Huy động 55,4 tỷ USD làm 15 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội bằng cách nào?

Định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị cập nhật theo quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, TP Hà Nội có tổng số 15 tuyến đường sắt đô thị, trong đó đến năm 2035 là 397,8km và đến năm 2045 là 196,2km.

15 tuyến đường sắt đô thị cần hơn 55 tỷ USD

Tại Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB Hà Nội), ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban MRB Hà Nội nhấn mạnh đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của thành phố.

Do đó, ông Minh khẳng định phát triển hệ thống đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của thành phố trong thời gian tới, gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo động lực phát triển liên kết vùng Thủ đô, phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.

Định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị cập nhật theo quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, TP Hà Nội có tổng số 15 tuyến đường sắt đô thị, trong đó đến năm 2035 là 397,8km và đến năm 2045 là 196,2km.

MRB Hà Nội cũng tính toán sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư các tuyến đường sắt đô thị đến năm 2045 cần khoảng 55,44 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn cần huy động giai đoạn đến 2030 đầu tư 96,9km với khoảng 16,2 tỷ USD; giai đoạn đến 2035 làm 301km với vốn đầu tư khoảng 20,9 tỷ USD; giai đoạn đến 2045 đầu tư 196,2km và nguồn vốn 18,2 tỷ USD.

Nếu tiến độ đầu tư đường sắt đô thị chậm trễ như hiện nay thì không đáp ứng được yêu cầu

Nếu tiến độ đầu tư đường sắt đô thị chậm trễ như hiện nay thì không đáp ứng được yêu cầu

Dựa trên thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công bao gồm vốn ngân sách, vốn vay trái phiếu, vốn vay ODA và các nguồn vốn huy động khác theo quy định hiện hành, MRB Hà Nội dự kiến đến năm 2030 TP cân đối được khoảng 11,5 tỷ USD (trong khi nhu cầu là 16,2 tỷ USD, chưa cân đối được 4,6 tỷ USD);

Đến năm 2035 cân đối được khoảng 16,9 tỷ USD (trong khi nhu cầu là 20,9 tỷ USD, chưa cân đối được 3,97 tỷ USD); đến năm 2040 cân đối được khoảng 29,21 tỷ USD (trong khi nhu cầu là 18,26 tỷ USD).

Như vậy, sau khi cân đối các nguồn vốn, TP Hà Nội cần Trung ương cân đối, bố trí vốn hỗ trợ 8,61 tỷ USD (các kỳ trung hạn 2026-2030 là 5,52 tỷ USD và 2031-2035 là 4,59 tỷ USD) đến năm 2035.

Sau năm 2035, thành phố chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị bổ sung. Trong quá trình triển khai tiếp theo sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất cụ thể phương án hỗ trợ của Trung ương cho thành phố để đầu tư hệ thống đường sắt đô thị.

Theo quy hoạch Hà Nội có 15 tuyến đường sắt đô thị

Theo quy hoạch Hà Nội có 15 tuyến đường sắt đô thị

Đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đột phá

Để sớm hoàn thành các tuyến metro theo quy hoạch, MRB Hà Nội cũng đề xuất nhiều cơ chế, chính sách để triển khai.

Cơ cấu nguồn vốn được xây dựng theo nguyên tắc, với các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA sẽ tiếp tục đầu tư theo nguồn vốn này. Các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên bằng vốn ngân sách Nhà nước.

Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với các khoản thu (diện tích sàn xây dựng tăng thêm của các dự án xây dựng công trình dân dụng; khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực giao thông công cộng (TOD); phí cải thiện hạ tầng) để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống đường sắt đô thị.

Thành phố cũng đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư nhằm hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị vào năm 2035.

Cụ thể, Hà Nội được điều chỉnh chức năng sử dụng cho các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD; quyết định nội dung, trình tự, thủ tục chính sách đặc thù thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư độc lập; trình tự thực hiện được phép rút gọn để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt dự án.

Thành phố kiến nghị căn cứ quy hoạch chung Thủ đô hoặc đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư xây dựng dự án các tuyến đường sắt đô thị của Thủ đô.

Về công tác thanh toán vốn đầu tư, căn cứ theo tiến độ thực tế của dự án, Hà Nội đề xuất cho phép thực hiện thanh toán vốn đối ứng vượt so với kế hoạch vốn hàng năm của thành phố mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn hàng năm. Phần vốn thanh toán vượt so với kế hoạch vốn năm sẽ được ghi bổ sung vào kế hoạch vốn năm tiếp theo, trong đó tổng số vốn thanh toán không vượt nguồn vốn đầu tư công trung hạn được Chính phủ giao.

Trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án mà không làm tăng tổng mức đầu tư dự án, thành phố đề xuất cho phép chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh dự án…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/huy-dong-554-ty-usd-lam-15-tuyen-duong-sat-do-thi-o-ha-noi-bang-cach-nao-post576297.antd