Hút vốn đầu tư tư nhân vào hàng không - cơ hội lớn từ Nghị quyết 68
Nghị quyết 68 được kỳ vọng là cú hích giúp tư nhân đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng hàng không.
Sáng 10/7, buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Nghị quyết 68: Cơ hội của các hãng bay tư nhân Việt Nam" do Tạp chí Hàng không tổ chức đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia và doanh nghiệp.
Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, nếu được triển khai đúng tinh thần Nghị quyết 68, hàng không tư nhân sẽ bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ.
Dư địa tăng trưởng hàng không còn rất lớn
TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định: phân cấp, phân quyền đang là xu hướng rõ nét trong điều hành của Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Dẫn ví dụ các địa phương như Ninh Bình đề xuất xây dựng sân bay tư nhân, ông khẳng định "cần được ủng hộ"

Các chuyên gia ủng hộ việc phân cấp, phân quyền cho phép địa phương hoặc doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư sân bay.
Ông phân tích thêm, doanh nghiệp tư nhân khi đầu tư sân bay không xin ngân sách, mà tự bỏ vốn. Do đó, họ chính là bên chịu rủi ro và có động lực cao nhất để tính toán hiệu quả đầu tư. Khi đó, Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo.
TS. Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways cũng chia sẻ: Rất nhiều địa phương có tiềm năng du lịch, bất động sản. Họ sẵn sàng bỏ tiền túi ra xây sân bay nhỏ, miễn là có khuôn khổ pháp lý rõ ràng.
TS. Lương Hoài Nam cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang có dư địa tăng trưởng hàng không rất lớn – ước tính có thể tăng hơn 10% so với hiện tại, Nhà nước nên chủ động mời gọi, tạo cơ chế thuận lợi để tư nhân tự tin đầu tư.
Tuy nhiên, cả hai chuyên gia đều nhấn mạnh: việc phân quyền cho địa phương phải đi kèm điều kiện - quy hoạch phải sát thực tế, có tính khả thi cao, tránh tình trạng sân bay được xây nhưng không ai dùng, gây lãng phí nguồn lực.
"Nghị quyết 68 là bước đột phá về tư duy chính sách tạo ra 1 khung pháp lý, khẳng định tầm nhìn cấp cao nhất về phát triển kinh tế tư nhân đó là việc bảo đảm cho kinh tế tư nhân bình đẳng trong việc tiếp cận kinh doanh. Nghị quyết 68 có ý nghĩa mạnh mẽ với nhiều ngành trong đó có ngành hàng không. Ngành hàng không có đòi hỏi vốn, công nghệ, kỹ thuật cao, tư duy chiến lược", bà Trịnh Thị Hương chia sẻ.
Vấn đề lớn nhất hiện nay, theo các chuyên gia, không phải là thiếu vốn hay thiếu nhà đầu tư, mà nằm ở cơ chế. Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Tài chính) bà Trịnh Thị Hương cho biết: để thúc đẩy phát triển sân bay, cần khẩn trương rà soát lại các rào cản về chính sách, thủ tục đầu tư.
"Chúng ta cần một tầm nhìn dài hạn khi xây dựng chính sách, tạo không gian phát triển cho tư nhân. Quốc hội vừa rồi đã phân cấp mạnh cho địa phương – đó là tín hiệu tích cực. Bây giờ, vấn đề là thực thi thế nào", bà Hương nói.
Một ví dụ điển hình về "nút thắt thể chế" được TS. Lương Hoài Nam nêu: trước năm 2016, một hãng hàng không tư nhân chỉ cần giấy phép kinh doanh vận tải hàng không. Nhưng sau năm 2016, lại thêm một yêu cầu khác: giấy chứng nhận đầu tư. "Điều này làm tăng chi phí thủ tục, tạo rào cản vô lý với nhà đầu tư mới", ông nhận định.
Theo ông, nếu Việt Nam muốn có thêm nhiều hãng hàng không, muốn có những nhà đầu tư tư nhân xây dựng sân bay, thì phải thay đổi tư duy quản lý - từ "kiểm soát" sang "kiến tạo".
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng lớn từ "cú hích" Nghị quyết 68
TS. Nguyễn Sỹ Dũng khẳng định: cốt lõi vẫn là tư duy. Nếu cứ giữ quan điểm "việc gì cũng phải Nhà nước làm, cái gì cũng của cả nước" thì rất khó cất cánh trong thời đại phát triển năng động như hiện nay.
"Cần thay đổi từ tư duy 'quản lý để kiểm soát' sang tư duy "kiến tạo để hỗ trợ". Doanh nghiệp cần một môi trường kinh doanh thuận lợi, rõ ràng, ổn định", ông nói.
Ông cho biết, Nghị quyết 68 chính là cú hích chính sách mà cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng. Nhưng để hiện thực hóa, cần chuyển hóa tư duy lãnh đạo thành hành động cụ thể - cả trong xây dựng chính sách và thực thi tại địa phương.
Trong bối cảnh các hãng hàng không tư nhân Việt Nam đang khát cơ hội mở rộng thị phần, việc gỡ rào cản thể chế và "mở khóa" cho đầu tư hạ tầng là đòn bẩy mạnh mẽ. Câu chuyện không chỉ là xây thêm một vài sân bay, mà là mở ra cả một hành lang phát triển mới cho du lịch, logistics, bất động sản – những ngành gắn chặt với hàng không.
TS. Lương Hoài Nam kỳ vọng, với Nghị quyết 68, các nhà đầu tư sẽ có thêm niềm tin để "chơi lớn".
"Cạnh tranh giữa các hãng bay sẽ tạo ra thị trường hàng không năng động hơn, có lợi cho người dân và cho nền kinh tế. Nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu chính sách thay đổi đúng hướng, và đủ nhanh", ông nói.