Huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Diễn đàn Kinh tế - Tài chính năm 2023 thảo luận các giải pháp huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.

Chiều 17/3, tại thành phố Đà Nẵng, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Tài chính năm 2023 với chủ đề “Huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung”.

Diễn đàn Kinh tế - Tài chính năm 2023 tại Đà Nẵng

Diễn đàn Kinh tế - Tài chính năm 2023 tại Đà Nẵng

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) là một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước; là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Trong thời gian qua, phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã được các địa phương nội vùng triển khai tích cực và đã đạt được những thành quả đáng kể trong phát triển kinh tế. Các địa phương trong Vùng đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế, phát huy triệt để nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Kinh tế các tỉnh nội vùng đã dần thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Tuy nhiên, quá trình phát triển thời gian qua cũng cho thấy, vai trò động lực, chức năng đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho sự phát triển chung của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn nhiều hạn chế. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế cả nước. Đóng góp của Vùng vào quy mô chung của cả nước vẫn còn thấp, tăng trưởng của các địa phương trong vùng chưa đồng đều. Hoạt động liên kết còn nhiều hạn chế, kết nối về đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa tận dụng được lợi thế riêng của từng địa phương....

Giám đốc VCCI Đà Nẵng - ông Nguyễn Tiến Quang chia sẻ tại Diễn đàn

Giám đốc VCCI Đà Nẵng - ông Nguyễn Tiến Quang chia sẻ tại Diễn đàn

Theo ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng, vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung với vai trò, vị trí quan trọng, Đảng nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển, bên cạnh đó chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã có nhiều nỗ lực “thoát khó, thoát nghèo” để vươn lên nhưng kinh tế khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế: tốc độ phát triển còn chậm, quy mô kinh tế còn nhỏ, tính bền vững chưa cao...

Cộng đồng kinh doanh tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn gặp nhiều khó khăn bởi những yếu tố: Quy mô, sức mua thị trường còn thấp; Quy mô doanh nghiệp có xu hướng nhỏ hóa khi số vốn, số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới hàng năm ngày càng giảm; dịch vụ hỗ trợ kinh doanh tại khu vực chưa theo kịp nhu cầu phát triển: cho dù khu vực này có nhiều cảng biển, cảng hàng không và là trung điểm giao thông đường bộ của cả nước nhưng chi phí logistic còn cao; dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chưa phát triển; nguồn nhân lực cao cấp còn thiếu...

"Đặc biệt, đại dịch Covid 19 vừa qua là phép thử liều cao về sự phát triển, tính bền vững của doanh nghiệp, nền kinh tế tại khu vực này đã bộc lộ những hạn chế rõ hơn bất cứ lúc nào... Do đó, diễn đàn được kỳ vọng sẽ gợi mở về tầm nhìn, hiến kế, khuyến nghị nhiều giá trị, có tính khả thi cao, góp phần giúp khơi thông nguồn lực tại chỗ, huy động thêm nguồn lực mới cho phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, Giám đốc VCCI Đà Nẵng nói.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế - Tài chính gợi mở 10 giải pháp đột phá phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế - Tài chính gợi mở 10 giải pháp đột phá phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Diễn đàn Kinh tế - Tài chính năm 2023 được chia làm 2 phiên gồm phiên chia sẻ và phiên đối thoại.

Tại phiên chia sẻ, các nhà làm chính sách, chuyên gia sẽ thông tin, nhận định về Bức tranh kinh tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Những vấn đề đặt ra cho việc thu hút nguồn lực đầu tư, tạo động lực tăng trưởng cho Vùng; Các giải pháp huy động nguồn lực phát triển Vùng; Hoàn thiện thể chế để vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cất cánh.

Tại phiên trao đổi – đối thoại, các nhà làm chính sách, chuyên gia, diễn giả còn trao đổi, thảo luận về các cơ chế, chính sách, đề xuất các giải pháp để vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển nhanh, bền vững; các kiến nghị từ doanh nghiệp gửi đến các cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương để hoàn thiện tốt hơn môi trường đầu tư – kinh doanh cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương cũng như vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/huy-dong-cac-nguon-luc-phat-trien-nhanh-ben-vung-vung-kinh-te-trong-diem-mien-trung-246744.html