Huy động nguồn thu vào ngân sách Nhà nước

Ngân sách Nhà nước (NSNN) là nguồn lực quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Bởi vậy, cần huy động ở mức cao nhất nguồn thu vào NSNN theo quy định của pháp luật để đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Đó là quan điểm chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy về tạo nguồn thu và tăng cường quản lý thu NSNN đã và đang được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Nhà máy chế biến lâm sản của Công ty CP Sơn Thủy (xã Mông Hóa - TP Hòa Bình) ổn định sản xuất - kinh doanh, hàng năm đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách.

Nhà máy chế biến lâm sản của Công ty CP Sơn Thủy (xã Mông Hóa - TP Hòa Bình) ổn định sản xuất - kinh doanh, hàng năm đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách.

Năm 2022, dự toán thu NSNN của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao 3.897 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 6.410 tỷ đồng. Trong đó, thu xuất nhập khẩu Chính phủ và HĐND tỉnh giao 315 tỷ đồng; thu nội địa Chính phủ giao 3.582 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 6.095 tỷ đồng.

Thực hiện dự toán giao, ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm, các ngành chức năng và các địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh thu NSNN, chủ động xử lý các tác động đến nguồn thu và cương quyết chỉ đạo chống thất thu thuế, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đất đai, tài nguyên khoáng sản. Ban chỉ đạo đôn đốc thu, nộp NSNN tỉnh và các huyện, thành phố giao ban định kỳ hàng tháng, tập trung chỉ đạo, đôn đốc nguồn thu từ đất và từ thuế, phí. Qua giao ban cũng kịp thời nắm bắt tình hình, nhất là những khó khăn, vướng mắc để sớm có biện pháp tháo gỡ.

Từ sự vào cuộc chủ động của các cấp, các ngành, trong 3 tháng đầu năm nay, thu NSNN của tỉnh đạt kết quả tích cực với số thu 1.358,4 tỷ đồng, đạt 37,9% dự toán Chính phủ, đạt 22,3% dự toán HĐND tỉnh, bằng 151,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu tiền sử dụng đất ước 710,5 tỷ đồng, đạt 59,2% dự toán Chính phủ, đạt 22,9% dự toán HĐND, bằng 388,7% so với cùng kỳ.

Thu thuế, phí (trừ tiền sử dụng đất) 647,9 tỷ đồng, đạt 27,2% dự toán Chính phủ, đạt 21,6% dự toán HĐND, bằng 90,7% so với cùng kỳ, bao gồm: Thu từ Công ty Thủy điện Hòa Bình, 3 tháng đầu năm sản lượng điện sản xuất đạt 1,6 tỷ kwh, bằng 90% so cùng kỳ, số thuế phát sinh khoảng 134,5 tỷ đồng; song năm 2021, doanh nghiệp nộp thừa 100 tỷ đồng nên hết tháng 3/2022, công ty nộp khoảng 34,5 tỷ đồng. Thu thuế, phí (trừ tiền sử dụng đất, thủy điện) trong 3 tháng đầu năm đạt 613,3 tỷ đồng, bằng 37% dự toán Chính phủ, 28,2% dự toán HĐND, bằng 114,4% so với cùng kỳ (nếu loại trừ các yếu tố ảnh hưởng bằng 108%).

Thu NSNN đã có sự chuyển động mạnh, song nguồn thu của tỉnh còn hạn hẹp, cơ cấu thu thiếu bền vững, chưa có nguồn thu chủ lực; tình trạng nợ đọng thuế kéo dài vẫn diễn ra; năm nay nguy cơ hụt thu cao... Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm chỉ đạo: Các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố quan tâm đôn đốc các khoản thu theo dự toán. Đặc biệt, Sở Tài chính và ngành Thuế phải khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp bù đắp hụt thu khi thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và thông tư của Bộ Tài chính thì nguyên việc giảm thuế VAT, tỉnh sẽ hụt thu khoảng 330 tỷ đồng. Do vậy, cần sớm tham mưu nguồn thu bù đắp để UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể nội dung này nhằm đảm bảo dự toán giao. Bên cạnh đó, trong tỉnh có nhiều dự án đã chỉ đạo giải phóng mặt bằng đạt 60 - 80%. Hiện thủ tục hoàn thành giao đất cho nhà đầu tư để tính tiền sử dụng đất đang thực hiện chậm, vì vậy cần khẩn trương giải quyết vấn đề này để tạo nguồn thu ngân sách.

Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các địa phương tập trung huy động các nguồn thu từ thuế, phí, đặc biệt quan tâm và đôn đốc thu nợ đọng thuế. Chủ động phối hợp rà soát, đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất của các dự án, tiến độ sắp xếp lại cơ sở nhà đất của các cơ quan Nhà nước; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Ngành thuế quan tâm tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho doanh nghiệp và người nộp thuế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, trốn lậu thuế, tập trung kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế. Đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính; triển khai hóa đơn điện tử, ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile). Hướng dẫn, khuyến khích và động viên người nộp thuế kịp thời sử dụng hóa đơn điện tử sớm hơn so với lộ trình bắt buộc; tuyên truyền, quán triệt đến từng công chức thuế biết, sử dụng và giới thiệu đến người nộp thuế cài đặt, sử dụng ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý thuế; tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu NSNN.

Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương hoàn thành đồng bộ quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; trong đó, phát huy được các vị trí có lợi thế để thu hút đầu tư, nhất là mời gọi các tập đoàn lớn vào đầu tư tại tỉnh nhằm tạo nguồn thu bền vững cho NSNN...

Thu Hiền

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/164672/huy-dong-nguon-thu-vao-ngan-sach-nha-nuoc.htm