Huy chương vàng Đờn ca Tài tử:Tài tử Hà Thu - lời thì thầm với quê hương
Liên hoan Đơn ca tài tử Quốc gia lần thứ III tại Cần Thơ năm 2022 đã bế mạc. Bình Thuận với chương trình 5 tiết mục, chỉ duy nhất một huy chương vàng. Đó chính là tài tử Hà Thu. Người nghệ sĩ 'nặng lòng' với cung đàn, với tiếng gọi của quê hương.
Nặng lòng với cung đàn
Ba lần Bình Thuận tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia đều có sự góp mặt của chị - người con đất Tuy Phong tài sắc. Vẫn nụ cười đôn hậu, vẫn cái cách trò chuyện hào sảng của người tài tử. Trước ngày đoàn lên đường đi Cần Thơ, có dịp ngồi trò chuyện, chị bộc bạch: “Dù sinh sống ở một nơi, nhưng chị cũng hay về quê, chị đam mê và tâm đắc với Đờn ca tài tử, muốn đóng góp nên hễ ở quê mình cần là chị thu xếp” – Tài tử Hà Thu chia sẻ.
Là người làm nghề và sống được với nghề, từ khi đoàn cải lương Nhạn Trắng giải thể từ năm 1995, chị vào TP.HCM lập nghiệp. Vẫn giữ nghề, mở phòng trà, truyền nghề cho các thế hệ đàn em. Nhưng với chị, quê hương bao giờ vẫn giữ vị trí cao đẹp nhất. “Chị có được hôm nay, cũng từ quê hương, từ những người thầy đầu tiên truyền dạy, chị biết ơn về điều đó. Nên sau này, có thể được chị muốn về quê, truyền lửa cho các bạn trẻ có đam mê” – Hà Thu tâm sự.
Trong loại hình nghệ thuật truyền thống như Đờn ca tài tử, điều trước tiên phải có đam mê, chỉ có đam mê thật sự mới thôi thúc con người ta một lòng nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều năm qua, Đờn ca tài tử của Bình Thuận khi tham gia những cuộc chơi mang tầm Quốc gia, vẫn là những gương mặt cũ. Lớp trẻ có tiềm năng bay đi muôn phương, chẳng thể kết nối?!
Tiết mục "Vọng Chinh phu" (vọng cổ nhịp 16) được viết cho cuộc đời mình đã giúp Tài tử Hà Thu đạt huy chương vàng
“Thật sự lần đầu tiên cầm quân đi một Liên hoan lớn, mới thấy sự đầu tư của các đơn vị. Bình Thuận không phải cái nôi của Đờn ca tài tử nhưng bao nhiêu năm qua đã cố gắng duy trì và phát triển nó. Phải nhìn nhận rằng, vùng đất Bình Thuận có nhiều hạt nhân và phong trào luôn phát triển nhưng để kết nối và gắn bó với quê hương không phải là điều dễ dàng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phải bắt đầu bồi đắp trở lại, tìm kiếm những nhân tố trẻ, đam mê để chung tay đóng góp xây dựng và phát triển bộ môn nghệ thuật này” - Ông Nguyễn Tú Long – Giám đốc Trung tâm Văn hóa, cho biết.
Nói về tài tử Hà Thu, ông Long cũng chia sẻ: “Đây là con người với tấm lòng đáng trân trọng, sẵn sàng hỗ trợ cho địa phương khi cần thiết. Dù sống xa quê, nhưng đối với Hà Thu, luôn dành tình cảm cho tỉnh nhà”.
Tâm nguyện
Trong suốt thời gian tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử tại Cần Thơ, dù là người có nhiều năm kinh nghiệm, nổi tiếng trong giới nghệ thuật nhưng lúc nào chị cũng nghĩ về phong trào của địa phương. “Chị đi về về nhưng phần lớn ở quê, cũng tham gia sinh hoạt, gặp lại những người bạn cũ, giao lưu ca hát. Vì với chị, tất cả đó là cái tình của người nghệ sĩ. Bôn ba riết rồi cũng có lúc phải dừng lại. Nghĩ nên làm điều gì đó, để nuôi dưỡng phong trào”.
Trước ngày lên xe về, chị còn nhắn: “Ổn thỏa mọi việc xong chị chắc chắn sẽ về. Gầy dựng lại phong trào, kết nối những người có tâm, có tầm để góp sức đào tạo không để cho mai một được”- Chị bộc bạch
Nhìn lại, cũng phải thừa nhận rằng tại toàn có hơn 70 CLB, nhóm chơi Đờn ca tài tử nhưng vẫn thiếu sự gắn kết. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều năm qua phong trào cứ nhen nhóm, mỗi nơi mỗi kiểu.
“Chị không biết tâm nguyện của chị có thực hiện được hay không, nhưng nhìn thấy tâm huyết của đoàn khi tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử lần này, chị muốn đóng góp chút gì đó cho quê mình. Hy vọng truyền được cảm hứng đối với loại hình nghệ thuật dân tộc đến được với giới trẻ, chị biết sẽ khó khăn nhưng sẽ cố gắng thử sức” – Tài tử Hà Thu tâm sự.
Đờn ca tài tử cho dù có xuất phát từ đâu, nhưng ở nơi nào có những con người nhiệt huyết, tìm thấy những tâm hồn đồng điệu hẳn sẽ có lúc được bù đắp trọn vẹn, như ước muốn của một người sau chừng ấy năm bôn ba, muốn một lần vun vén cho quê hương, trong từng câu ca thắm nặng nghĩa tình như tiếng đàn kìm réo rắt.