Hút nguồn lực tư nhân vào lĩnh vực giáo dục

Hợp tác công tư không chỉ là sự đầu tư tài chính mà còn là sự kết nối giữa Nhà nước và khu vực tư nhân, góp phần tạo ra những giải pháp sáng tạo cho những thách thức hiện có trong ngành giáo dục.

Tại Việt Nam, đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân tham gia vào mô hình đầu tư hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực giáo dục, đơn cử như Tập đoàn FPT, Tập đoàn Giáo dục Đầu tư Việt Nam (VietEdu), Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo TalentNet và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng rất nhiều tổ chức giáo dục quốc tế đang cung cấp các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các trường học tại Việt Nam như British Council hay các trường đại học quốc tế.

Trước thực tiễn, đất nước đang gặp phải nhiều thách thức về phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục, trong khi ngân sách đầu tư từ Chính phủ còn rất hạn chế, nên các chuyên gia và giới đầu tư tài chính đều có chung quan điểm rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ các mô hình hợp tác công - tư để khuyến khích và thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân; qua đó, tăng cường tài chính cho các dự án phát triển trường học, cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục.

Bà Đỗ Thị Hoa, Chuyên gia giáo dục, Nhà đầu tư tài chính quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Bà Đỗ Thị Hoa, Chuyên gia giáo dục, Nhà đầu tư tài chính quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Bà Đỗ Thị Hoa, Chuyên gia đào tạo, Nhà sáng lập chuỗi Hệ thống đào tạo chuyên sâu kỹ năng tự học 3S và cũng là nhà đầu tư tài chính cho nhiều mô hình giáo dục quốc tế tại Việt Nam cho hay, không chỉ tăng cường nguồn lực tài chính, khi có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân; nhất là những công ty có kinh nghiệm quốc tế thì chất lượng đào tạo có thể được nâng cao thông qua việc áp dụng công nghệ hiện đại, phương pháp giảng dạy tiên tiến và xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Lợi ích của mô hình PPP là có thể giúp mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục cho những khu vực khó khăn. Các doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng hoặc cải tạo cơ sở hạ tầng giáo dục tại các vùng sâu vùng xa, từ đó giúp giảm bớt sự chênh lệch trong việc tiếp cận giáo dục chất lượng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân khi tham gia sẽ thường xuyên có những sáng kiến mới, tạo cơ hội cho việc thử nghiệm các phương pháp giảng dạy sáng tạo và công nghệ giáo dục mới, giúp ngành giáo dục dễ dàng hơn trong việc thích ứng với sự phát triển của công nghệ.

Thêm vào đó, các dự án đầu tư PPP trong giáo dục còn có thể tạo ra động lực cho các địa phương trong việc phát triển các dự án giáo dục đào tạo tại cơ sở. Hợp tác giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể góp phần vào sự phát triển bền vững và toàn diện của khu vực và quốc gia.

Gs.Ts Nguyễn Đức Nghĩa, Chuyên gia đào tạo chia sẻ, hợp tác công tư là chìa khóa để giải quyết những hạn chế về tài chính trong ngành giáo dục. Việc này không chỉ tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư mà còn giúp cải thiện đáng kể chất lượng giáo dục cho học sinh. Không những thế, hợp tác công tư không chỉ là sự đầu tư tài chính mà còn là sự kết nối giữa Nhà nước và khu vực tư nhân, góp phần tạo ra những giải pháp sáng tạo cho những thách thức hiện có trong ngành giáo dục.

Nhắc tới những thách thức, ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) - 1 đơn vị chuyên đầu tư cho các mô hình giáo dục chia sẻ, thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải khi tham gia vào các dự án hợp tác công tư trong ngành giáo dục chính là sự thiếu minh bạch trong quy trình đấu thầu và các quy định pháp lý không ổn định. Điều này tạo ra rủi ro cho nhà đầu tư, khiến các doanh nghiệp khó lòng ra quyết định đầu tư lâu dài và có kế hoạch phát triển bền vững. Nếu không có một khung pháp lý rõ ràng và công khai, doanh nghiệp sẽ khó có thể hiện thực hóa các dự án mà mình đã vạch ra.

Hiện thực hóa mô hình đại học đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN tăng cường hợp tác, kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế để huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm công nghệ. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Hiện thực hóa mô hình đại học đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN tăng cường hợp tác, kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế để huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm công nghệ. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Không như thế, còn có nhiều rào cản khác như hệ thống quy định pháp lý về PPP đầu tư cho giáo dục chưa hoàn thiện và đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các dự án. Việc xác định rõ trách nhiệm giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có thể trở nên phức tạp, dẫn đến tranh chấp về lợi ích và nghĩa vụ của các bên liên quan. Việc thiết lập và duy trì tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong các dự án PPP về giáo dục có thể cũng gặp nhiều thách thức là khi đánh giá hiệu quả của các chương trình và dự án.

Thêm vào đó, có không ít doanh nghiệp gặp phải khó khăn trong việc huy động tài chính cần thiết để triển khai các dự án lớn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế không ổn định như hiện nay. Ngoài ra, là tâm lý e ngại từ một số nhà giáo dục và phụ huynh khi lo ngại về việc chuyển giao một phần giáo dục cho các doanh nghiệp tư nhân, dẫn đến sự không đồng thuận trong việc triển khai các mô hình PPP....

Những ý kiến này cho thấy các nhà đầu tư đã nhận thức rõ về những rào cản trong việc triển khai các dự án PPP, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải thiện quy định pháp lý để thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.

Để khắc phục những rào cản và thách thức trong hợp tác công tư (PPP) về ngành giáo dục, Chuyên gia Đỗ Thị Hoa khuyến nghị một số biện pháp đối với cả phía Nhà nước, lẫn các nhà đầu tư tư nhân. Theo đó, cần sớm xây dựng và hoàn thiện các khung khổ pháp lý liên quan đến mô hình PPP trong giáo dục, đảm bảo quy trình đấu thầu minh bạch và công bằng.

Các quy định cũng cần rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia. Nhà nước nên cung cấp đầy đủ thông tin về các dự án PPP, quy trình đấu thầu, cũng như các tiêu chí đánh giá để các nhà đầu tư tư nhân có thể tiếp cận và tham gia dễ dàng hơn.

Ngoài ra, để đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc triển khai các dự án PPP. Điều này sẽ giúp tăng cường tính hiệu quả và giảm thiểu xung đột lợi ích. Nhà nước có thể xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào giáo dục, như giảm thuế, hỗ trợ tài chính hoặc tạo thuận lợi về tiếp cận mặt bằng và cấp giấy phép.

Song song đó, theo bà Đỗ Thị Hoa, các doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để thiết kế các dự án phù hợp với nhu cầu thực tế của người học và xã hội, đồng thời đảm bảo chất lượng giáo dục; chủ động liên hệ với các cơ quan Nhà nước, tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và quy định liên quan đến PPP về giáo dục để từ đó có thể đảm bảo quyền lợi của mình. Các doanh nghiệp cũng nên xây dựng các mối quan hệ đối tác với các tổ chức giáo dục, công ty công nghệ giáo dục, và các nhà đầu tư khác để tăng cường nguồn lực và kiến thức trong lĩnh vực giáo dục.

Các doanh nghiệp cần cam kết và thể hiện trách nhiệm xã hội trong các dự án giáo dục, đảm bảo rằng các chương trình không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Có thể thấy rằng, hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong phát triển ngành giáo dục rất cần đạt được "tiếng nói chung" và sự đồng thuận. Đôi bên phải thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên, thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm để trao đổi về kinh nghiệm, thách thức và giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các chương trình, dự án giáo dục liên quan đến mô hình PPP; đồng thời, cùng nhau xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát và kịp thời điều chỉnh những tiêu chí đánh giá hiệu quả của các dự án PPP để từ đó tìm thúc đẩy tính hiệu quả giúp cho các dự án, chương trình giáo dục đào tạo được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trên phạm vi cả nước.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hut-nguon-luc-tu-nhan-vao-linh-vuc-giao-duc/344872.html