Hữu Nghĩa xúc động khi diễn viên trẻ đưa di sản văn hóa lên sân khấu kịch
Tối 20-4, nghệ sĩ Hữu Nghĩa đã bày tỏ niềm xúc động khi xem chương trình nghệ thuật tôn vinh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của diễn viên trẻ tại Sân khấu Hồng Vân – Phú Nhuận.
"Tôi rất bất ngờ, các đồng nghiệp cũng xúc động như tôi, vì ở tuổi của các em, nhìn về di sản văn hóa mà Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO đã chính thức ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt – Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Tự hào lắm và vinh dự cho thế hệ làm thầy như chúng tôi, có được các học trò biết quý trọng văn hóa, cội nguồn dân tộc" – NS Hữu Nghĩa chia sẻ.
Vở kịch ngắn "Ngôi đền thiêng" nằm trong chương trình nghệ thuật như một nén hương từ lòng biết ơn những tiền nhân khai sáng nghệ thuật dân gian, đã được các diễn viên trẻ: Lê Huỳnh Bảo Kiệt, Mỹ Tuyến, Trương Chí Cường, Trương Khánh Vy, Yến Nhi, Quang Huy, Tuấn Vũ, Châu Nhật Tín, Yến Phương, Hồ Minh Thảo… thể hiện xuất sắc.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là việc tôn thờ nữ thần, thờ Thánh Mẫu, thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ xuất hiện khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa.
"Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng lấy việc tôn thờ Mẫu - Mẹ làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người. Tín ngưỡng mà ở đó đã được giới tính hóa mang khuôn hình của người Mẹ, là nơi mà ở đó người phụ nữ Việt Nam đã gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến. Hiện nay, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở 21 tỉnh thành phía Bắc và TP HCM. Khi thực hiện vở kịch này, từ kịch bản cho đến thủ pháp dàn dựng các diễn viên trẻ đã nghiên cứu rất kỹ, tạo hiệu ứng rất sinh động, khiến cho khán giả xem tại sân khấu đều xúc động" – NS Hữu Nghĩa cho biết.
Câu chuyện kịch kể về giai đoạn thực dân Pháp muốn mượn những chuyện mê tín để dễ dàng cai trị dân ta, chúng buộc ông Đền – người cai quản ngôi đền thiêng trong làng phải chọn con gái của ông Tổng – vốn là một tay sai của quân Pháp làm "thánh nữ" – đại diện của làng. Sự việc bại lộ, tên quan Pháp và ông Tổng quyết định phá bỏ ngôi Đền và dân làng quyết tâm bảo vệ đến cùng ngôi đền Thiêng đại diện cho ý chí, sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong làng.
Điều bất ngờ là các diễn viên trẻ dù được đào tạo diễn kịch nhưng hát dân ca rất ngọt, sử dụng nhạc cụ rất thành thạo. Cốt lõi làm nên thành công của vở diễn còn là sự nghiêm túc trong diễn xuất, phối hợp thật đồng đều. Ngay cả với tiết mục kết thúc chương trình đã vỡ òa niềm hạnh phúc đối với khán giả khi các diễn viên trẻ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc dành cho các người thầy nghệ sĩ đã trao truyền kinh nghiệm diễn xuất cho họ trên sân khấu chuyên nghiệp.
Trong chương trình còn giới thiệu các vở kịch ngắn: "Mình ơi", "Nửa đời hương phấn", "Tối như đêm 30" (dựa theo tác phẩm "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố) và "Ôi! Những trái tim".