Hút thuốc lá nơi công cộng: Cần có lực lượng chuyên trách xử lý

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Luật PCTHTL) có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ trôi qua, thực tế cho thấy vi phạm hút thuốc lá ở nơi công cộng vẫn phổ biến và có ý kiến cho rằng Luật gần như vẫn 'nằm trên giấy'.

 Người đàn ông thản nhiên hút thuốc trong Bệnh viện Bạch Mai

Người đàn ông thản nhiên hút thuốc trong Bệnh viện Bạch Mai

Vô tư hút thuốc trong bệnh viện

Phía dưới toàn nhà Việt - Nhật, trước Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, nơi đang có hàng trăm lượt người nhà bệnh nhân tập trung, không khó để bắt gặp hình ảnh những người đàn ông hút thuốc lá. Ở nơi lẽ ra cần giữ sự sạch sẽ và trong lành để bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhiều người vẫn thản nhiên hút thuốc lá mà không gặp bất kỳ sự nhắc nhở nào.

Chị Nguyễn Thị Lan, người nhà bệnh nhân đến từ Hà Nam, bức xúc: "Tôi đưa mẹ lên cấp cứu, ngồi ngoài chờ mà phải chịu cảnh khói thuốc xung quanh. Mẹ tôi bị bệnh phổi, tôi sợ khói thuốc lắm nhưng không dám nhắc nhở họ nên thấy ai hút thuốc tôi phải chuyển đi nơi khác để ngồi".

Theo quan sát của PV dưới chân các toàn nhà trong Bệnh viện Bạch Mai có rất nhiều người nhà bệnh nhân đang chờ, tại đây cũng có rất nhiều người đàn ông phì phèo thuốc lá. Điều đáng nói là hành vi rất đáng lên án như vậy nhưng tuyệt nhiên không có ai nhắc nhở.

"Cũng có chút ái ngại khi hút thuốc trong bệnh viện nhưng trong lúc phải ra ngoài để bác sĩ vào thăm khám cho bệnh nhân thèm quá nên tôi tranh thủ rít mấy khói. Tôi nghiện thuốc 20 năm nay nên không thể thiếu thuốc lá. Mấy hôm nay chăm em ở viện, tôi cũng hút ít hơn do ở đây bất tiện", anh Phan Đình Cường (Nghệ An) nói.

Theo quy định, cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng, bệnh viện là nơi cấm hút thuốc hoàn toàn. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 200.000 đến 500.000 đồng. Tuy nhiên, anh Cường tỏ ra bất ngờ khi nói rằng "tôi không biết có quy định cấm như vậy. Chỉ nơi nào có biển cấm là tôi không hút".

Mặc cho rất nhiều người đang ngồi xung quanh và ngay trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, người đàn ông này vẫn vô tư hút thuốc

Mặc cho rất nhiều người đang ngồi xung quanh và ngay trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, người đàn ông này vẫn vô tư hút thuốc

Phố Phương Mai – nơi tập trung nhiều bệnh viện như Việt – Pháp, Bệnh viện Lão Khoa, Bệnh viện Da liễu, trước cổng các bệnh viện này quán cóc mọc lên như nấm, đây cũng là những tụ điểm để người nhà bệnh nhân, tài xế xe ôm chờ khách ngồi uống nước, hút thuốc.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 về địa điểm không được bán thuốc lá: "Không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 mét (m) tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó".

Quy định là vậy nhưng tất cả những người bán thuốc lá ở đây đều bất ngờ khi biết có Luật cấm. "Tôi bán quán nước đã mấy chục năm trước cổng Bệnh viện Lão Khoa nhưng ngoài việc bị nhắc nhở về trật tự, tôi chưa từng nghe ai nói nơi đây không được bán thuốc lá", bà Nguyễn Thị Tám cho biết.

Cần có lực lượng chuyên trách

Luật PCTHTL có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Luật đã thiết lập một khung pháp lý toàn diện, bao quát nhiều khía cạnh của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật quy định rõ các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và ngoài trời, như cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

Đồng thời, các địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng có nơi dành riêng cho người hút thuốc như khu vực cách ly của sân bay, quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn, nhà hàng... Mục tiêu là tạo không gian trong lành, bảo vệ người không hút thuốc khỏi khói thuốc thụ động.

Luật cũng quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc lá, kiểm soát việc bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi…, những quy định này được đánh giá là tiến bộ, phù hợp với công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) mà Việt Nam là thành viên, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Người dân hút thuốc lá trong các bệnh viện không phải là hiếm. Ảnh báo Hà Tĩnh

Người dân hút thuốc lá trong các bệnh viện không phải là hiếm. Ảnh báo Hà Tĩnh

Tuy nhiên, hơn một thập kỷ trôi qua cho thấy, vi phạm hút thuốc lá ở nơi công cộng vẫn phổ biến. Tình trạng này không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn đặt ra câu hỏi lớn về hiệu lực thi hành và tính khả thi của các quy định. Luật chưa phát huy tối đa hiệu quả.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Ánh, hút thuốc lá là một thói quen lâu đời, đã ăn sâu vào một bộ phận lớn dân số, đặc biệt là nam giới. Nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá đối với bản thân và những người xung quanh (hút thuốc thụ động). Họ coi việc hút thuốc là quyền cá nhân, thậm chí là biểu tượng của sự nam tính, giao tiếp.

Trong xã hội Việt Nam, văn hóa "dĩ hòa vi quý," ngại va chạm khiến nhiều người không dám nhắc nhở, góp ý khi thấy người khác hút thuốc ở nơi công cộng, ngay cả khi bản thân họ bị ảnh hưởng bởi khói thuốc. Điều này tạo ra một sự "ngầm chấp nhận" vi phạm.

Ngoài ra, khi thấy nhiều người khác vi phạm mà không bị xử lý, người hút thuốc càng có tâm lý "chuyện nhỏ", "không ai làm gì được", "không sao đâu" dẫn đến sự thờ ơ, coi thường quy định pháp luật.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Trọng Hoàng (Công ty Luật Chính Pháp Đồng Tâm) cho rằng: Mặc dù đã có các chiến dịch tuyên truyền nhưng mức độ lan tỏa và tác động chưa đủ mạnh để thay đổi nhận thức sâu sắc của một bộ phận lớn người dân. Các thông điệp còn dàn trải, hình thức, chưa thực sự chạm đến tâm lý và hành vi của người hút thuốc.

Luật sư Nguyễn Trọng Hoàng

Luật sư Nguyễn Trọng Hoàng

"Mức xử phạt hành chính đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng (200.000 – 500.000 đồng) còn khá thấp, chưa đủ sức răn đe so với thói quen của người vi phạm. Quan trọng hơn, việc thực thi các quy định này còn yếu. Rất ít trường hợp bị xử phạt thực tế", luật sư Hoàng nói.

Ông Hoàng cũng cho rằng, hiện nay không có lực lượng chuyên trách đủ mạnh để kiểm tra, giám sát và xử phạt các hành vi vi phạm. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng (công an, y tế, chính quyền địa phương) trong việc xử lý vi phạm còn lỏng lẻo, chưa đồng bộ, thậm chí không có sự phối hợp. Khi xảy ra vi phạm, việc xác định người có thẩm quyền xử phạt và thu thập bằng chứng tại chỗ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các không gian công cộng rộng lớn.

Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn, khách sạn không dám nhắc nhở khách hàng hút thuốc vì sợ làm mất lòng, ảnh hưởng đến doanh thu. Trong khi những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa chủ động triển khai các quy định về cấm hút thuốc tại đơn vị mình. Biển báo cấm hút thuốc có thể có nhưng chỉ mang tính hình thức, không có ai giám sát hay nhắc nhở.

Theo luật sư Nguyễn Trọng Hoàng, để Luật PCTHTL thật sự đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe sâu rộng, đổi mới hình thức và nội dung, tập trung vào tác hại cụ thể của thuốc lá và khói thuốc thụ động. Xây dựng các chiến dịch truyền thông đa kênh, có tính tương tác cao, đặc biệt là trên nền tảng số, nhắm đến giới trẻ. Tăng cường giáo dục về Luật PCTHTL trong nhà trường và cộng đồng.

Xây dựng các phong trào "Không khói thuốc" tại khu dân cư, công sở, trường học, bệnh viện... để tạo môi trường xã hội không khói thuốc. Rà soát, nâng mức xử phạt hành chính đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng để tăng tính răn đe. Xây dựng quy trình xử phạt rõ ràng, đơn giản, dễ thực hiện.

Phải phân công trách nhiệm cụ thể cho các lực lượng chức năng (công an, thanh tra y tế, quản lý thị trường, chính quyền cơ sở) trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Thành lập các đội công tác liên ngành, tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm điển hình. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc tố giác vi phạm như qua ứng dụng di động, camera, đường dây nóng...

"Để Luật thực sự đi vào cuộc sống, cần một sự thay đổi mạnh mẽ từ ý thức cá nhân đến trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng. Cuộc chiến chống thuốc lá là một cuộc chiến dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì, đồng bộ và quyết liệt từ mọi phía. Chỉ khi đó, chúng ta mới xây dựng được một môi trường sống thực sự trong lành, bảo vệ sức khỏe cho thế hệ hiện tại và tương lai", ông Hoàng chia sẻ.

Vi phạm về địa điểm cấm hút thuốc lá

* Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

* Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Không có chữ hoặc biểu tượng "cấm hút thuốc lá" tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật;

Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.

* Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây tại nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:

Không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;

Không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá;

Không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát;

Không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Minh Châu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hut-thuoc-la-noi-cong-cong-can-co-luc-luong-chuyen-trach-xu-ly-2025052522114497.htm