Hủy kê biên nhà, đất của nguyên chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung có ảnh hưởng tới vụ án khác?
Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn, Chánh Tòa Kinh tế, TAND cấp cao tại Hà Nội (chủ tọa phiên tòa), khẳng định việc hủy kê biên một nhà đất và hai căn chung cư của bị cáo Nguyễn Đức Chung, nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội, là hợp lệ.
Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND Cấp cao tại Hà Nội vào chiều ngày 22-6 vừa qua đã tuyên phạt nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C. Với phán quyết này, nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội đã được giảm án 3 năm tù giam (án sơ thẩm tuyên 8 năm tù) sau khi gia đình bị cáo này nộp đủ 25 tỉ đồng khắc phục hậu quả vụ án.
Như vậy, tổng hợp với bản án trong vụ Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước đã tuyên trước đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung phải chịu hình phạt tổng cộng 10 năm tù. Ngoài hai vụ án nêu trên, nguyên chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đang kháng cáo bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo này 3 năm tù trong vụ án Vi phạm quy định đấu thầu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, liên quan Công ty Nhật Cường nên chưa được tổng hợp theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc được giảm án tù trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C, nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng các đồng phạm còn được tòa phúc thẩm tuyên hủy lệnh kê biên các tài sản trước đó của cơ quan công an. Cụ thể, bị cáo Chung được bỏ lệnh kê biên ngôi nhà, đất có diện tích trên 102 m2 tại số 88 phố Trung Liệt, quận Đống Đa; 2 căn hộ có tổng diện tích hơn 350 m2 tại chung cư trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Sau vụ án, dư luận băn khoăn liệu việc hủy kê biên nhà, đất của bị cáo Nguyễn Đức Chung có đúng với quy định của pháp luật và có ảnh hưởng tới vụ án khác?
Về việc này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng Luật sư Chính pháp, cho rằng trong các vụ án đang được giải quyết mà bị cáo Nguyễn Đức Chung có phần trách nhiệm dân sự hoặc có hình phạt pháp luật quy định là phạt tiền thì cơ quan tố tụng vẫn có thể tiếp tục áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản... để đảm bảo thi hành án. Kê biên tài sản là một trong các biện pháp ngăn ngăn chặn trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Theo luật sư Cường, Điều 130 Bộ Luật tố tụng hình sự cũng quy định các trường hợp hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản như sau: Biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp: Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can; bị cáo được tòa án tuyên không có tội; bị cáo không bị phạt tiền, tịch thu tài sản và bồi thường thiệt hại. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi thấy không còn cần thiết.
"Như vậy, căn cứ vào quy định tại Điều 130 Bộ Luật Tố tụng hình sự, khi tòa án cấp phúc thẩm giải quyết vụ án và không tuyên phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại, không có hình phạt là phạt tiền đối với ông Nguyễn Đức Chung nên tòa án cấp phúc thẩm hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản là có căn cứ"- luật sư Cường nêu quan điểm.
Trao đổi với báo chí, Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn - Chánh Tòa Kinh tế, TAND cấp cao tại Hà Nội, chủ tọa phiên tòa - cho biết đối với các tài sản là nhà đất và hai căn chung cư của ông Nguyễn Đức Chung bị kê biên trong vụ án này, sau khi ghi nhận bị cáo đã nộp tiền khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, HĐXX quyết định hủy việc kê biên. "Việc hủy này là hợp lệ, hoàn toàn không ảnh hưởng đến các vụ án khác" - Thẩm phán Sơn nêu rõ.
Trong vụ án Nhật Cường mà bị cáo Nguyễn Đức Chung đang kháng cáo, Bị cáo Nguyễn Đức Chung bị cáo buộc "tiếp tay" cho Công ty Nhật Cường trúng thầu các gói thầu số hóa hồ sơ, dữ liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội các năm 2016 và 2017.
Trong vụ này, cơ quan chức năng xác định Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, đang trốn truy nã) quen biết Nguyễn Đức Chung nên nhiều lần gửi email cho nguyên chủ tịch Hà Nội, đề xuất cho dừng tất cả gói thầu số hóa ở thành phố để giao cho Công ty Nhật Cường thực hiện.
Sau đó, Nguyễn Đức Chung lợi dụng chức vụ, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cho Nhật Cường tham gia đấu thầu. Đồng thời, Công ty Minh Hoa (do vợ Nguyễn Đức Chung làm giám đốc) đã ký hợp đồng kinh tế khống với Công ty Nhật Cường, giúp liên doanh Nhật Cường - Đông Kinh hợp thức hóa hồ sơ năng lực để dự thầu, trúng thầu và hưởng lợi gần 20 tỉ đồng.
Chiều 31-12-2021, TAND Hà Nội tuyên bị cáo Chung 3 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và không buộc bị cáo bồi thường tiền. Hiện nay, bị cáo đã gửi đơn kháng cáo kêu oan tới TAND Cấp cao tại Hà Nội.