'Hút' khách bằng văn hóa bản địa

Biết bao người con ưu tú của các buôn làng Jrai vẫn ngày đêm miệt mài với khát vọng gìn giữ, thắp sáng ngọn lửa văn hóa dân tộc mình. Tuy còn trẻ nhưng họ luôn mang trong mình khát khao cháy bỏng về việc quảng bá những khúc dân ca, điệu xoang, tiếng cồng chiêng… đến với hàng vạn trái tim của du khách trong và ngoài nước.

Những chàng trai, cô gái Jrai ấy vốn chỉ quen với công việc nương rẫy. Ấy vậy mà nay họ cùng nhau quy tụ lại thành những đội cồng chiêng của làng để tham gia biểu diễn tại các lễ hội của địa phương hay ở một số nhà hàng lớn… nhằm quảng bá, đưa văn hóa dân tộc mình vươn xa ra khỏi phạm vi làng, góp phần cùng địa phương phát triển du lịch.

1. Anh Rahlan Ven (làng Blang, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) là đội trưởng đội cồng chiêng gồm 30 thành viên trong làng. 3 năm trước, anh nảy ra ý tưởng kêu gọi những bạn trẻ trong làng biết đánh chiêng, múa xoang tập hợp lại để luyện tập và nhận biểu diễn tại một số sự kiện văn hóa của địa phương. Đồng thời, anh cũng liên hệ với một số nhà hàng thường xuyên có khách du lịch để đến biểu diễn phục vụ. “Lần đầu tiên nhận lời mời biểu diễn, chúng tôi vừa mừng vừa lo, sợ khách không ưng bụng. Vậy nhưng kết quả ngược lại, chúng tôi được chào đón rất nhiệt thành. Đa phần du khách rất thích thú với những màn biểu diễn của chúng tôi. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục hành trình quảng bá văn hóa dân tộc mình”-anh Ven tâm sự.

Truyền dạy cồng chiêng. Ảnh: PHAN NGUYÊN

Truyền dạy cồng chiêng. Ảnh: PHAN NGUYÊN

Những ngày đầu, đội cồng chiêng làng Blang chỉ biểu diễn ở một số nhà hàng cơm lam, gà nướng trên địa bàn xã. Với sự đón nhận nhiệt tình của du khách gần xa, đội cồng chiêng của làng được các nhà hàng chủ động đặt lời mời biểu diễn. Anh Phạm Văn Hoàng-quản lý quán Nghệ nhân Ksor H'Nao (TP. Pleiku) cho biết: “Chúng tôi đón rất nhiều lượt khách trong và ngoài tỉnh tới thưởng thức ẩm thực và giao lưu văn hóa-văn nghệ. Nếu các món ăn như gà nướng, cơm lam, thịt bò một nắng, lá mì xào, rượu cần… hấp dẫn du khách bởi vị thơm ngon đặc trưng thì hoạt động cồng chiêng, múa xoang, đốt lửa trại và giao lưu văn hóa-văn nghệ cũng được nhiều du khách đón nhận một cách thích thú. Chúng tôi thường mời các đội cồng chiêng của làng về trình diễn vào những ngày cuối tuần, lễ, Tết hoặc những dịp khách du lịch ngoài tỉnh ghé thăm với số lượng đông. Duy trì được hoạt động này, quán của chúng tôi cũng tạo được điểm nhấn và thu hút đông khách hơn”.

Còn anh Ksor Plit-chủ quán Gà nướng Plit (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) thì cho hay: “Nhằm thu hút du khách, thời gian gần đây, chủ các cơ sở kinh doanh ẩm thực Jrai cũng đã quan tâm đến việc xây dựng không gian, trang trí và đầu tư các dịch vụ đi kèm như: phục vụ văn nghệ, lửa trại, cồng chiêng, múa xoang… Để làm được điều này phải nhờ đến những đội cồng chiêng của các bạn trẻ từ làng”.

Chị Nguyễn Thị Khánh Hòa-du khách đến từ TP. Nha Trang hào hứng bày tỏ: “Tài nghệ đánh cồng chiêng, múa xoang của các bạn trẻ Jrai ở đây hết sức đặc sắc và độc đáo. Sẽ rất tiếc nếu đến với Gia Lai mà không thưởng thức và chiêm ngưỡng nét văn hóa này”.

Buổi biểu diễn của đội cồng chiêng Plei Tiêng (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) tại quán Gà nướng Plit. Ảnh: Q.T

Buổi biểu diễn của đội cồng chiêng Plei Tiêng (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) tại quán Gà nướng Plit. Ảnh: Q.T

2. Tại Plei Tiêng (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) cũng có một đội cồng chiêng thanh niên được thành lập cách đây 5 năm. Theo anh Ên-một thành viên trong đội thì không gian văn hóa cồng chiêng là di sản vô giá, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số Jrai và cũng là nơi gắn kết cộng đồng mạnh mẽ nhất. Chính vì thế, anh cùng nhiều bạn trẻ trong làng kết nối và đi biểu diễn thường xuyên tại một số điểm du lịch, hàng quán. Anh Ên chia sẻ: “Đội có 8 người đánh cồng chiêng và 4 người múa xoang. Du khách rất thích thú với những bài chiêng, điệu xoang mà đội thể hiện. Ngoài ra, chúng tôi còn trò chuyện, giao lưu, giới thiệu về những nét văn hóa của dân tộc mình và về những lễ hội đặc trưng nếu du khách có nhu cầu tìm hiểu”.

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa-du khách đến từ TP. Hà Nội-nhận xét: “Nghe ý nghĩa của bài chiêng Mừng lúa mới: “Mừng mùa lúa mới/Trên cao nguyên vang rộn tiếng ca/Lúa về mùi ngát hương/Mừng một mùa lúa đầy”… và được ngắm nhìn hình ảnh khỏe khoắn của các cô gái Jrai biểu diễn, người xem cảm nhận rất rõ không khí rộn ràng của ngày mùa và niềm vui của dân làng khi đón nhận những thành quả trong lao động sản xuất”. Chị Thoa cho biết, đến với Gia Lai, chị rất ấn tượng với tiếng cồng chiêng và điệu xoang của các chàng trai, cô gái nơi đây. Chính nét văn hóa đặc sắc này đã tạo thêm sức hút mãnh liệt cho vùng đất giàu tiềm năng về văn hóa và du lịch như Gia Lai.

Dòng chảy văn hóa của người Jrai bản địa đến nay đã có nhiều biến đổi. Bởi vậy, cồng chiêng, các loại nhạc cụ, nghề thủ công truyền thống… cũng cần có sự thay đổi về hình thức quảng bá phù hợp. Điều đó đã được những người trẻ từ buôn làng sáng tạo và thực hiện một cách có hiệu quả. Họ đã, đang và sẽ là những nhân tố góp phần quảng bá văn hóa bằng nhiều con đường, dưới nhiều hình thức.

TRẦN DUNG-QUANG TẤN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12399/202001/hut-khach-bang-van-hoa-ban-dia-5666298/