Hút khách du lịch từ nét đẹp lễ hội truyền thống dân tộc
Một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Dao ở bản Thanh Phán, xã Ðồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) còn được gìn giữ và duy trì đến ngày nay là lễ hội kiêng gió được ấn định vào ngày mồng 4/4 âm lịch hằng năm.

Phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, văn hóa đặc sắc của huyện miền núi Bình Liêu ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Năm nay, lễ hội kiêng gió được huyện Bình Liêu tổ chức từ ngày 30/4 đến 4/5 tại xã Đồng Văn đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Đây là một trong những hoạt động văn hóa tinh thần độc đáo của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra Lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa “Tục Kiêng gió của người Dao tại xã Đồng Văn” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hát then tại lễ hội kiêng gió của huyện Bình Liêu năm 2024.
Những ngày này, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu đang tích cực chuẩn bị điều kiện cần thiết để chuẩn bị cho công tác tổ chức Hội Kiêng gió năm 2025, đồng thời khai thác các sản phẩm mới, phát huy hiệu quả các sản phẩm du lịch truyền thống để thu hút du khách trong mùa hè năm 2025.
Đồng chí Tằng Vằn Dào, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Văn phấn khởi chia sẻ: “Tục kiêng gió của người Dao được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là thành quả của cộng đồng nhân dân Dao Thanh Phán trên địa bàn xã Đồng Văn nói riêng, toàn huyện Bình Liêu nói chung trong việc gìn giữ, duy trì và bảo tồn phong tục truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Dao.
Hiện nay, trên địa bàn xã Đồng Văn chúng tôi có hơn 75% dân số là đồng bào Dao Thanh Phán sinh sống, nên tục kiêng gió của người Dao được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Dao, còn là niềm tự hào của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Đồng Văn”.

Người dân đến hội để trao đổi các sản phẩm thổ cẩm do phụ nữ người Dao Thanh Phán thêu.
Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong xã thì vào ngày kiêng gió, không một thành viên nào ở nhà, vì họ quan niệm nếu trong nhà có người thì thần gió sẽ không vào. Họ lặng lẽ rời nhà từ sớm, để khi thần gió vào nhà sẽ mang đi những rủi ro, phiền muộn của năm cũ và đem vào nhà những điều tốt lành, sự ấm no, sung túc.
Người Dao ở đây tin rằng trong ngày 4/4 âm lịch, dù có làm bất cứ điều gì cũng không thuận lợi, dựng nhà thì nhà đổ, làm nương thì cây lúa chẳng trổ bông... Họ tạm gác lại mọi công việc, thả trâu lên rừng, cả bản rủ nhau "mì sèng phẩy hêy dảo" (tiếng Dao nghĩa là "đi chơi chợ mùng 4 tháng tư").

Nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động thể thao, văn nghệ được tổ chức trong ngày hội kiêng gió ở huyện Bình Liêu.
Đây cũng là lần đầu tiên hội kiêng gió do Ủy ban nhân dân huyện Bình Liêu đứng ra tổ chức và có mời đại biểu nước bạn láng giềng Trung Quốc tham gia giao lưu các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… giữa nhân dân 2 địa phương.
Hội kiêng gió là lễ hội truyền thống lâu đời, thể hiện tín ngưỡng văn hóa độc đáo của người Dao được tổ chức thường niên tại huyện Bình Liêu. Anh Dường Cắm Hếnh, ở thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn vui vẻ cho biết: “Là một người con dân tộc Dao, tôi rất háo hức mong đợi đến ngày hội, do đó khi được xã thông báo các thôn sẽ tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tôi cùng nhân dân trong thôn đang tích cực tập luyện văn nghệ, các môn thể thao dân tộc, để đến ngày hội chúng tôi được hòa mình, tham gia đầy đủ các hoạt động của ngày hội”.
Hội kiêng gió năm 2025 sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc như: Lễ khai mạc và công bố Di sản văn hóa quốc gia; liên hoan văn nghệ giữa các thôn, bản; thi đấu các môn thể thao dân tộc: Đẩy gậy, kéo co, tung còn, đánh quay... giao lưu đánh quay giữa xã Đồng Văn, Hoành Mô (Việt Nam) và trấn Động Trung (Trung Quốc); trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công, sản phẩm OCOP, ẩm thực truyền thống; trải nghiệm du lịch cộng đồng; ở homestay, ẩm thực bản địa, trekking xuyên rừng tại Đồng Văn, khám phá du lịch nông nghiệp tại Bình Liêu Farmstay (xã Hoành Mô)…

Thi nấu mâm cỗ giữa các thôn, bản trong xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu trong ngày hội kiêng gió.
Đồng chí Đỗ Ngọc Nam, Bí thư huyện ủy Bình Liêu cho biết: “Sự kiện lần này không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống địa phương, mà còn hướng tới quảng bá hình ảnh Bình Liêu là điểm đến hấp dẫn nơi biên giới, đặc biệt là với du khách Trung Quốc. Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc và 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)”.
Với chủ trương "biến di sản, thành tài sản", những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Bình Liêu đã và đang nỗ lực bảo tồn, đưa các giá trị văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Ông Vi Ngọc Nhất, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Những năm qua huyện Bình Liêu đã tích cực trong việc phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch; gắn du lịch với phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn như: Hội Soóng Cọ, Lễ hội Đình Lục Nà, Hội kiêng gió của người Dao. Đặc biệt di sản then của người Tày đã được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, đã tổ chức các hoạt động biểu diễn và phục vụ du khách".
Trong hơn 3 tháng đầu năm 2025, huyện miền núi Bình Liêu đã đón hơn 37 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Xác định du lịch hè là “thời điểm vàng” để thu hút khách đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn, hướng đến mục tiêu đón 500.000 lượt khách trong năm 2025.
Ngày hội kiêng gió ở xã Đồng Văn là dịp quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào Dao Thanh Phán, từ đó, khuyến khích việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc phục vụ du khách khi đến với Bình Liêu.