Sửa Luật Quản lý thuế, tinh gọn bộ máy, thúc đẩy chuyển đổi số

Luật Quản lý thuế hiện hành được ban hành từ năm 2006, triển khai từ ngày 1/7/2007 đến nay đã gần 20 năm, nên cần sửa đổi toàn diện.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Chiều ngày 10/7, phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết toàn ngành cần tiếp tục tham mưu, xây dựng chính sách để hoàn thiện hơn nữa thể chế về thuế; phối hợp nhân rộng mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo; chú trọng hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước.

Theo đó, cần sửa đổi Luật Quản lý thuế. Luật Quản lý thuế hiện hành được ban hành từ năm 2006, triển khai từ ngày 1/7/2007 đến nay đã gần 20 năm, nên cần sửa đổi toàn diện. Cụ thể phải sắp xếp lại các chức năng thanh tra, kiểm tra, quản lý nợ, kế toán thuế, theo hướng tích hợp, kết hợp đối tượng, chức năng, phương pháp.

Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân, sửa đổi Nghị định về thuế thu nhập cá nhân, đồng thời đề xuất giải pháp quản lý thuế phù hợp, minh bạch, nhất là với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh, gắn với Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Liên quan đến quản lý nợ, Thứ trưởng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, đã thu hồi được hơn 43 nghìn tỷ đồng nợ thuế, trong đó thu hồi bằng biện pháp cưỡng chế chưa đến 10%. Do đó, mục tiêu đặt ra là đến cuối năm, tỷ lệ nợ có khả năng thu phải đưa xuống dưới 8%, tương đương mức của giai đoạn 2021–2024. Về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, Thứ trưởng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để triển khai hiệu quả Đề án 06; đồng thời đẩy mạnh nhân rộng mô hình ứng dụng AI, Chatbot và phát triển các dịch vụ công trên nền tảng số. Đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, cần tập trung triển khai chính sách hỗ trợ cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan. Cục Thuế cần chủ trì quan tâm hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, hướng dẫn kê khai, áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Cùng với đó, cần phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng các giải pháp khuyến khích sự vào cuộc của địa phương, như thông qua việc tăng thu từ hóa đơn điện tử có mã, hóa đơn may mắn... gắn với ngân sách địa phương.

Cục trưởng Cục thuế Mai Xuân Thành cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2025, cùng với quá trình tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và đồng bộ với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, ngành thuế tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ, chống thất thu, phấn đấu tăng thu ngân sách trên 15% theo mục tiêu.

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chức năng quản lý thuế; đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; nâng cao chất lượng kê khai, nộp thuế, hoàn thuế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý rủi ro, đảm bảo hoàn thuế đúng đối tượng, đúng quy định, đúng tiến độ. Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề rủi ro cao, dư địa thu lớn; đẩy mạnh kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra tại cơ quan thuế; ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong kiểm tra để nâng cao hiệu quả, hạn chế tối đa thất thu.

Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành phát biểu. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành phát biểu. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Cục Thuế cũng cho biết sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp quản lý nợ, thu hồi nợ thuế; phân loại nợ, xử lý phù hợp từng nhóm nợ; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong đôn đốc, cưỡng chế thu nợ thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 8% số thực thu.

Đồng thời, tăng cường quản lý thuế đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; đẩy mạnh cập nhật cơ sở dữ liệu, ứng dụng AI trong phân tích, cảnh báo rủi ro; triển khai hiệu quả Cổng thông tin dành cho hộ cá nhân kinh doanh, đảm bảo thu đúng, thu đủ. Đặc biệt, hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan thuế theo mô hình mới, vận hành thông suốt, không gián đoạn nhiệm vụ chính trị; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ngành Thuế; triển khai các ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hóa đơn, hoàn thuế, kê khai, nộp thuế; nâng cao chất lượng vận hành hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn, thông suốt và hiệu quả phục vụ. Ngành thuế sẽ tăng cường rà soát các nguồn thu, sắc thuế còn dư địa; triển khai các chuyên đề chống thất thu theo từng lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm; xây dựng và ứng dụng hệ số rủi ro, chỉ số quản lý nhằm đấu tranh quyết liệt với các hành vi gian lận, trốn thuế, tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất đã được ban hành; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững. Trong 6 tháng đầu năm tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm ước đạt 1.180.967 tỷ đồng, bằng 68,7% so với dự toán pháp lệnh, tăng 34% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, 16/19 khoản thu, 20/20 Chi cục Thuế khu vực, 33/34 tỉnh, thành phố ghi nhận mức tăng trưởng vượt kỳ vọng. Có 16/19 khoản thu sắc thuế và toàn bộ 20 Chi cục Thuế khu vực ghi nhận mức tăng trưởng dương. 33/34 tỉnh, thành phố mới được kiện toàn theo mô hình tổ chức mới đều có kết quả thu ngân sách tăng so với cùng kỳ năm 2024.

Ông Phan Tiến Hòa, Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, trình bày tham luận. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Ông Phan Tiến Hòa, Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, trình bày tham luận. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, giai đoạn 1 (từ 1/3 đến 30/6), toàn ngành tổ chức lại theo mô hình mới gồm 12 phòng chuyên môn, 20 Chi cục khu vực, 350 đội thuế. Giai đoạn 2 (từ 1/7), 34 Cục Thuế cấp tỉnh, thành phố chính thức đi vào vận hành thống nhất toàn quốc, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Bên cạnh đó, để đảm bảo hoàn thuế thu nhập cá nhân được triển khai hiệu quả, Cục Thuế đã yêu cầu các Thuế tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm: Đôn đốc cưỡng chế nợ và công khai thông tin đối với các tổ chức chi trả thu nhập đã khấu trừ nhưng chưa nộp đủ thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách nhà nước, nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân và tránh phát sinh chậm nộp. Phân công trách nhiệm cụ thể đến từng lãnh đạo chi cục, từng đội thuế trong việc chỉ đạo, theo dõi và ký điện tử quyết định hoàn thuế, đảm bảo ban hành lệnh hoàn ngay trong ngày làm việc. Theo dõi, rà soát và hướng dẫn người nộp thuế bổ sung thông tin trong trường hợp không đủ điều kiện hoàn tự động. Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước trong việc xử lý chi hoàn, tiếp nhận và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo thống kê của Cục Thuế, tính từ thời điểm triển khai hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động (ngày 4/4/2025) đến ngày 25/6/2025, có 863.755 tờ khai quyết toán có phát sinh đề nghị hoàn thuế, trong đó có 269.099 hồ sơ đủ điều kiện hoàn thuế tự động, chiếm tỷ lệ 32% số tờ khai đề nghị hoàn, với tổng số tiền là 1.249 tỷ đồng. Đến nay, cơ quan thuế đã tạo 249.902 lệnh hoàn thuế và gửi điện tử cho Kho bạc Nhà nước để chi hoàn thuế cho người nộp thuế với số tiền là 1.140 tỷ đồng.

Thùy Dương/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/sua-luat-quan-ly-thue-tinh-gon-bo-may-thuc-day-chuyen-doi-so/379941.html