Hủy nghị quyết hội đồng quản trị: Thẩm quyền giải quyết của ai?
Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ đầu năm 2021 với những quy định mới, giúp điều chỉnh kịp thời các vấn đề pháp lý phát sinh trên thực tế tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc áp dụng một số điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 vào thực tế, như quy định về yêu cầu hủy nghị quyết hội đồng quản trị (HĐQT) trong công ty cổ phần cho đến nay vẫn không nhất quán.
Vụ tranh chấp gây chú ý ở thượng tầng của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Công ty Hòa Bình) đầu năm 2023 cũng dần đi đến hồi kết bởi các quyết định của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – chi nhánh TPHCM (VIAC).
Cụ thể, cổ đông Huỳnh Bảo Ngọc đã có đơn khởi kiện gửi đến VIAC vào ngày 3-1-2023, yêu cầu hủy bỏ các nghị quyết HĐQT số 50, 51 và 53(1). Hội đồng Trọng tài thuộc VIAC sau đó đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đồng thời yêu cầu cơ quan thi hành án ban hành quyết định thi hành án, tạm ngừng thi hành các nghị quyết nói trên cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của hội đồng trọng tài.
Trong vụ việc này, VIAC đã thụ lý để giải quyết yêu cầu hủy nghị quyết HĐQT của cổ đông. Tuy nhiên, trung tâm trọng tài có thẩm quyền giải quyết hay không?
Để xác định yêu cầu hủy nghị quyết HĐQT có thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại hay không, cần phải xác định việc ban hành nghị quyết HĐQT trái với quy định của pháp luật, nghị quyết đại hội đồng cổ đông, điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty có làm phát sinh tranh chấp hay không và tranh chấp (nếu có) sẽ phát sinh giữa những chủ thể nào.
Đầu tiên, việc HĐQT ban hành nghị quyết HĐQT trái với quy định của pháp luật, nghị quyết đại hội đồng cổ đông, điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty sẽ gián tiếp gây thiệt hại cho các cổ đông, bởi lẽ, trong công ty cổ phần, cổ đông được xem là những đồng chủ sở hữu của công ty. HĐQT là cơ quan quản lý của công ty cổ phần, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty.
Tuy nhiên, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của HĐQT lại thông qua nghị quyết của HĐQT, được ban hành và có hiệu lực dựa trên tỷ lệ biểu quyết của các thành viên HĐQT. Do đó, để phân loại trách nhiệm, Luật Doanh nghiệp quy định cụ thể việc các thành viên tán thành thông qua nghị quyết HĐQT trái với quy định của pháp luật, nghị quyết đại hội đồng cổ đông, điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty, còn thành viên HĐQT phản đối thông qua nghị quyết nói trên được miễn trừ trách nhiệm.
Như vậy, có thể thấy, liên quan đến việc ban hành nghị quyết HĐQT trái với quy định của pháp luật, nghị quyết đại hội đồng cổ đông, điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty, đã phát sinh tranh chấp giữa cổ đông công ty và các thành viên HĐQT tán thành thông qua nghị quyết HĐQT đó.
Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận. Đồng thời, trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp phát sinh giữa các bên, trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
Như vậy, nếu cổ đông, nhóm cổ đông đủ điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, nhân danh công ty để khởi kiện thành viên HĐQT, trọng tài thương mại sẽ có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này. Tất nhiên, việc xem xét thẩm quyền của trọng tài thương mại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác theo quy định của pháp luật.
Nhưng việc khởi kiện để giải quyết tranh chấp này không phải là quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2020. Đây là quy định về trường hợp cổ đông khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên HĐQT do có hành vi vi phạm trách nhiệm của người quản lý công ty, đã từng được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014. Đồng thời, việc giải quyết tranh chấp giữa cổ đông và thành viên HĐQT không dẫn đến hệ quả là việc hủy nghị quyết HĐQT, mà chỉ nhằm yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty.
Trong khi đó, mục tiêu nhắm tới của quy định mới trong Luật Doanh nghiệp 2020 là việc đình chỉ/hủy bỏ nghị quyết HĐQT bởi tòa án – điều đã không được giải quyết triệt để trong Luật Doanh nghiệp 2014.
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cụ thể cổ đông có thể ngay lập tức yêu cầu tòa án hủy nghị quyết HĐQT, mà không cần phải trải qua giai đoạn gửi yêu cầu đến HĐQT. Như vậy, việc yêu cầu hủy nghị quyết HĐQT thực chất không phải là tranh chấp và sẽ không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại.
Hay nói cách khác, khi một nghị quyết HĐQT được ban hành trái với quy định của pháp luật, nghị quyết đại hội đồng cổ đông, điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty, sẽ làm phát sinh tranh chấp giữa cổ đông và thành viên HĐQT tán thành thông qua nghị quyết, tranh chấp này có thể được giải quyết bởi trung tâm trọng tài nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện.
Đồng thời có thể sẽ làm phát sinh yêu cầu hủy nghị quyết HĐQT, yêu cầu này không phải là tranh chấp, do đó, không được giải quyết bởi trọng tài thương mại mà phải được giải quyết theo thủ tục đối với yêu cầu về kinh doanh, thương mại theo quy định về tố tụng dân sự.
Trong vụ việc tại Công ty Hòa Bình, Trung tâm Trọng tài đã đồng ý thụ lý, giải quyết yêu cầu hủy nghị quyết HĐQT của cổ đông, đồng thời ban hành các quyết định, yêu cầu dẫn đến việc tạm ngưng thi hành các nghị quyết này. Chúng tôi cho rằng việc VIAC thụ lý, giải quyết yêu cầu hủy nghị quyết HĐQT dường như không bảo đảm cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. Tuy nhiên, có thể trên thực tế việc bên bị kiện trong vụ việc là Công ty Hòa Bình không có ý kiến phản đối về thẩm quyền của trọng tài thương mại vô hình chung dẫn đến vấn đề thẩm quyền của trọng tài thương mại đã không được xem xét trong trường hợp này.
(*) Công ty Luật TNHH HM&P
(1)https://phaply.net.vn/quyet-dinh-thi-hanh-an-chu-dong-duoc-phap-luat-quy-dinh-the-nao-a256410.html, truy cập ngày 26-10-2023.