Huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu nâng tổng mức dự trữ quốc gia

Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng mức dự trữ quốc gia đạt từ 0,8 - 1% GDP; 1,5% GDP vào năm 2035 và 2% GDP vào năm 2045.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, việc huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn lực khác ngoài ngân sách để tăng tổng mức dự trữ quốc gia là cần thiết; từng bước đưa nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn đang đặt ra.

Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) quy định DTQG là dự trữ vật tư, thiết bị, hàng hóa do Nhà nước quản lý và nắm giữ nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh. Nhà nước xây dựng DTQG đủ mạnh, cơ cấu hợp lý, đảm bảo thực hiện mực tiêu DTQG, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và Nhà nước có chính sách huy động nguồn lực, khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động DTQG. DTQG được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và các nguồn lực hợp pháp khác ngoài NSNN.

Nguồn lực cho DTQG bao gồm: Nguồn vốn để mua tăng, mua bù hàng DTQG; nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kho tàng, công nghệ phục vụ quản lý DTQG; nguồn kinh phí để chi cho hoạt động của bộ máy quản lý, chi hoạt động nghiệp vụ nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, bảo vệ, bảo hiểm hàng DTQG; chi nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ bảo quản; chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác DTQG và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật. Ngoài vốn và kinh phí, nguồn lực cho DTQG còn bao gồm cả nguồn vật chất, hàng hóa, vật tư được huy động từ các tổ chức, cá nhân để phục vụ cho mục tiêu DTQG trong tình huống đột xuất, cấp bách theo quy định của pháp luật.

Mặc dù, chính sách về nguồn lực cho DTQG mở và đa dạng, song thực tế, nguồn lực DTQG hiện nay phần lớn được hình thành từ NSNN, cụ thể là NSNN trung ương do Luật NSNN năm 2015 quy định chi DTQG là nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho DTQG bước đầu được thực hiện thông qua cơ chế thuê ngoài bảo quản hàng DTQG, giúp giảm bớt phần nào gánh nặng cho NSNN trong việc đầu tư hệ thống kho DTQG và công nghệ bảo quản đối với các mặt hàng DTQG do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương quản lý. Tuy nhiên, về cơ bản, các chính sách khuyến khích huy động nguồn lực ngoài NSNN của các cá nhân, tổ chức trong xã hội tham gia vào hoạt động DTQG còn mang tính hình thức, chưa phát huy hiệu quả thực tiễn.

Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đề ra chỉ tiêu tổng mức DTQG đạt từ 0,8 – 1% GDP vào năm 2025, 1,5% GDP vào năm 2035 và 2% GDP vào năm 2045. Thực tế, đến nay, tổng mức DTQG mới chỉ đạt xấp xỉ 0,02% GDP chưa phù hợp với mục tiêu DTQG, đặc biệt trong tình huống có thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc sự cố an ninh, quốc phòng diễn ra trên diện rộng.

Mặt khác, trong điều kiện khả năng cân đối NSNN, đặc biệt là ngân sách trung ương khó khăn như hiện nay, kinh phí bố trí cho DTQG còn hạn hẹp. Vì vậy, việc huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương và từ ngoài ngân sách để tăng tổng mức DTQG là yêu cầu cần thiết, cấp bách mang ý nghĩa thực tiễn, đảm bảo tương xứng, phù hợp với mục tiêu DTQG, cũng như đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 39/NQ-TQ đề ra. Theo đó, một số giải pháp lớn nên cân nhắc triển khai thực hiện như sau:

Thứ nhất, huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương cho dự trữ quốc gia

Hoạt động DTQG gắn liền và nhằm đáp ứng nhu cầu của công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, phục vụ an ninh, quốc phòng. Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh… là nhiệm vụ của cả chính quyền trung ương và địa phương được quy định phân cấp cụ thể theo quy định tại Luật Phòng chống thiên tai, Luật Phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm, Luật Bảo vệ thực vật…

Tuy nhiên, Luật NSNN quy định, chi DTQG là nhiệm vụ của ngân sách trung ương, ngân sách các cấp chính quyền địa phương không có nhiệm vụ này. Đây là điểm nghẽn chính sách dẫn đến khó khăn trong việc huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương cho DTQG; đồng thời, làm hạn chế tính chủ động của chính quyền địa phương trong đáp ứng nhu cầu đột xuất, cấp bách cho phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh… thuộc nhiệm vụ được phân cấp. Thời gian tới, cần nghiên cứu, bổ sung nhiệm vụ chi DTQG cho ngân sách các cấp chính quyền địa phương tương ứng, phù hợp với phân cấp nhiệm vụ cho chính quyền địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, an ninh, quốc phòng…

Thứ hai, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp lớn, các tổ chức kinh tế trong nền kinh tế tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia

Luật DTQG và Thông tư số 172/2013/TT-BTC quy định và hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện cơ chế thuê ngoài bảo quản hàng DTQG. Theo đó, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG có thể ký hợp đồng thuê các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có đủ điều kiện về kho bãi, công nghệ, nhân lực thực hiện bảo quản hàng DTQG. Trên thực tế, hiện nay, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế đang thực hiện thuê ngoài bảo quản hàng DTQG. Có thể khẳng định, cơ chế này đã phần nào thu hút được nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp trong nền kinh tế tham gia vào hoạt động DTQG, góp phần giảm chi NSNN cho đầu tư kho tàng, công nghệ và đào tạo cán bộ bảo quản hàng DTQG.

Để tiếp tục huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp trong nền kinh tế tham gia vào hoạt động DTQG, cần thiết đa dạng hóa các hình thức thuê ngoài trong hoạt động DTQG như: Thuê ngoài nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật cho công nghệ bảo quản, thuê kho chứa hàng, thuê công nghệ bảo quản hàng DTQG tại những địa điểm cần thiết, thuê nhân sự được đào tạo chuyên ngành, kỹ thuật cao phù hợp, cần thiết cho công tác bảo quản hàng DTQG.

Bên cạnh đó, cân nhắc, nghiên cứu hướng tới thuê các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện DTQG thông qua cơ chế ký hợp đồng “quyền mua”. Cụ thể, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG ký “hợp đồng quyền mua” với các tổ chức, doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng hóa thiết yếu, chiến lược có quy mô lớn, năng lực đảm bảo.

Theo đó, các doanh nghiệp được Nhà nước (đại diện là các bộ, ngành) trả phí định kỳ, thường xuyên và có nghĩa vụ đảm bảo cung cấp (đảm bảo quyền mua) số lượng hàng nhất định đối với Nhà nước (mà đại diện là các bộ ngành quản lý hàng DTQG) trong các tình huống phát sinh nhu cầu đột xuất, cấp bách do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc sự cố về an ninh, quốc phòng. Hợp đồng cũng cần quy định rõ nguyên tắc, cơ chế giám sát các tổ chức, doanh nghiệp trong việc dự trữ hàng để đảm bảo quyền mua hàng của Nhà nước theo đúng trách nhiệm của hợp đồng.

Thứ ba, nắm bắt thông tin, tổng hợp nguồn lực dự phòng cho dự trữ quốc gia, từng bước mở rộng phạm vi nguồn lực dự trữ quốc gia

Luật DTQG quy định DTQG là dự trữ vật tư, thiết bị, hàng hóa do Nhà nước quản lý và nắm giữ. Nghị định số 94/2013/NĐ-CP cũng quy định, trong tình huống đột xuất, cấp bách, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng, phục vụ quốc phòng, an ninh cần được giải quyết ngay, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương huy động tài sản, hàng hóa, vật tư thiết bị của các tổ chức, cá nhân cho DTQG theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.

Việc huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương và từ ngoài ngân sách để tăng tổng mức dự trữ quốc gia là yêu cầu cần thiết, cấp bách mang ý nghĩa thực tiễn, đảm bảo tương xứng, phù hợp với mục tiêu dự trữ quốc gia, cũng như đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 39/NQ-TQ.

Như vậy, vật tư, hàng hóa, thiết bị trong dân cư, trong nên kinh tế là nguồn lực DTQG dự phòng mà Nhà nước (đại diện là thủ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng DTQG) có thể huy động thông qua trưng mua, trưng dụng tài sản trong các tình huống cần thiết để thực hiện mục tiêu DTQG.

Để tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực DTQG và nguồn lực dự trữ bằng hiện vật trong xã hội, trong nền kinh tế; đồng thời, để chủ động đáp ứng nhu cầu đột xuất, cấp bách cần tính đến yếu tố về nguồn lực dự phòng của DTQG trên địa bàn và trên toàn quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, chưa có cơ chế tạo luồng thông tin, báo cáo để các cơ quan, đơn vị, bộ ngành quản lý hàng và quản lý nhà nước về DTQG nắm bắt thông tin, số liệu về nguồn lực dự phòng cho DTQG nêu trên. Việc phân bổ nguồn lực DTQG chưa tính đến yếu tố sử dụng nguồn lực dự phòng trong tình huống đột xuất, cấp bách do thiên tai, thảm hỏa, hỏa hoạn dịch bệnh hoặc sự cố an ninh, quốc phòng gây nên.

Trong thời gian tới, cần tạo ra cơ chế từng bước nắm bắt thông tin để quản lý, định hướng nguồn lực DTQG dự phòng để từ đó mở rộng phạm vi nguồn lực DTQG, nâng tổng nguổn lực có thể huy động để đáp ứng mục tiêu DTQG lên một tầm cao mới.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi nguồn lực dự trữ quốc gia

Kinh nghiệm quốc tế về DTQG cho thấy, hợp tác quốc tế trao đổi nguồn lực DTQG là giải pháp nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực DTQG trong thực hiện mục tiêu DTQG. Những thỏa thuận hợp tác trao đổi nguồn lực DTQG song phương và đa phương giữa các nước trong khu vực giúp mỗi quốc gia thành viên tăng tổng nguồn lực thực hiện mục tiêu DTQG lên gấp nhiều lần với chi phí huy động nguồn lực gần như bằng không…

Thực tế cho thấy, hiện nay Việt Nam mới chỉ thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế ở mức tham quan, khảo sát, học hỏi kinh nghiệm về tổ chức, quản lý và đào tạo về DTQG, chưa thực hiện trao đổi nguồn lực hay bao tiêu hàng hóa DTQG đến kỳ luân chuyển… Lý do Việt Nam chưa triển khai hoạt động hợp tác quốc tế trao đổi nguồn lực DTQG, một phần do chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc trao đổi nguồn lực giữa các quốc gia; phần khác, do quan ngại việc hợp tác quốc tế trao đổi nguồn lực DTQG là nhạy cảm, ảnh hưởng tới tính độc lập, tự chủ của quốc gia trong các tình huống đột xuất, cấp bách.

Trong thời gian tới, cần triển khai các hoạt động hoạt động hợp tác quốc tế trao đổi nguồn lực DTQG ở mức vừa đủ, không trao đổi nguồn lực DTQG phục vụ an ninh, quốc phòng; đồng thời, thực hiện hợp tác quốc tế đa phương, tránh phụ thuộc vào một đối tác quốc tế riêng lẻ để tăng cường hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực DTQG thông qua hợp tác quốc tế trao đổi nguồn lực DTQG, đảm bảo được tính độc lập, tự chủ của đất nước đối với nguồn lực DTQG. Bên cạnh đó, cần tăng cường mở rộng hợp tác, vận động tài trợ từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế trên thế giới hỗ trợ vật tư, hàng hóa, công nghệ cho DTQG...

Trong bối cảnh diễn biến thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh ngày càng phức tạp và khó lường, việc nâng mức DTQG là cần thiết. Vấn đề đặt ra là hoạch định và tổ chức thực hiện các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực từ NSNN, kể cả ngân sách địa phương và đặc biệt là mở rộng huy động các nguồn lực hợp pháp ngoài NSNN cho DTQG, có như vậy mới từng bước đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đáp ứng nhu thực tiễn hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2012), Luật số 22/2012/QH13 Dự trữ Quốc gia;

2. Chính phủ (2019), Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế;

3. Chính phủ (2013), Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 Quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ Quốc gia;

4. Bộ Tài chính (2013), Thông tư số 172/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 quy định về thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

Nguyễn Hồng Hạnh – Tổng cục Dự trữ Nhà nước

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 11/2020

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/huy-dong-nguon-luc-thuc-hien-muc-tieu-nang-tong-muc-du-tru-quoc-gia-330969.html