Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non

Về chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, có ý kiến cho rằng, dự án Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi chủ yếu huy động nguồn lực nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non mà chưa chú trọng xã hội hóa. Vì vậy, cần xem xét có chính sách khuyến khích đặc biệt, vượt trội, huy động trách nhiệm của các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào giáo dục mầm non, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Sáng 17.4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung. Ảnh: Hồ Long

Bước tiến quan trọng trong hiện thực hóa công bằng giáo dục

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc xây dựng Nghị quyết nhằm thể hóa Kết luận số 91-KL/TW ngày 12.8.2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24.11.2023 của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Xây dựng hành lang pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư bảo đảm các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo. Bảo đảm trẻ em mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp 1, góp phần thực hiện quyền của trẻ em.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, không chỉ là chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non mà còn là bước tiến quan trọng trong hiện thực hóa công bằng giáo dục, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho tương lai thế hệ trẻ.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Ảnh: Hồ Long

Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết xây dựng Nghị quyết với những lý do được nêu tại Tờ trình số của Chính phủ. Việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 42-NQ/TW; tạo điều kiện cho trẻ em 3 đến 5 tuổi được đến trường, nhằm phát triển toàn diện, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp 1.

Chính sách phải thật sự vượt trội

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu rõ, 3 đến 5 tuổi là giai đoạn cần được chú trọng phát triển nền tảng thể chất, do vậy dự thảo Nghị quyết cần quan tâm có chính sách phát triển thể chất. Nghiên cứu chương trình chăm sóc sức khỏe giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, để triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, Nhà nước phải bảo đảm nguồn tài chính và nguồn nhân lực rất lớn.

 Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổng dự toán kinh phí để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3 đến 5 tuổi (giai đoạn 2026-2030) là 116.314,1 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí chi đầu tư xây dựng trường, lớp, bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi bảo đảm điều kiện tối thiểu theo quy định là 91.872,5 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, chúng ta không nên băn khoăn về kinh phí, "nếu đây là việc cần làm thì mấy trăm nghìn tỷ cũng phải làm".

 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến chính sách về đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đặt vấn đề, “chúng ta có dám cắt đất và không thu phí, không thu thuế cho giáo dục mầm non tư thục không? Không chỉ là cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non mà còn là cơ sở vật chất cho các bậc học khác, chúng ta nên cấp đất cho tư nhân làm. Với cách làm mạnh dạn này chúng ta mới huy động được nguồn lực xã hội cho cơ sở vật chất, trường, lớp cho giáo dục mầm non”.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, dự thảo Nghị quyết chủ yếu huy động nguồn lực nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non mà chưa chú trọng đến yếu tố xã hội hóa, vì vậy, cần xem xét có chính sách khuyến khích đặc biệt, vượt trội, huy động trách nhiệm của các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Liên quan đến chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu đề nghị cần tập trung chính sách đối với giáo viên, những người trực tiếp chăm lo, giáo dục cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Chính phủ cần làm rõ đến năm 2030 có đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi hay không? Các chính sách đã tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm thực hiện được các mục tiêu hay chưa? Nghiên cứu các chính sách phải thật sự vượt trội, tương thích với một Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, xây dựng các chính sách của dự thảo Nghị quyết nằm trong tổng thể việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo và thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về việc thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết THPT công lập trên cả nước.

H.Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/huy-dong-nguon-luc-xa-hoi-dau-tu-co-so-vat-chat-cho-giao-duc-mam-non-post410518.html