Huy động các nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh trong xây dựng cơ sở vật chất, các trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng các tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, việc tăng cường huy động các nguồn lực, nhất là công tác xã hội hóa đã góp phần mang lại diện mạo mới tại những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia.
Trường Mầm non Sơn Nam có không gian lý tưởng trong việc nuôi, dạy trẻ. Nhà trường có đầy đủ các phòng học, khu vực vui chơi cho trẻ, khu vực dã ngoại, hoạt động ngoài trời... được đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa. Năm 2013, trường được tổ chức Good Neighbors (GNI) đầu tư xây dựng 6 phòng học mới cùng với nhà vệ sinh, khu vực vui chơi ngoài trời cho trẻ. Không dừng lại ở đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã tiếp tục huy động sự ủng hộ của người dân, phụ huynh xây dựng thêm các công trình phụ trợ, cải tạo khuôn viên xanh, sạch đẹp.
Cô giáo Trần Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để đạt chuẩn quốc gia không chỉ có cơ sở vật chất khang trang là đủ mà cần phải nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Chính vì thế nhà trường thường xuyên cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do ngành tổ chức, cập nhật kiến thức mới để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Giáo viên được khuyến khích làm thêm đồ dùng, đồ chơi mới để trẻ học tập, vui chơi. Nhờ đó, trường đã duy trì chất lượng trường chuẩn quốc gia từ năm 2013 đến nay. Năm học 2019 - 2020, trường vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì thực hiện hiệu quả việc xây dựng trường học “lấy trẻ làm trung tâm”.
Trường Tiểu học thị trấn Na Hang đã thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, nhà trường thành lập các câu lạc bộ học tập các bộ môn để phát huy sở thích, thế mạnh từng học sinh. Bên cạnh đó, trường xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, có chuyên môn vững vàng, chất lượng dạy học từng bước khẳng định, tiêu chí chất lượng trong xây dựng trường chuẩn và các tiêu chí khác đạt từ năm học 2014 - 2015, chỉ còn thiếu tiêu chí về cơ sở vật chất. Đến năm 2018, nhà trường được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đầu tư xây dựng trường mới khang trang thì “bài toán” về cơ sở vật chất đã được giải, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Thầy giáo Ma Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng nhà trường nói, việc huy động xã hội hóa ở vùng cao rất khó khăn nên trường xác định hoàn thành các tiêu chí dễ trước, khó sau. Đồng thời xác định việc hoàn thành xây dựng trường chuẩn đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ đội ngũ Ban Giám hiệu, giáo viên cùng đoàn kết, ủng hộ các chương trình đổi mới giáo dục, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích để học sinh tham gia.
Trong thời gian qua, Sở và các Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh và các huyện, thành phố bố trí kinh phí, tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, trang cấp thiết bị cho các nhà trường; đặc biệt quan tâm đến các trường trong lộ trình đạt chuẩn quốc gia. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều ngôi trường mới khang trang ở các xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới đã được đầu tư xây dựng như: Trường Mầm non Mỹ Bằng (Yên Sơn), Trường Mầm non Minh Hương (Hàm Yên), Trường Tiểu học và THCS Côn Lôn (Na Hang), Trường Tiểu học Lăng Can (Lâm Bình), Trường Tiểu học Sơn Nam (Sơn Dương)...
Cô giáo Nguyễn Thị Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Đình Bằng là người đã có nhiều đóng góp trong xây dựng Trường Mầm non Đình Bằng và Trường Mầm non Mỹ Bằng (Yên Sơn) đạt chuẩn quốc gia cho rằng, muốn xây dựng được trường chuẩn, trước hết bản thân cán bộ, giáo viên nhà trường phải thực sự quyết tâm, đoàn kết thực hiện. Bên cạnh đó, cần phải có giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, khi sử dụng nguồn xã hội hóa cần công khai minh bạch để phụ huynh, nhân dân nắm rõ và sẵn sàng đồng hành cùng nhà trường. Có như thế người dân, phụ huynh mới sẵn sàng ủng hộ để việc xây dựng trường chuẩn hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay toàn tỉnh có 227/474 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 47,9%. Trong đó, bậc mầm non 62/152 trường; tiểu học 75/136 trường; THCS 83/155 trường và THPT 7/31 trường. Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia được thực hiện hiệu quả nhờ tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, bố trí, lồng ghép các nguồn lực hợp lý. Đặc biệt là công tác xã hội hóa ở nhiều trường đã được đẩy mạnh, tạo sự ủng hộ trong các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó là việc triển khai nhiều giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng dạy học để đạt chuẩn quốc gia.
Mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh phấn đấu có 53% số trường mầm non, trên 70% trường tiểu học, trên 70% trường THCS và trên 35% trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Để hoàn thành mục tiêu này, trong thời gian tới cần phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai và huy động các nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu phục vụ, dạy học trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương, mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia; nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng trường chuẩn quốc gia...