Huy động sức mạnh tổng hợp xây dựng nông thôn mới
Với phương châm 'Nhà nước và nhân dân cùng làm', trên địa bàn huyện Tam Đường có nhiều tuyến đường trục bản, ngõ xóm được nâng cấp, mở rộng, đổ bê-tông; nhà văn hóa xây dựng mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư; hộ nghèo được xóa nhà dột nát... Tạo diện mạo nông thôn Tam Đường ngày càng khởi sắc.
Đến thăm bản Phiêng Pẳng (xã Bản Bo), chúng tôi ngỡ ngàng trước diện mạo hạ tầng nông thôn đồng bộ, sạch, đẹp đến từng ngõ nhỏ; các công trình thủy lợi được Nhà nước và nhân dân chung sức đầu tư, xây dựng. Hiện, bản có 51 hộ dân với 219 nhân khẩu gồm 2 dân tộc: Lào, Lự cùng sinh sống. Qua trò chuyện và quan sát, chúng tôi thấy nhân dân chủ động, tích cực lao động sản xuất, đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thực hiện hiệu quả quy ước của địa phương; đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện, nâng cao.
Minh chứng rõ nét là tháng 10 vừa qua, nhà văn hóa bản Phiêng Pẳng khánh thành, bàn giao, đưa vào sử dụng. Đây là công trình thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 750 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021-2025); các hộ dân đóng góp ngày công san đất, trồng hoa và cây cảnh. Quá trình thi công, Ban Công tác Mặt trận, người có uy tín, trưởng bản giám sát đơn vị thi công bảo đảm chất lượng công trình. Nhờ đó, nhà văn hóa bản với tổng diện tích 2.000m2 gồm các hạng mục: nhà sàn, sân bê-tông, khuôn viên trồng hoa, cây cảnh và các công trình phụ trợ với đầy đủ bàn, ghế, hệ thống loa, bục tượng Bác Hồ, bục phát biểu, điện chiếu sáng.
Ông Tao Văn Ma - Trưởng bản Phiêng Pẳng chia sẻ: “Khi có nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước là động lực để dân bản thêm quyết tâm góp sức xây dựng nhà văn hóa bản khang trang thay cho nhà văn hóa cũ chỉ rộng hơn 40m2 trước đây. Tháng 10/2024, nhà văn hóa bản hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng mong mỏi của nhân dân. Đến nay, bản đã hoàn thành tiêu chí số 6 về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới (NTM)”.
Hệ thống kênh mương thủy lợi Nà Lóc phục vụ nước tưới cho hơn 15ha lúa của 2 bản: Nà Khum và Bản Thẳm (xã Bản Hon) bị hư hỏng, đứt gẫy hoàn toàn do sạt lở đất. Tháng 4/2024, với 350 triệu đồng từ ngân sách địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường làm chủ đầu tư, tổ chức sửa chữa điểm vỡ, rò rỉ nước và nối tuyến kênh. Đơn vị thi công tiến hành nạo vét lòng kênh mương dài 51,89m; sửa chữa đoạn kênh bị gẫy, hư hỏng dài 45m. Đồng thời, xây bể vào, ra tuyến ống và đường ống nhựa HDPE dài 69m. Tháng 5/2024, công trình hoàn thành, bàn giao, Tổ vận hành thủy lợi bản Nà Khum phát huy vai trò quản lý, duy trì hiệu quả sau đầu tư, giúp nhân dân có đủ nước phục vụ sản xuất lúa mùa và vụ đông xuân. Đặc biệt, nhân dân 2 bản thường xuyên tham gia khơi thông bùn, thu gom rác trên tuyến kênh mương thủy lợi Nà Lóc.
Theo lời bà con ở xã Bản Hon, công việc chung của bản, chủ trương, chính sách của Nhà nước đều được cấp ủy, chính quyền địa phương công khai, tổ chức lấy ý kiến dân chủ. Quá trình triển khai các công trình phúc lợi xã hội, các hộ dân tình nguyện, tiên phong góp sức, góp tiền, góp đất để sớm hoàn thiện. Trong năm 2024, toàn xã có hơn 1.200 lượt người dân tham gia hiến đất, góp sức sửa chữa, nâng cấp giao thông nội bản, lắp đặt hệ thống điện năng lượng chiếu sáng nông thôn, xây dựng kè đá chống sạt lở đường nội đồng bản Đông Pao 2. Xã duy trì và nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM.
Được biết, huyện Tam Đường đã chỉ đạo các xã thường xuyên rà soát, đánh giá các tiêu chí NTM; ban hành kế hoạch kiểm tra, nắm bắt tình hình triển khai, thực hiện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện từng chỉ tiêu; tăng cường huy động sức dân.
Ông Nguyễn Đình Thượng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: “Thời gian qua, phòng chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lồng ghép hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, huy động sức dân xây dựng NTM. Định hướng nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, mỗi người dân luôn nhận thức rõ vai trò chủ thể, tích cực hướng ứng các tiêu chí cần nguồn lực từ cộng đồng”.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, năm 2024, huyện lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cùng nhân dân đóng góp xóa 17 nhà tạm; sửa chữa, nâng cấp 6,5km đường nội đồng; kiên cố hóa 3,6km đường giao thông; lắp đặt 152 bóng điện năng lượng chiếu sáng nông thôn; xây dựng 102 nhà tắm, nhà vệ sinh; xây dựng nhà văn hóa ở các bản: Hợp Nhất, Nà Can, Phiêng Pẳng (xã Bản Bo)… Đến nay, toàn huyện có 9/12 xã đạt chuẩn NTM. Huyện đạt 6/9 tiêu chí NTM và phấn đấu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2025. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 46 triệu đồng/năm; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 7,2%/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,3%; tổng lượt khách du lịch trên 500.000 người, với doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 186,4 tỷ đồng. Huyện có 98,4% bản có nhà văn hóa; 97,7% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa; 95% hộ dân gia đình văn hóa.