Huy động lực lượng, phương tiện ngăn chặn hiệu quả các vụ cháy rừng

Trước những diễn biến phức tạp về thời tiết và cháy rừng, ngày 29-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công điện tới các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; UBND các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và một số cơ quan báo chí, đôn đốc việc phòng, chống cháy rừng (PCCR).

Nội dung công điện nhấn mạnh: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên khẩn trương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cấp bách sau: Kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn. Phải có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết; chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.

 Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 6 (Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế) tham gia chữa cháy rừng. Ảnh: Lê Sáu

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 6 (Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế) tham gia chữa cháy rừng. Ảnh: Lê Sáu

Công điện cũng nêu rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành nêu trên, cụ thể: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương tại các khu vực trọng điểm về cháy rừng; cử lãnh đạo và cơ quan chức năng xuống hỗ trợ các địa phương ứng trực và chỉ huy chữa cháy rừng. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan bảo đảm an toàn tuyệt đối của hệ thống điện quốc gia, không để xảy ra sự cố về hệ thống truyền tải, cung cấp điện phục vụ sản xuất và đời sống của người dân. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo chuẩn bị các phương án, lực lượng, phương tiện tham gia PCCR, sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời dự báo và cung cấp thông tin về thời tiết và các hiện tượng thời tiết cực đoan đến người dân và các cơ quan liên quan phục vụ công tác PCCR... Các bộ, ngành Trung ương, UBND cấp tỉnh và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ website: kiemlam.org.vn...

Tình hình cháy rừng diễn biến phức tạp

Ngày 29-6, thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, trong những ngày qua thời tiết nắng nóng gay gắt cộng với gió phơn Tây Nam thổi mạnh làm cho độ ẩm trên các cánh rừng khu vực Trung Bộ giảm đột ngột. Trong 3 ngày từ 27 đến 29-6, tại nhiều địa phương trong cả nước đã liên tục xảy ra các vụ cháy rừng lớn. Điển hình, ngày 27-6, tại xã Sơn Trung (Hương Sơn, Hà Tĩnh), xảy ra cháy 4ha rừng thông (khoảng 20 năm tuổi); tại xã Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cũng xảy ra cháy 2ha rừng tạp và thảm thực vật, nhất là tại xã Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa, Phú Yên), xảy ra cháy khoảng 10ha rừng keo lá tràm (3-5 tuổi). Tiếp đó vào lúc 13 giờ, ngày 28-6, một vụ cháy rừng lớn xảy ra tại khu vực rừng thông tiểu khu 92A thuộc địa bàn thôn 7, xã Xuân Hồng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Từ điểm phát cháy ban đầu, ngọn lửa sau đó lan rộng từ vùng núi xã Xuân Hồng sang các khu rừng thuộc tổ dân phố 2, 3 thị trấn Xuân An và thôn 8 xã Xuân Hồng; tại đèo Đại La, xã Hòa Sơn (Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng xảy ra vụ cháy rừng với diện tích hơn 10ha...

Ngày 29-6, tình hình cháy rừng tiếp tục xảy ra với diễn biến phức tạp, nhất là ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), bởi tại khu rừng bị cháy thuộc xã Xuân Hồng, sau hơn 10 tiếng dập lửa, 3 giờ ngày 29-6, ngọn lửa đã bùng phát trở lại. Các đơn vị tiếp tục huy động lực lượng dập lửa và đến chiều cùng ngày thì ngọn lửa đã cơ bản được khống chế...

Các đơn vị, địa phương tích cực ứng phó

Ngay sau khi phát hiện các vụ cháy rừng, các đơn vị, địa phương đã khẩn trương huy động, lực lượng, phương tiện cơ động ứng phó. Chiều 29-6, có mặt tại thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), chúng tôi đã chứng kiến hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 căng mình trong thời tiết nắng nóng lên đến 40 độ C để dập đám cháy trên núi Hồng Lĩnh và sơ tán người dân cùng tài sản đến nơi an toàn. Anh Trần Văn Hoài (khối 7, thị trấn Xuân An) nói: “Sống hơn nửa đời người tôi mới chứng kiến núi Hồng Lĩnh bị cháy lớn như vậy. Thật xót xa”. Được biết, nhờ sự nỗ lực của các đơn vị quân đội, công an, nhân dân địa phương, tối 28-6 vụ cháy được khống chế nhưng đến 3 giờ ngày 29-6 đã bùng phát trở lại. Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã tăng cường 1.000 cán bộ, chiến sĩ cùng 15 xe ô tô, 10 máy thổi gió thuộc các đơn vị: Tiểu đoàn Đặc công 31, Trung đoàn 841 (Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh), Ban CHQS huyện Nghi Xuân, bộ đội thường trực, DQTV tham gia chữa cháy rừng, di dời 100 hộ dân và 420 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Cơ động đến lưng chừng núi Hồng Lĩnh, chúng tôi thấy Binh nhất Nguyễn Trí Thắng, Tiểu đội 3, Trung đội 7, Đại đội 2, Tiểu đoàn Đặc công 31 người đã sũng mồ hôi, gương mặt đỏ gay vì nắng nóng và khói lửa từ đám cháy. Đưa tay gạt những giọt mồ hôi chảy thành dòng trên mặt, Binh nhất Nguyễn Trí Thắng nói nhanh: “Hai ngày nay, đơn vị giao nhiệm vụ cho chúng tôi tham gia phát quang bụi rậm, mở rộng đường băng cản lửa để ngăn chặn đám cháy không lây lan. Mặc dù thời tiết nắng nóng, địa hình núi cao nhưng tôi và các đồng đội đều xác định phải phát huy hết tinh thần trách nhiệm, vượt khó khăn để dập lửa cứu rừng”.

Chúng tôi được biết khu vực này còn có hai cây xăng và hàng trăm hộ dân sống gần đám cháy. Vì vậy, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phối hợp với nhân viên các cây xăng và người dân đã tiến hành phát quang đường băng cản lửa để ngăn lửa rừng lan rộng, đề phòng cháy, nổ cây xăng. Đến 17 giờ ngày 29-6, đám cháy vẫn chưa thể dập tắt hoàn toàn. Thông tin từ UBND huyện Nghi Xuân cho biết, công an huyện đã tạm giữ 1 đối tượng trú tại xã Xuân Hồng để điều tra về nguyên nhân xảy ra vụ cháy.

Trực tiếp chỉ huy công tác chữa cháy, Thượng tá Lê Hữu Hưng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nghi Xuân nói với chúng tôi: “Trong đêm 28-6, khi thấy đám cháy đã được khống chế, chúng tôi cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị về nghỉ. Nhưng đến 3 giờ ngày 29-6, nhận được tin đám cháy bùng phát, các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị lại lên đường làm nhiệm vụ chữa cháy. Anh em chỉ chợp mắt được khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ...”. Đường cơ động khó khăn, để tận dụng thời gian, nhanh chóng khống chế đám cháy, các cán bộ, chiến sĩ được bảo đảm ăn trưa tại chỗ. Từng chiếc bánh mì ăn nhanh, chai nước uống vội, các cán bộ, chiến sĩ chỉ kịp nghỉ ngơi ít phút lấy lại sức rồi lại lao vào thực hiện nhiệm vụ. Đại tá Trần Văn Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh thông tin: “Trước thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn duy trì nghiêm chế độ, nắm tình hình thời tiết, theo dõi sát sao các vụ cháy. Các cơ quan quân sự chủ động tham mưu phối hợp, hiệp đồng với địa phương tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy rừng hiệu quả, an toàn nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại...".

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết: "Các đơn vị quân đội phối hợp nhịp nhàng với địa phương trong công tác chữa cháy, tổ chức khoanh vùng, kiểm soát đám cháy không cho lan rộng xuống khu vực nhà dân. Từng cán bộ, chiến sĩ nỗ lực tạo đường băng trắng, dẹp lửa để ngăn chặn đám cháy. Chính quyền địa phương cũng như nhân dân đánh giá rất cao sự phối hợp của đơn vị quân đội và vô cùng cảm động trước tinh thần trách nhiệm xông pha vào “chảo lửa” của bộ đội để cứu rừng, giúp dân. Chúng tôi cùng các đơn vị bộ đội quyết tâm dập tắt đám cháy, hạn chế tối đa thiệt hại...".

Từ ngày 27 đến 29-6 tại các tỉnh thuộc Quân khu 4 như: Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên-Huế xảy ra 16 vụ cháy, làm thiệt hại 113ha rừng. Từ ngày 26 đến 29-6, các tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 5, như: Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng và tỉnh Phú Thọ (Quân khu 2) xảy ra 7 vụ cháy, làm thiệt hại hơn 47ha rừng... Trong 3 ngày (từ 27 đến 29-6), để kịp thời dập lửa, cứu rừng, các đơn vị, địa phương thuộc Quân khu 4 đã huy động hơn 4.730 người (trong đó có 1.110 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị của quân khu, gần 1.600 cán bộ, chiến sĩ DQTV) và hơn 130 phương tiện các loại. Từ ngày 26 đến 29-6, các địa phương thuộc Quân khu 5 và tỉnh Phú Thọ (Quân khu 2) đã huy động hơn 1.100 người trong đó có hơn 770 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng thường trực và DQTV tham gia chữa cháy rừng. Đến chiều ngày 29-6, vụ cháy rừng ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã cơ bản được khống chế, các vụ khác đã được dập tắt. Tuy nhiên các đơn vị, địa phương vẫn phải cử lực lượng túc trực, đề phòng lửa bùng phát trở lại.

ANH VŨ - HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/huy-dong-luc-luong-phuong-tien-ngan-chan-hieu-qua-cac-vu-chay-rung-581182