Huy động sức mạnh toàn dân chăm lo cho đời sống người có công
Thực hiện chính sách 'Đền ơn đáp nghĩa', trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng (gọi chung là NCC) với nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, qua đó góp phần nâng cao mức sống của NCC.
Nỗ lực giúp gia đình người có công vươn lên trong cuộc sống
Nhiều năm nay, những vấn đề liên quan đến NCC luôn được Nhà nước tập trung ưu tiên giải quyết; nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với NCC đã được ban hành; các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Ngoài việc xác định rõ các đối tượng chính sách, đảm bảo không để NCC chịu thiệt thòi, không được hưởng chính sách của Nhà nước, nhiều quy định, chính sách mới cũng hướng đến việc tăng ngân sách nhà nước để chăm lo cho NCC, gắn với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác này; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi NCC.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh một số chế độ trợ cấp ưu đãi, trong đó có trợ cấp ưu đãi một lần, hỗ trợ ưu tiên cho hộ nghèo thuộc diện chính sách NCC thông qua các chương trình giảm nghèo của Nhà nước, cụ thể như chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ưu tiên trong vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của NCC vay vốn đầu tư sản xuất.
Đề xuất giải pháp giảm nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố cần tìm ra thực trạng, nguyên nhân nghèo, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình đặc điểm thực tế của các hộ nhằm đảm bảo nâng cao đời sống của NCC, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, không để NCC nào sống dưới mức sống trung bình của cả nước.
Theo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), để góp phần giảm nghèo cho các hộ có thành viên là NCC, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm cho tất cả NCC được thụ hưởng chế độ đúng quy định. Trong đó, Cục Người có công cần nghiên cứu, đề xuất chính sách với các khoản trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho từng đối tượng cụ thể. Ngoài ra, cần hỗ trợ ưu tiên cho hộ nghèo có thành viên thuộc diện NCC thông qua các hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ưu tiên vay vốn; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa bằng việc huy động sự giúp đỡ của cộng đồng dân cư nơi cư trú để hỗ trợ gia đình NCC có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ con em của gia đình NCC khởi nghiệp, lập nghiệp bằng việc tổ chức các lớp đào tạo về khởi nghiệp, tổ chức tham quan mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương khác.
Nâng mức trợ cấp, quan tâm toàn diện tới người có công
Để chăm lo đời sống cho NCC, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách với nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa. Trong đó, chính sách tài chính cho NCC trong thời gian qua đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện, góp phần hỗ trợ hiệu quả, từng bước nâng cao mức sống cho NCC.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đến nay, cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu NCC với hơn 1,2 triệu liệt sĩ, 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 800 nghìn thương binh, 110 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; gần 320 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận… trong đó có 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Với quy định hiện hành kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với NCC năm 2020 là hơn 33.000 tỉ đồng.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy, chỉ riêng dịp 27/7, mỗi năm, Nhà nước dành khoảng hơn 300 tỷ đồng trích từ NSNN để tặng quà cho đối tượng NCC; trong giai đoạn 2015-2020, cả nước đã chi hơn 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 86.000 gia đình NCC làm mới trên 45.000 căn nhà và sửa chữa hơn 41.000 căn nhà tình nghĩa; tặng hơn 64.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng.
Trước thực tiễn cuộc sống được đặt ra, Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi), với mục tiêu đảm bảo chăm lo tốt hơn cho NCC. Theo đó, ngoài việc xác định rõ các đối tượng chính sách, đảm bảo không để NCC chịu thiệt thòi, không được hưởng chính sách của Nhà nước, quy định mới cũng hướng đến việc tăng NSNN để chăm lo cho NCC, gắn với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác này; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi NCC.