Hút thuốc lá thụ động: Tăng ít nhất 30% nguy cơ mắc bệnh ung thư

Mỗi năm thế giới có khoảng 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Tại Việt Nam, ngày càng nhiều người nhiễm bệnh về đường hồ hấp do hít phải khói thuốc

Khói thuốc chứa hàng nghìn hóa chất

Các chuyên gia khuyến cáo, không có mức độ nào an toàn khi tiếp xúc với khói thuốc, ngay cả khi tiếp xúc khói thuốc lá trong một thời gian ngắn cũng có thể gây hại cho sức khỏe của con người.

Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó ít nhất là 250 chất gây ung thư

Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó ít nhất là 250 chất gây ung thư

Trong nhiều nghiên cứu chỉ ra, sống cùng một người hút thuốc lá tăng nguy cơ ung thư phổi từ 20-30%. Việc tiếp xúc với khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư khác ít nhất 30%. Có thể bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư thận, ung thư vòm họng, ung thư trực tràng và khối u não. Hút thuốc lá thụ động cũng gây ra các vấn đề sức khỏe khác như hen suyễn và bệnh tim.

Sở dĩ hút thuốc thụ động tác hại lớn như vậy do khi hút thuốc thụ động hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó ít nhất là 250 chất gây ung thư hay chất độc hại có thể gây ra khoảng 25 bệnh khác nhau như ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản...

Tổ chức Y tế Thế giới đã nghiên cứu, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điều thuốc một ngày. Trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc cũng đã hấp thụ số hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày.

Khói thuốc sẽ gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10m. Do đó ngay cả khi ở rất xa người hút thuốc thì người hút thụ động vẫn gặp những nguy cơ về sức khỏe không kém những người đang hút thuốc.

Tăng cường quản lý tại nơi công cộng

Tại Việt Nam, nhiều người hút thuốc lá có thói quen hút thuốc trong nhà, nơi làm việc, nơi đông người như nhà ga, bến xe, nhà chờ xe bus, nhà hàng... đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người không hút thuốc.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, ở trong phòng có người hút thuốc lá 1 giờ đồng hồ thì số hóa chất độc hại được cơ thể tiếp nhận tương đương với việc hút 10 điếu thuốc/ ngày. Thực tế, khói thuốc nhả ra môi trường còn độc hơn cả khói thuốc được người hút hít vào.

Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, hút thuốc lá không chỉ gây hại cho bản thân, mà những người xung quanh là người thân... đều bị ảnh hưởng. Mọi người nên từ bỏ thuốc lá, không hút thuốc lá trong nhà, tại các địa điểm cấm hút thuốc lá như nhà hàng, quán cà phê... để không gây hại tới sức khỏe những người khác.

Để ngăn ngừa nhiễm khói thuốc, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc, trong đó quy định rõ các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn cả trong nhà và trong phạm vi khuôn viên. Tuy nhiên, tình trạng hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến.

Trước tình trạng này, các chuyên gia khuyến cáo, muốn làm được tốt thì trước hết người hút thuốc lá chủ động từ bỏ thói quen hút thuốc hoặc có ý thức hút thuốc ngoài không gian sống của gia đình, đặc biệt tránh xa trẻ em, phụ nữ mang thai, người già. Đối với những gia đình có người hút thuốc, cần thống nhất về những quy định đảm bảo an toàn để bảo vệ sức khỏe cho các thành viên.

Ngoài ra, để tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, đặc biệt công tác thuyết phục, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định cấm thuốc lá nơi công cộng.

Bà Trương Thị Thu Thủy - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phụ nữ phòng, chống HIV/AIDS và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - khuyến nghị, các chương trình truyền thông về tác hại thuốc lá nên tập trung vào phụ nữ, vì vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày càng quan trọng hơn. Phụ nữ không chỉ là người chịu ảnh hưởng mà còn là người tạo ra nhiều ảnh hưởng tới những thành viên trong gia đình, các cá nhân khác trong cộng đồng...

Chia sẻ về quan điểm này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết: Thời gian tới, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tổ chức Sức khỏe toàn cầu Vital Strategies tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch truyền thông phòng chống tác hại của hút thuốc lá thụ động, trong đó nổi bật là hoạt động xây dựng mô hình tổ ấm gia đình không khói thuốc, từ đó góp phần xây dựng một môi trường không khói thuốc trong cộng đồng.

Tại Việt Nam, chưa đến 2% phụ nữ hút thuốc nhưng thuốc lá là nguyên nhân gây ra gần 10% ca tử vong ở phụ nữ trưởng thành; nhiều người không hút thuốc nhưng vẫn mắc các bệnh mãn tính về phổi.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hut-thuoc-la-thu-dong-tang-it-nhat-30-nguy-co-mac-benh-ung-thu-223815.html