Hụt thu ngân sách: Nguy cơ & những mối lo
Tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 8 và triển khai kế hoạch tháng 9/2023 do Bộ Tài chính vừa tổ chức cho thấy, chỉ có 9/63 địa phương tăng thu ngân sách so với cùng kỳ. 54 địa phương còn lại, trong đó có Thừa Thiên Huế, tiến độ thu ngân sách thấp hơn so với cùng kỳ.
Theo đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 8 tháng đầu năm nay ước đạt hơn 6.705 tỷ đồng, bằng 67,6% dự toán, bằng 51,6% so với chỉ tiêu phấn đấu và giảm 14,2% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt hơn 6.281 tỷ đồng, bằng 67,1% dự toán, bằng 51,1% chỉ tiêu phấn đấu và giảm 14,9%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 411 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, gần kề thời điểm này năm ngoái, thu ngân Nhà nước sách ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng, vượt 32,7% dự toán và tăng 17,6% so với cùng kỳ. Hay chỉ mới 6 tháng đầu năm 2022, số thu đã bằng bằng 82,1% dự toán năm, tương đương hơn 5.636 tỷ đồng.
Có thể thấy, năm nay, số thu nội địa giảm đáng kể, đến thời điểm này giảm gần 15%, kéo theo tổng thu ngân sách giảm. Đây cũng là tình hình chung của nhiều địa phương trong cả nước chứ không riêng Thừa Thiên Huế.
Cũng tại hội nghị trực tuyến vừa nêu, Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 4/9, đạt 1.130,9 nghìn tỷ đồng, bằng 69,78% dự toán. Về số thu nội địa, đến hết tháng 8/2023, có 9/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán. Nổi bật là các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, ước đạt 70,3% dự toán, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Tuy vậy vẫn có nhiều có khoản thu đạt thấp như thu thuế bảo vệ môi trưởng ước đạt 37,2% dự toán, giảm 32,3% so cùng kỳ; các loại phí, lệ phí ước đạt 63,4% dự toán, giảm 12,2% so với cùng kỳ; các khoản thu về nhà, đất ước đạt 45,6% dự toán, giảm 54,2% so với cùng kỳ...
Nguyên nhân dẫn đến các khoản thu nội địa đạt thấp theo Bộ Tài chính là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế trong nước tăng trưởng thấp, một số ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ lực, sản xuất, kinh doanh suy giảm mạnh. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chậm phục hồi, các chính sách về tiền tệ, tín dụng bị thắt chặt… cũng là những nguyên nhân khác khiến nguồn thu nội địa không đạt kế hoạch đề ra.
Trong xu hướng chung đó, Thừa Thiên Huế cũng gặp trở ngại về nguồn thu nội địa. Chỉ riêng thu thuế sử dụng đất những tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng. Các khoản thu phí, lệ phí cũng không khả quan hơn…
Mục tiêu đặt ra của tỉnh được nêu tại cuộc họp thường kỳ do UBND tỉnh tổ chức mới đây là phấn đấu đến hết quý III/2023, thu ngân sách Nhà nước đạt từ 11.050 tỷ đồng/13.000 tỷ đồng và đến hết tháng 11/2023 cơ bản hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu 13.000 tỷ đồng. Song, bây giờ đã là cuối tháng 9, chỉ còn 2 tháng nữa phải thực hiện đạt kế hoạch thu ngân sách 13.000 tỷ đồng, trong khi con số thu được đến nay chỉ mới đạt được hơn một nửa, tức là phải thu được hơn 5.000 tỷ đồng quả là không dễ.
Thế nên, hụt thu là nguy cơ có thể thấy. Vấn đề là hụt bao nhiêu và làm thế nào để bù vào số hụt ấy? Rồi xây dựng kế hoạch chi ngân sách năm sau như thế nào cho hợp lý là bài toán cần đặt ra từ bây giờ.
Song, trước mắt vẫn cần những giải pháp căn cơ để ít nhất nếu có hụt thu cũng không đáng kể. Ngoài các giải pháp của ngành thuế như rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, nguồn thu chưa khai thác hết để tập trung thu. Tăng cường các biện pháp chống thất thu thuế, thu hồi nợ đọng thuế... thì, giải pháp tạo nguồn thu bền vững từ hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn luôn là giải pháp then chốt.
Mà muốn có nguồn thu bền vững này thì phải có doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh tạo ra giá trị kinh tế lớn, đóng góp ngân sách lớn. Các địa phương có số thu tăng 8 tháng đầu năm nay như Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu… đều cho thấy điều đó.
Đáng mừng là tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui thông tin, cuối năm nay và đầu năm sau (2024), khi một số nhà máy, công ty đi vào hoạt động, như: Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô dự kiến cuối tháng 12 này đi vào hoạt động sẽ sản xuất, lắp ráp được khoảng 6.000 chiếc ô tô. Dự kiến năm 2024, doanh nghiệp này đi vào hoạt động ổn định sẽ đóng góp cho ngân sách mỗi năm từ 800 - 1.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2023 - 2024, sẽ còn một số dự án khác triển khai đi vào hoạt động và có sản phẩm cụ thể. Riêng các khu công nghiệp hiện có khoảng 10 doanh nghiệp đăng ký và triển khai dự án. Dự kiến từ đây đến năm 2024 sẽ có 3 doanh nghiệp đi vào hoạt động. Bình quân mỗi năm đóng góp thêm khoảng 10 tỷ đồng cho ngân sách/doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đại Vui, đây đều là những nguồn thu bền vững, giải pháp cho thu ngân sách trong những năm tới.
Song, đó là câu chuyện của năm tiếp theo và các năm tới. Điều chúng ta đang đề cập và lo lắng là nguồn thu ngân sách cho năm này. Khi mà tỉnh đang trong quá trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 thì hụt thu ngân sách cũng là vấn đề đáng lo ngại.