Huy động sự tham gia của báo chí tạo sức mạnh tổng hợp trong giám sát

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho biết, trong hoạt động giám sát, Mặt trận cần huy động sự tham gia của nhân dân, đoàn viên, hội viên và phóng viên của cơ quan truyền thông, báo chí để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Ông Đỗ Duy Thường.

Ông Đỗ Duy Thường.

PV: Thưa ông, có thể nói nhiệm kỳ 2019-2024 là nhiệm kỳ rất thành công của MTTQ Việt Nam trên các mặt công tác, trong đó phải kể đến nhiều nét nổi bật, quan trọng trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Ông đánh giá như thế nào về những thành tựu này?

Ông Đỗ Duy Thường: Trong 5 năm qua Ủy ban MTTQ các cấp đã thực hiện tốt việc triển khai Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Luật MTTQ Việt Nam 2015 về công tác giám sát và phản biện xã hội. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ mỗi cấp đã phát huy vai trò các Hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực có liên quan để thực hiện tốt hoạt động giám sát, phản biện.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã từng bước đi vào nền nếp. Nội dung giám sát đã tập trung vào việc thực hiện những chính sách pháp luật và phản biện những dự thảo chính sách pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, liên quan đến quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Nội dung phản biện đã tập trung vào đánh giá, nêu ý kiến, kiến nghị các chủ trương, chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn, đem lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.

Các địa phương đã tổ chức đoàn giám sát, hội nghị phản biện, được thực hiện tốt ở các cấp, đem lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều kiến nghị sau giám sát và phản biện ở một số địa phương có chất lượng tốt, được cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, phản hồi, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Ngô Quyền (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) giám sát thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông, rãnh thoát nước thải. Ảnh: Kim Ly.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Ngô Quyền (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) giám sát thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông, rãnh thoát nước thải. Ảnh: Kim Ly.

Theo ông, đâu là điểm hạn chế, thiếu sót của công tác giám sát, phản biện xã hội mà MTTQ Việt Nam cần khắc phục, đổi mới kịp thời để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới?

- Tôi cho rằng, công tác giám sát và phản biện xã hội trong 5 năm qua mới chỉ tập trung nhiều ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, còn hoạt động ở cấp huyện và cấp xã vẫn còn có những hạn chế nhất định. Một số địa phương chưa quan tâm vận dụng tốt 4 hình thức giám sát và 3 hình thức phản biện cho phù hợp với nội dung giám sát, phản biện. Trình độ năng lực, kinh nghiệm của cán bộ tham gia giám sát, phản biện còn hạn chế, chất lượng văn bản kiến nghị sau giám sát chưa đảm bảo yêu cầu.

Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát, theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, phản hồi sau phản biện chưa được chú trọng theo dõi đến cùng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao.

Từ những nhận định trên, xin ông cho biết những mong muốn, kỳ vọng của mình đối với công tác giám sát, phản biện xã hội, để công tác này của MTTQ Việt Nam được triển khai thực chất, hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ 2024-2029?

- Trong nhiệm kỳ mới, tôi mong muốn MTTQ Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan tổ chức kiểm tra của Đảng, các cơ quan thanh tra, kiểm toán của Nhà nước và các tổ chức thành viên tiếp tục tăng cường giám sát thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà trọng tâm là giám sát hoạt động quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, phản biện dự thảo các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam cần phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan, xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch giám sát và phản biện xã hội hàng năm. Ủy ban MTTQ các cấp ở địa phương tập trung vào việc giám sát chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, của nhân dân địa phương, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư, chú trọng kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động để phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của nhân dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Đặc biệt, trong hoạt động giám sát phải huy động sự tham gia của nhân dân, đoàn viên, hội viên và phóng viên của cơ quan truyền thông, báo chí để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Trong quá trình thực hiện giám sát, phản biện xã hội, phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân để thực hiện tốt các quy định của quy chế giám sát và phản biện xã hội, phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc việc phản hồi ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện. Từng bước thực hiện đầy đủ các hình thức giám sát và phản biện xã hội ở mỗi cấp để khai thác trí tuệ từ các lực lượng xã hội, từ đó nâng cao dần chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tiến Đạt (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/huy-dong-su-tham-gia-cua-bao-chi-tao-suc-manh-tong-hop-trong-giam-sat-10289507.html