Hữu Lũng: Chú trọng chăm sóc đàn gia cầm phục vụ thị trường cuối nămTin khácLinh hoạt hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luậtPhát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững
Những tháng cuối năm, việc tái đàn gia cầm được người dân chú trọng. Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn huyện cơ bản đã tái đàn xong và bước vào giai đoạn chăm sóc nhằm đảo bảo an toàn, chất lượng để phục vụ thị trường dịp tết.
Hữu Lũng là huyện phát triển mạnh phong trào chăn nuôi gia cầm, đem lại thu nhập cao, nhiều hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng đến 700 triệu đồng/năm. Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện, hằng năm, bước vào tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, bà con trên địa bàn huyện tái đàn gia cầm để phục vụ thị trường tết và ngày rằm tháng Giêng. Theo đó, người dân chăm sóc trong khoảng từ 3,5 đến 4 tháng sẽ được xuất bán. Đến thời điểm hiện tại, đa số các hộ dân đã tái đàn xong, chỉ còn số ít hộ tái đàn để phục vụ ngày rằm tháng Giêng.
Do năm nay, trên địa bàn xảy ra dịch cúm gia cầm, đặc biệt là cúm A/H5N8 (chủng cúm gia cầm độc lực cao) phát hiện ngày 12/8/2021 tại 1 hộ ở thôn Đồng Bụt, xã Yên Bình, số lượng gia cầm tiêu hủy 888 con. Sau khi phát hiện, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện đã nhanh chóng khoanh vùng và dập dịch, không lây lan sang các hộ dân khác. Do vậy, ngay sau khi người dân tái đàn, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tích cực tuyên truyền người dân chú trọng chăm sóc đàn gia cầm để đảm bảo chăn nuôi an toàn và hiệu quả.
Đơn cử như Đồng Tân là một trong những xã phát triển mạnh phong trào chăn nuôi gia cầm của huyện, trong đó, hộ chăn nuôi nhiều nhất quy mô 3 nghìn con/lứa, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Bà Vũ Hoàng Thúy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, đa phần người dân đã bán lứa gia cầm cũ, nhập lứa mới về nuôi (tổng đàn đạt trên 40.000 con) và chỉ còn một số ít hộ đang tiếp tục tái đàn. Thời điểm này, thời tiết diễn biến thất thường, chúng tôi đã cử thú y viên xã thường xuyên kiểm tra tình hình chăn nuôi gia cầm, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh, gia cố chuồng trại tránh mưa và rét cho đàn gia cầm. Hiện, đàn gia cầm đang phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra.
Không chỉ riêng Đồng Tân, các xã khác trên địa bàn huyện cũng thực hiện công tác tái đàn và chú trọng chăm sóc đàn gia cầm để đáp ứng nhu cầu thực phẩm dịp tết. Theo thống kê của TTDVNN huyện, hiện toàn huyện có trên 960 nghìn con gia cầm, trong đó, gà trên 860 nghìn con (tăng 20% so với tháng 9), dự báo số lượng có thể sẽ tăng từ nay đến trước Tết Nguyên đán.
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Những tháng cuối năm là thời điểm người chăn nuôi gặp nhiều rủi ro nhất, do thời tiết diễn biến thất thường, nắng, mưa xen kẽ, kèm các đợt không khí lạnh xảy ra nên đàn gia cầm không kịp thích nghi, dẫn đến sức đề kháng kém, tạo cơ hội để dịch bệnh phát triển. Vì vậy, song song với việc tái đàn của người dân, phòng đã và đang phối hợp với TTDVNN huyện tăng cường tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm. Đồng thời, hướng dẫn bà con phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm.
Bên cạnh đó, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp tập huấn, tuyên truyền lồng ghép cho bà con kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, qua đó, giúp người dân nắm vững quy trình, kinh nghiệm chăm sóc đàn vật nuôi. Theo đó, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 10/2021, phòng đã phối hợp tập huấn, tuyên truyền lồng ghép kỹ thuật chăn nuôi được 33 cuộc với 1.487 người tham gia.
Ông Vi Văn Vọng, thôn Trại Mới, xã Vân Nham cho biết: Dịp tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cao hơn ngày thường rất nhiều. Để phục vụ thị trường tết năm nay, gia đình nuôi 350 con gà, 700 con vịt để bán. Để tránh rủi ro, theo hướng dẫn của thú y viên xã, hằng ngày, tôi đều theo dõi tình hình đàn vật nuôi và cung cấp đủ nước, thức ăn đủ chất dinh dưỡng, tiêm phòng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia cầm. Bên cạnh đó, tôi cũng gia cố chuồng trại, che bạt xung quanh chuồng để tránh mưa, gió ảnh hưởng đến đàn gà, vịt. Hiện đàn gia cầm của gia đình phát triển tốt.
Với sự chủ động của các cấp, ngành chức năng trên địa bàn huyện, đặc biệt là sự chủ động, chú trọng trong chăn nuôi của các hộ dân, hiện nay, đàn gia cầm đang phát triển an toàn, không có dịch bệnh xảy ra