Huy Hoàng và những bước tiến chắc chắn trên đường đua xanh

Sau thế hệ của Quý Phước, Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng trở thành VĐV tiếp theo của đội tuyển bơi Việt Nam được kỳ vọng vươn tầm quốc tế. Những gì Huy Hoàng đã thể hiện 5 năm qua cho thấy anh ngày một tiến bộ theo thời gian, và không cần 'chín ép' để có những thành tích như kỳ vọng.

Đẳng cấp châu lục

Năm 2018, Huy Hoàng là một trong những thành viên đội tuyển bơi Việt Nam đến Indonesia dự ASIAD. Anh không được nhắc tên quá nhiều khi lần đầu tham dự một giải đấu cấp độ châu lục ở tuổi 18. Nhưng đó cũng là giải đấu chứng kiến tên tuổi Huy Hoàng bước ra ánh sáng, khi anh cho thấy mình đã là một VĐV đẳng cấp châu lục.

Bên cạnh hy vọng đổi màu huy chương ASIAD, Huy Hoàng có thể hướng đến tấm vé dự Olympic Paris.

Bên cạnh hy vọng đổi màu huy chương ASIAD, Huy Hoàng có thể hướng đến tấm vé dự Olympic Paris.

Thi đấu ở 3 nội dung Huy Hoàng gây bất ngờ khi lọt vào chung kết 800m và 1.500m nam. Thông số ấn tượng của kình ngư quê Quảng Bình giúp anh được đánh giá là một trong những ứng viên mang về huy chương ASIAD cho đội tuyển bơi Việt Nam. Phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ nhiều đối thủ khác, nhưng Huy Hoàng đã lập kỳ tích.

Bước vào chung kết nội dung bơi 800m nam, Huy Hoàng được xếp thi đấu ở làn bơi số 6. VĐV Việt Nam được đánh giá có khả năng cạnh tranh huy chương đồng, và anh suýt chút nữa làm được hơn thế. Nhà vô địch Olympic Sun Yang tỏ ra quá mạnh ở nội dung này, thế nên cuộc đua giành vị trí thứ 2 trở thành cuộc đấu quyết liệt giữa Huy Hoàng và Shogo Takeda, VĐV Nhật Bản. Trong cả cuộc đua, có thời điểm Huy Hoàng đã vượt lên, bỏ qua Takeda và không để Sun Yang bỏ lại quá xa. Kinh nghiệm thi đấu quốc tế là thứ Huy Hoàng còn thiếu so với những người đàn anh nước ngoài ở thời điểm ấy, và anh đã không thể duy trì vị trí thứ 2. Anh dần tụt lại trong lượt bơi cuối và nhận HCĐ chung cuộc.

4 ngày sau khi giành huy chương đầu tiên ở đấu trường Á vận hội, Huy Hoàng trở lại đường đua xanh cùng một phong độ hoàn toàn khác. VĐV Việt Nam bám sát Sun Yang trên từng vòng bể, thậm chí có thời điểm đạt thành tích tốt hơn nhà vô địch Olympic. Sun Yang vẫn về nhất, nhưng anh đã gặp khó khăn hơn nhiều khi bảo vệ tấm HCV.

Thành tích 1 HCB, 1 HCĐ của Huy Hoàng tại ASIAD 2018 là điều ít người dám nghĩ tới trước thềm giải đấu. Tấm HCB của Huy Hoàng, trên thực tế, có thể được xem là quý hơn vàng nếu như nhìn vào thực trạng của môn thể thao Olympic này. Bởi, môn bơi tại ASIAD từ lâu được xem như cuộc đua song mã của Trung Quốc và Nhật Bản.

Mỗi kỳ Á vận hội thường có khoảng 40 bộ huy chương của bơi, quy tụ khoảng 35-40 quốc gia đăng ký tham dự. Tuy nhiên, số quốc gia giành được huy chương chưa bao giờ vượt quá con số 8. Việc giành được HCV môn bơi ở ASIAD lại càng khó khăn hơn, khi Trung Quốc và Nhật Bản thường chỉ "chừa lại" 3-5 HCV cho các quốc gia khác.

Giữ vững niềm tin

Hàn Quốc, Kazakhstan và Singapore là những quốc gia hiếm hoi có VĐV giành HCV ASIAD môn bơi ở những kỳ Á vận hội gần đây. Tuy nhiên, những tấm HCV đó mang dấu ấn của những cá nhân. Sau kỷ nguyên Schooling, Singapore không còn VĐV nào đủ tầm vô địch ASIAD nữa. Nhưng Việt Nam, sau 2 HCĐ của Ánh Viên tại Á vận hội 2014, đã có một Huy Hoàng thi đấu ấn tượng và bản lĩnh không kém.

Đến Olympic Tokyo, Huy Hoàng là một trong những đại diện hiếm hoi của châu Á tham dự 2 nội dung bơi tự do 800m và 1.500m nam. Anh chưa thể lọt vào danh sách 8 VĐV mạnh nhất tham dự vòng chung kết, nhưng cũng có thành tích ấn tượng khi trở thành VĐV châu Á có kết quả tốt nhất ở 2 nội dung này. Điều đó cho thấy Huy Hoàng đã sẵn sàng cho mục tiêu đổi màu huy chương ở Á vận hội sắp tới.

Trước thềm ASIAD 2023, đoàn thể thao Việt Nam dự kiến có thể giành 3-5 HCV ở các nội dung thi đấu. Huy Hoàng là một trong những VĐV được kỳ vọng mang về thành tích cao nhất. Nhưng bên cạnh việc đăng quang ở đấu trường châu lục, Huy Hoàng còn có một mục tiêu khác: Giành vé trực tiếp đến Olympic Paris 2024 bằng việc đạt chuẩn A Olympic ở ít nhất một nội dung thi đấu.

Cuối năm 2022, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã công bố thể thức thi đấu vòng loại, cũng như chuẩn tham dự Thế vận hội Paris 2024. Con số được IOC đưa ra có thể khiến nhiều VĐV bất ngờ. Ở nội dung bơi tự do 800m nam, chuẩn A Olympic là 7 phút 51 giây 65, chuẩn B là 7 phút 54 giây 01. Với nội dung 1.500m tự do nam, 2 mức chuẩn lần lượt là 15 phút 0 giây 99 và 15 phút 5 giây 49.

Nếu so sánh mức chuẩn Olympic với thành tích của các vận động viên tại ASIAD 2018, có thể thấy chuẩn A tương đương với ngôi Á quân, còn chuẩn B giành HCĐ. Mức chuẩn Olympic cho môn bơi rất cao so với các VĐV như Huy Hoàng xuất phát từ việc châu Á vẫn chỉ được xem như "vùng trũng" của môn bơi. Tại Olympic Tokyo vừa qua, thành tích các VĐV giành huy chương ở nội dung 800m nhanh hơn mức chuẩn 10 giây. Con số này ở nội dung 1.500m là 20 giây.

Điều đó cũng có nghĩa, ngay cả khi giành được HCV ASIAD tại Hàng Châu và đạt chuẩn A dự Olympic, Huy Hoàng vẫn khó có khả năng cạnh tranh huy chương so với các VĐV đến từ châu Âu và Mỹ. Nhưng đó dường như không phải điều làm cho Huy Hoàng phải quá lo lắng. Lúc này, ưu tiên của anh là tiến chắc từng bước một trên đường đua xanh, không vướng bận bởi những chuyện bên lề.

Những VĐV từng có thời gian tập luyện, sinh hoạt cùng Huy Hoàng cho biết anh thuộc mẫu người ít nói, khá ngại ngùng trong giao tiếp với mọi người. Ở một góc độ nào đó, điều này giúp cho kình ngư quê Quảng Bình có thể tập trung vào công việc của một vận động viên. Huy Hoàng đã sẵn sàng tiến về phía trước một cách thầm lặng như anh vẫn luôn làm trước đây.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/guong-mat-the-thao/huy-hoang-va-nhung-buoc-tien-chac-chan-tren-duong-dua-xanh-i697109/