Hương xuân
Antaeus trong thần thoại Hy Lạp có sức mạnh đến từ mặt đất, trở nên yếu ớt một khi rời khỏi mặt đất. Thiên nhiên-cha Trời mẹ Đất ban cho mỗi chúng ta năng lượng tương giao thiên-địa-nhân. Còn gì hạnh phúc bằng quay về với tự nhiên, phục hồi năng lượng và thư thái hoàn toàn trong vòng tay bao dung của mẹ Thiên nhiên. 'Sinh mệnh của chúng ta chính là một phần của sinh mệnh mặt đất, giống như tất cả các loài động thực vật, chúng ta cũng phải hấp thu dinh dưỡng của mặt đất'(Russell).
Đất đỏ bazan, cao nguyên xanh mênh mông vô tận giúp chân mộc vững, tóc xõa mây, mắt chân trời, lòng rộng lớn, tư duy khai phóng… Thời kỹ trị, công nghệ hóa, Tết ồn ào, vượt gió, qua cổng trời, cười dã quỳ vàng, xuân tự nhiên, người tốt thiểu số lặng cười ấm thơm. Tâm hồn thanh lặng, không lụy sa vào hương thơm nước hoa, rượu mạnh… kiểu Tây, vẫn còn một trời hương sắc tự nhiên trống đầy. Trống để bạn bước vào, đầy để bạn tiếp cận.
Liệu pháp tinh dầu do một bác sĩ người Pháp đưa ra năm 1937. Tây Nguyên có vô vàn tinh dầu động thực vật lặng lẽ quý hiếm. Trong cuộc sống đô thị ồn ào, giả dối tinh khéo, ô nhiễm sinh thái và cả tâm hồn…, thật sướng vui xuân Tây Nguyên-thiên nhiên nhẹ nhàng liệu pháp hương thơm-một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày.
Mùi là hơi tỏa ra từ vật, có thể nhận biết được bằng mũi, cũng là vị của thức ăn. Và khi nói về sự cảm nhận của con người, cũng là màu sắc nhuộm mùi. Hương là mùi thơm của hoa, là phẩm vật làm từ nguyên liệu có tinh dầu. Tây Nguyên có bao loại hương liệu quý như trầm, vị thơm của trà, sắc trắng thơm hoa cà phê kết lắng… nhiều nét đặc trưng của sự vật-tự nhiên mang lại cho ta cảm giác dễ chịu, bởi vậy, hương vị ngày Tết xanh biếc gió xuân. Chiều hoang sơ nắng dằng dai. Rừng xanh ngọt sáng ong đàn. Hương gió trầm lên non. Mùi hương cảm nhận qua khứu giác bén nhạy gắn liền với vùng não của lý trí, trí nhớ, lưu giữ và đánh thức ký ức, tình cảm, cảm xúc, niềm tin… Mùi hương thảo vương mây đỉnh núi liệu có làm con người giảm áp lực, bớt xô đẩy, cãi vã… mà môi ngọt hơi thở thơm nụ cười xuân.
“Đói hay no cũng lo ba ngày Tết”. Chàng ràng một mớ dây leo, hương sắc giản phác vương neo ân tình. Ngày xuân mê đầy của ngon vật lạ, dễ sinh khổ, bệnh tiêu hóa, đi lại, thăm thú nhiều, các cơ dễ co giật đau nhức… liệu nhựa thông có công hiệu gì trong thư giãn bắp thịt và tâm thái? Trong cuộc sống văn minh hiện đại đầy những chứng viêm nhiễm, vi khuẩn, vi rút, liệu hương sắc hoa hồng có công hiệu hoạt huyết, vận khí, ngưng thần… giúp mỗi chúng ta loại bỏ tạp niệm trong tâm? Đồi thơm mùi cỏ non, điệu đà nhánh đỗ quyên, mimosa nở rộ, hoa pơ lang thắm đỏ, ngàn đóa hồng bung cánh, môi phong lan mềm cười, gót chân xuân nhẹ bước, rèm thác lay nắng gió, nghe sương hương ướt tóc, bazan khát phiêu diêu, huyền thoại vọng cồng chiêng, sơn nữ tắm trăng xuân, giai điệu thơm đất đỏ… Để rồi, “còn một chút gì để nhớ để quên”(Vũ Hữu Định).
Đêm rừng, phong lan dậy hương phiêu xa, thao thức thơm buồn khép mở mi đêm. Mây trắng, nắng vàng, trời xanh mắt lá, giăng giăng nhớ thương. Xuân trên cao tự nhiên, phá vỡ khuôn khổ gò bó con người… trong nhịp điệu Tây Nguyên. Chợt liên tưởng đến một tác phẩm của họa sĩ Lê Hùng (Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai). Sự hồn nhiên thăm thẳm, táo bạo bất ngờ, bé gái Tây Nguyên không mảnh vải trên người, đôi mắt to tròn hiện lên ngời sáng… Sự dung hòa những đối cực tự nhiên-con người, tình yêu-tâm linh, trí tuệ-cảm xúc, long lanh mộng ảo-đằm thắm trần thế… về lại nét nguyên sơ, sáng tạo và làm giàu căn tính bản sắc qua tay hoa biết nói. Và giai điệu từ cảm hứng rạo rực-mộng mơ trong men say hương đam mê-tỉnh thức trong đóa dã quỳ vàng rạng sáng Biển Hồ. “Em đẹp thế Pleiku ơi/Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi/Không dám nhìn vào đôi mắt ấy/Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy (Nguyễn Cường). Tự tại như núi, nhạy cảm như suối…, ấy là cao nguyên xanh tự nhiên. Hai mùa mưa nắng, gió lốc từng cơn. Đất đai, sông suối, cây rừng là của ông bà để lại. Ấy là truyền thống cộng đồng-cộng cư, cộng lợi, cộng mệnh, cộng cảm… tạo nên một thế giới rất thực mà huyền ảo. Xuân về với Tây Nguyên hiện hữu, từng cá thể còn tùy tính, tùy ngộ, tùy duyên…
Văn hóa rừng sơn nguyên ôm nương rẫy buôn làng, dung dưỡng và tận hưởng. Chim kêu nhớ rừng xưa. Cây xanh nâu sắc mật. Suối mềm những bước chân. Gùi hương rừng buôn làng. Chiều cuối năm duyên xuân. Áo ai trùm hoa nắng. Gió thơm dấu chân người. Hương xuân say lòng ta. Tựa hồ “từ cây hoa nào/mà ta chưa biết/một làn hương trao...”(Basho).
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12468/202001/huong-xuan-5666239/