Huy động nguồn lực cho nghiên cứu: Khó do đâu?

Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) trong nước, ưu tiên đào tạo nhân lực trình độ cao, tăng cường hỗ trợ cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, gỡ vướng về cơ chế tự chủ… là những vấn đề được quan tâm hiện nay, nhằm tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Theo Viện Nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa (Bộ Công Thương), để KH&CN phát huy hiệu quả trong công cuộc phát triển chung của đất nước hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN cần sớm có hệ thống chính sách ưu tiên cho việc đào tạo nhân lực trình độ cao tại các viện nghiên cứu. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhà nước, chủ động, mạnh dạn ứng dụng các thành tựu KH&CN trong nước, thậm chí có chính sách bảo hộ riêng với thị trường KH&CN. Vì không có thị trường, không có ứng dụng thì mọi kết quả nghiên cứu đều không phát huy hiệu quả thực tế. Đồng thời, có cơ chế, chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN tham gia vào những dự án, công trình kinh tế - xã hội lớn của đất nước, để sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực KH&CN nội tại; cần xem xét và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các tổ chức KH&CN, nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của những người làm khoa học.

 Cần gỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo

Cần gỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo

Nhận định của Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và sau này được thay thế bởi Nghị định số 54/2016/NĐ-CP, các tổ chức KH&CN vẫn gặp nhiều khó khăn nhất định, do các hướng dẫn và sự chuyển đổi về cơ chế quản lý còn thiếu đồng bộ. Do đó, làm chậm quá trình triển khai thực hiện và hạn chế hiệu quả của chủ trương đúng đắn này.

Các quy định hướng dẫn thực hiện Nghị định 54/2016/NĐ-CP như xác định giá trị và giao quyền quản lý tài sản cho các tổ chức KH&CN; cho phép các tổ chức KH&CN sử dụng tài sản được Nhà nước giao vốn thực hiện thế chấp để vay vốn ngân hàng, dùng tài sản này để liên doanh, liên kết tiếp tục là khó khăn trong quá trình DN chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Mặt khác, sự không thống nhất trong quy định về đấu thầu tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện các nhiệm vụ tại Luật KH&CN năm 2013 và Luật Đấu thầu năm 2013 cũng gây khó khăn cho các tập đoàn, tổng công ty trong việc giao nhiệm vụ KH&CN cho đơn vị trực thuộc. Vì vậy, hiện nay vẫn chưa huy động hiệu quả nguồn lực của các DN nhà nước ngành Công Thương tham gia hoạt động nghiên cứu phát triển.

Chưa kể, các tổ chức KH&CN còn gặp khó khăn khi cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu, nhất là các máy móc, trang thiết bị phục vụ yêu cầu triển khai dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước còn hạn chế. Nhiều đơn vị, thiết bị máy móc cũ, lạc hậu được đầu tư từ những năm 1990. Nếu không tiếp tục có sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là đầu tư theo chiều sâu, tăng cường năng lực cho các đơn vị để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, các đơn vị sẽ rất khó khăn trong việc nâng cao mức thu sự nghiệp trong cơ cấu nguồn thu của mình…

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&CN thời gian tới là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai đổi mới hoạt động quản lý KH&CN theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/huy-dong-nguon-luc-cho-nghien-cuu-kho-do-dau-134421.html