Huy động các nguồn lực, phát huy lợi thế để Hậu Giang phát triển mạnh mẽ
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang sáng 10/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, với quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn cả nước, xuất phát điểm thấp, tỉnh cần tiếp tục duy trì, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ cũng như của cả nước.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang sáng nay 10/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Với quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn cả nước, xuất phát điểm thấp, tỉnh cần tiếp tục duy trì, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ cũng như của cả nước.
“Điểm sáng” với nhiều kết quả ấn tượng
Buổi làm việc là nội dung tiếp theo trong lịch công tác của Chủ tịch Quốc hội tại tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự có các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương, lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội; các ban, bộ ngành Trung ương; lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang.
Tại cuộc làm việc, các đồng chí trong đoàn công tác và các đại biểu dự hội nghị đã phát biểu làm rõ những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh cũng như những mặt còn tồn tại, giải pháp khắc phục để tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, các cơ quan hữu quan và Chính phủ đang thực hiện tiến trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với những tiềm năng, lợi thế hiện có của Hậu Giang, đồng chí tin tưởng, Hậu Giang sẽ phát triển đồng bộ cả công nghiệp, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng và phát triển vùng.
Phát biểu tại cuộc làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương và chúc mừng những nỗ lực và thành tựu mà các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Hậu Giang đạt được trong thời gian qua.
Qua theo dõi tình hình thực tế và báo cáo của tỉnh, ý kiến của các thành viên trong Đoàn công tác và tận mắt chứng kiến cảnh quan đô thị của Hậu Giang hôm nay, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ấn tượng trước sự đổi thay và phát triển mạnh mẽ của tỉnh.
Những năm gần đây, Hậu Giang đang nổi lên là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của cả nước, luôn tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung.
Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt 3,28% (cao hơn cả nước 2,56%); năm 2022 đạt 13,94%, mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ tư cả nước (cao hơn cả nước 8,02%); 9 tháng đầu năm 2023, đạt 13,30%, vươn lên đứng đầu cả nước.
Quy mô kinh tế tăng hơn 10 lần (năm 2004 khoảng 4.700 tỷ đồng, năm 2022 khoảng 48.062 tỷ đồng). Thu nội địa tăng bình quân 1.000 tỷ đồng/năm, tăng 20,45%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, từng bước khẳng định vai trò tạo động lực phát triển cho kinh tế tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội gợi mở thêm một số nội dung để lãnh đạo tỉnh nghiên cứu, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới; trong đó: Sớm báo cáo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII; tập trung nhấn mạnh những quan điểm, định hướng quan trọng của Trung ương về các vấn đề quan trọng của đất nước.
Với những nội dung được lãnh đạo tỉnh nêu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tỉnh cần phát huy cách làm sáng tạo, quyết liệt vừa qua, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tạo nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ tới; quan tâm cán bộ nữ, cán bộ trẻ.
Báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết: công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Hậu Giang có nhiều đổi mới thực chất, đạt kết quả tích cực: đã ban hành Đề án về thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ (mạnh dạn giảm biên chế nhiều hơn quy định Trung ương, để tuyển mới cán bộ trẻ, có trình độ năng lực vào hệ thống chính trị).
Về bổ nhiệm cán bộ, yêu cầu cán bộ phải bảo vệ chương trình hành động trước tập thể lãnh đạo - nếu tập thể đồng ý thì mới thực hiện quy trình tiếp theo. Tỉnh cũng đã tiến hành xây dựng vị trí việc làm, với quyết tâm hoàn thành và áp dụng trong năm 2024 (sớm hơn quy định Trung ương 1 năm).
Thời gian qua, tỉnh quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp”.
Triển khai hiệu quả các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh bám sát các nghị quyết của Trung ương Đảng, của Quốc hội, nhất là Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, hằng năm và Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong việc triển khai các nhiệm vụ của tỉnh.
Một trong những yêu cầu đặt ra trong thời gian tới được Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo nhiều bộ, ngành quan tâm là Hậu Giang cần đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh theo đúng phương châm “Một tâm, Hai tuyến, Ba thành, Bốn trụ, Năm trọng tâm”.
Tỉnh Hậu Giang tập trung xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo định hướng: “1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm”, cụ thể:
“Một tâm”: phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về đô thị và công nghiệp, là bệ phóng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong trung hạn và dài hạn.
“Hai tuyến”: tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu.
“Ba thành”: ưu tiên phát triển và nâng tầm 3 trung tâm đô thị của tỉnh là: thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ.
Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và nhiều lãnh đạo bộ, ngành cũng đã quan tâm về lĩnh vực công nghiệp, Hậu Giang cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tạo nguồn lực phát triển các lĩnh vực khác; phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu của địa phương, giảm logistics, giảm di cư; phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển bền vững; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Tăng nguồn ngân sách gắn với việc nuôi dưỡng nguồn thu; tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, sắp tới Hậu Giang sẽ có 2 tuyến đường cao tốc (Bắc-Nam và Đông-Tây) đi qua.
Các lãnh đạo bộ, ngành cho rằng, tỉnh cần nhận thức đây là thời cơ, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, tỉnh khẩn trương phối hợp các địa phương trong Vùng để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu đề nghị Hậu Giang phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển bền vững, đi sâu nâng cao chất lượng nông sản, tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, coi tài nguyên nước là cốt lõi; chủ động, tích cực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ ấn tượng và đồng tình cao với chủ trương vận động xây dựng 1.400 căn nhà “Đại đoàn kết” cho các đối tượng khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Khi thực hiện hoàn thành chương trình này, Hậu Giang cơ bản không còn hộ khó khăn về nhà ở.
“Bốn trụ cột”: tập trung phát triển công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.
“Năm nhiệm vụ trọng tâm”:
1-Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách;
2- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển các lĩnh vực trụ cột;
3- Cải cách hành chính mạnh mẽ, kết nối với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số;
4- Hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng, tập trung vào các hạ tầng giao thông và công nghiệp kết nối với các trung tâm phát triển kinh tế;
5- Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua tỉnh đã chủ động, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao; triển khai, hoàn thành khối lượng lớn công việc.
Về tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Theo số liệu báo cáo, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 6 dự án thuộc nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, với tổng mức đầu tư 10.300 tỷ đồng, kế hoạch năm 2023 là 1.707 tỷ đồng. Đến nay, giải ngân được 1.025 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch.
Kiến nghị với đồng chí Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo tỉnh cho biết: Theo Nghị quyết số 01 ngày 1/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tiêu chí, định mức phân bổ chi quốc phòng phân bổ theo tiêu chí dân số.
Tổng số kinh phí Hậu Giang được phân bổ trong cân đối chi cho quốc phòng năm 2022 khoảng 61 tỷ đồng, tuy nhiên năm 2022 quyết toán chi thường xuyên cho quốc phòng khoảng 178 tỷ đồng, gấp 3 lần so với dự toán giao, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong cân đối nguồn lực.
Tỉnh kiến nghị trong thời gian tới xem xét tăng định mức chi thường xuyên cho quốc phòng.
Về tiêu chí phân bổ kinh phí cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo Nghị quyết số 01 nêu trên, tỉnh đề nghị xét phân bổ cho các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cả 2 tiêu chí để giảm bớt khó khăn.
Dịp này, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn chứng kiến việc trao 5 tỷ đồng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex ủng hộ xây dựng 100 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn tỉnh Hậu Giang.
Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả trên các lĩnh vực. Kết quả các chỉ số năm 2022 đều tăng thứ bậc so với năm 2021, cụ thể:
- Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index): Xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 7 bậc; xếp thứ 2/13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, tăng 2 bậc.
- Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): Xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 26 bậc; xếp thứ 3/13 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI): Xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 5 bậc.
- Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức (SIPAS): Xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 17 bậc.