việc còn dang dở để cùng về đoàn tụ, đón Tết sum vầy bên gia đình, người thân và bạn bè. Đối với mỗi người Việt Nam, Tết là dịp quan trọng nhất nên dù ở bất cứ nơi đâu, ai cũng muốn tìm về với những người thân yêu của mình, đó là những khoảnh khắc bình yên và hạnh phúc nhất. Dù giàu sang, đủ đầy hay thiếu thốn, khó khăn thì ai ai cũng cố gắng trở về nhà đón Tết cùng người thân để cảm nhận sự yêu thương, đầm ấm.

Đấy! cái không khí Tết không chỉ ở đất trời, ở tâm hồn con người mà còn ở cái truyền thống tốt đẹp dân tộc. Chẳng cần nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn những bến xe, ga tầu, nơi tấp nập những chuyến ngược xuôi, chở theo bao người con xa quê trở về nơi quê cha đất tổ để sum họp. Trong mỗi cái tất bật, quà cáp lủng lẳng, đèo bòng ấy là một niềm hân hoan ngóng đợi. Người đi xa đợi chuyến xe đưa về quê hương, người ở nhà đợi người đi xa về cùng sum họp. Cái ngóng đợi ấy chẳng thể nói bằng lời, chỉ có những chuyến xe thầm lặng đón đưa….

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để rồi vào ngày cuối cùng của năm cũ, lại được ngồi bên nồi bánh chưng thơm ngọt ngào hương gạo nếp, được cảm nhận hương thơm nồng nàn từ các loài hoa đang đua nhau khoe sắc, được cảm nhận tâm tình qua những phong bao lì xì chứa chan tình cảm hay những câu đối đỏ. Mọi người cùng thức, đếm từng phút giây đợi khoảnh khắc giao thừa để cùng quây quần bên nhau bên vị ngọt ngào của Tết, cùng tận hưởng những cảm giác ấm áp và cùng nguyện cầu một năm mới an lành. Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân.

Tục thăm mộ tổ tiên như một nét văn hóa nhắc nhở con cháu phải nghĩ đến ông bà gia tiên mỗi độ xuân về. Đó cũng là thể hiện của tình cảm hướng về với nguồn cội bởi “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”, “Con người có tổ có tông - Như cây có cội, như sông có nguồn”… Cái hương vị Tết Việt còn thể hiện ở những lễ hội truyền thống diễn ra ở khắp muôn nơi.

Đấu vật, đu tiên, đua thuyền, đấu cờ, hát xướng, ngâm vịnh… từ thành thị đến nông thôn, bản làng, từ trong Tết cho đến ra Giêng cho thấy cái không khí đậm đà của Tết. Bên cạnh đó là những cuộc hành hương của người con đất Việt đến những nơi linh thiêng để thắp nén hương tri ân, nguyện cầu cho năm mới bình an…

Và rồi vào thời khắc giao thừa hay sớm mùng Một Tết, người ta háo hức hái một cành lộc non mang về nhà, với mong muốn được may mắn suốt năm, “Tống cố, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới…

Ảnh hưởng của quá trình hội nhập, toàn cầu hóa cuốn người ta theo guồng quay của văn hóa phương Tây. Nhiều người lo nơi thành thị không còn giữ được nguyên vẹn những phong tục cổ truyền khi mà mọi thứ đều có thể được mua sẵn, chỉ mất một chút thời gian là xong. Thế rồi công việc bận rộn, đời sống ngày một hối hả, dường như Tết Việt lại đang dần mất đi hương vị đậm đà, ấm áp của ngày xưa và trở nên nhạt nhòa bản sắc. Có thể ai đó vẫn còn đau đáu lo sự “mai một” của cái Tết truyền thống, nhưng có lẽ, chỉ là cách mà người ta cảm nhận, cách mà người ta thể hiện có khác đi đôi chút, nhưng cái phong vị cổ truyền thì chẳng mất đi đâu, vẫn còn nguyên vẹn đó trong đất trời, trong lòng người và những thành kính dâng lên tổ tiên trong trầm mặc khói hương, quện hòa hiện tại.

Dù trong tâm thức, mỗi người dân Việt Nam hiện đại đều hiểu được rằng sẽ thật khó khăn để có thể giữ lại được đúng cái phong vị ngày Tết xưa, nhưng ta vẫn luôn trân trọng những cảm xúc đẹp đẽ với hương vị Tết quen thuộc, bình dị mà thiêng liêng của Tết cổ truyền Việt Nam. Trong sâu thẳm mỗi người vẫn luôn mong ngóng được chìm trong không khí truyền thống ấy mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Xem thêm: Top 6 món ngon ngày Tết (Nguồn: Feedy)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/huong-vi-tet-viet-d165994.html