Hữu Lũng: Chú trọng xây dựng vùng sản xuất tập trungTin khácThành phố Lạng Sơn: Vững bước trên đường phát triểnDoanh nghiệp Lạng Sơn: Xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp

Những năm qua, UBND huyện Hữu Lũng đã chú trọng xây dựng vùng sản xuất tập trung theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực. Qua đó, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Văn Lai, thôn Tân Nhiên, xã Nhật Tiến cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu làm ruộng, trồng ngô, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Sau khi được sự định hướng của xã và tìm tòi học hỏi mô hình phát triển sản xuất, năm 2015, tôi tập trung phát triển trồng cây ăn quả. Đến nay, tôi có 200 gốc bưởi và 400 gốc na cho thu hoạch, trung bình mỗi năm thu được trên 1 vạn quả bưởi và 4 tấn na, thu nhập đạt gần 200 triệu đồng. Để có được kết quả này, tôi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo hướng VietGAP do cơ quan chuyên môn của huyện, xã tổ chức, nhờ đó, cây phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.

Người dân xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng chăm sóc cây ăn quả

Người dân xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng chăm sóc cây ăn quả

Thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), từ năm 2016 đến nay, xã Nhật Tiến đã hoàn thành quy hoạch sản xuất theo vùng, hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại các thôn: Tân Nhiên, Tân Minh, Đoàn Kết, Tân Duyên. Ông Lô Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm qua, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị sản xuất. Năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã đã hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho 17 hộ tại thôn Tân Nhiên, Tân Minh với diện tích 10,08 ha. Đặc biệt, xã đẩy mạnh tập huấn cho người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, giá trị cây ăn quả tăng, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn. Hiện nay, toàn xã có trên 225 ha cây ăn quả (na, bưởi), mỗi năm, đem lại giá trị gần 2 tỷ đồng.

Không chỉ xã Nhật Tiến, việc tái cơ cấu nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt được các xã tập trung triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, trên địa bàn huyện hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung như: vùng nguyên liệu tre Bát độ khoảng 180 ha (tại các xã: Minh Sơn, Quyết Thắng, Minh Hòa, Hòa Thắng…); vùng na diện tích 1.650 ha (đạt khoảng 150 tỷ năm 2021) tập trung trên địa bàn 9 xã (Yên Thịnh, Cai Kinh, Hòa Lạc, Nhật Tiến…); vùng sản xuất keo, bạch đàn nguyên liệu trên 8.000 ha (Thiện Tân, Minh Tiến, Thanh Sơn, thị trấn Hữu Lũng…)…

Để hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung, những năm qua, huyện đã dựa vào lợi thế điều kiện tự nhiên trên địa bàn để lựa chọn các cây trồng chủ lực, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tuyên truyền người dân đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị. Ngoài ra, phòng chuyên môn của huyện đã cân đối kinh phí tổ chức tập huấn lồng ghép về phát triển các mô hình kinh tế với 40 lớp/năm cho gần 2.000 người tham dự. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, huyện đã phân bổ khoảng 4,1 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình NTM để hỗ trợ cho các xã phát triển sản xuất trên địa bàn.

Cùng với việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, huyện đã quan tâm phát triển gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện phối hợp với Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C Bắc Giang thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm măng Bát độ và Công ty Cổ phần Giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam triển khai mô hình và bao tiêu sản phẩm lúa J02 trên địa bàn 12 xã. Cùng đó, huyện chú trọng phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, đến nay, toàn huyện có 28 hợp tác xã. Nhờ đó, góp phần trong việc kết nối, tiêu thụ sản phầm, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Việc hình thành, phát triển vùng sản xuất tập trung có ý nghĩa rất quan trọng, tăng hiệu quả áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Vì vậy, thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND huyện các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng diện tích các vùng sản xuất. Đồng thời khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp liên kết, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.

Việc xây dựng và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất nông nghiệp (giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng trên 160 tỷ đồng so với năm 2019), nâng cao thu nhập cho người dân trên dịa bàn. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 45 triệu đồng (năm 2020), tăng 19 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,98% (năm 2016) xuống còn 6,56% (năm 2020)

HỒ DUNG

TRÍ DŨNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/455736-huu-lung-chu-trong-xay-dung-vung-san-xuat-tap-trung.html