Huyện Ba Vì đón 1,5 triệu lượt khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2023

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Ba Vì đã và đang đẩy mạnh quảng bá, đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng độc đáo với giá thành hợp lý để cạnh tranh nhằm thu hút du khách.

Trải nghiệm nhiều mô hình mới

Huyện miền núi Ba Vì của Hà Nội sở hữu nét văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Mường, Dao và mạng lưới giao thông thuận lợi. Cùng với đó còn sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, được biết đến như cái nôi của tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh hay các phong tục, tập quán đặc sắc của người Dao, Mường sinh sống, thu hút khách du lịch.

Hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2023, chuẩn bị những điều kiện để đón khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch, ngay từ đầu năm, huyện Ba Vì đã chỉ đạo các địa phương, DN kinh doanh dịch vụ du lịch tích cực chuẩn bị cũng như lên nhiều chương trình để đón khách tham quan, nghỉ dưỡng…

Du lịch Ba Vì hướng tới nhiều dịch vụ và trải nghiệm mới cho du khách.

Du lịch Ba Vì hướng tới nhiều dịch vụ và trải nghiệm mới cho du khách.

Tại làng họa sĩ Cổ Đô, nhiều hoạt động đón khách du lịch đã được triển khai. Hiện nay, Câu lạc bộ mỹ thuật Cổ Đô đã trang trí lại phòng tranh và phát động mỗi họa sĩ có một phòng tranh riêng nhằm tạo ra sự khác biệt mà chỉ làng Cổ Đô mới có. Đồng thời, câu lạc bộ cũng tổ chức cho các họa sĩ đi vẽ tranh thực tế ở địa phương khác và khởi động lại chương trình dạy vẽ tranh miễn phí cho học sinh địa phương vào dịp nghỉ Hè.

Ngoài ra phải kể đến đình Tây Đằng - một trong số những ngôi đình cổ nhất Việt Nam với gần 500 năm tuổi. Di tích được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định số 2383/QĐ – UBND ngày 29/3/2013. Theo Chủ tịch UBND thị trấn Tây Đằng Nguyễn Đại Hải, địa phương luôn quan tâm tới việc khôi phục, phát triển không gian văn hóa lễ hội đình Tây Đằng, để lễ hội không chỉ “bề thế” về quy mô mà còn đa dạng về phương thức tổ chức với các trò chơi dân gian, loại hình nghệ thuật, môn thể thao truyền thống có sự tham gia rộng khắp của cộng đồng.

Bảo tàng Mỹ thuật tại xã Cổ Đô (huyện Ba Vì).

Bảo tàng Mỹ thuật tại xã Cổ Đô (huyện Ba Vì).

Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng cũng được định hướng, đầu tư phát triển như tại làng nghề sản xuất, chế biến chè Ba Trại hay làng nghề trồng và chế biến thuốc nam thôn Yên Sơn xã Ba Vì. Trong đó, làng nghề trồng và chế biến thuốc nam thôn Yên Sơn – xã Ba Vì có 98% là đồng bào dân tộc Dao.

Thôn Yên Sơn là một trong 3 thôn được Nhà nước công nhận làng nghề thuốc nam nổi tiếng. Đi một vòng quanh thôn Yên Sơn, nhà nào cũng có vườn thuốc, vườn dược liệu xanh tốt bởi khí hậu dưới chân núi Ba Vì khá mát mẻ.

Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, không chỉ có nghề làm thuốc Nam, người Dao ở thôn Yên Sơn còn giữ được nguyên vẹn phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Trong đó có lễ cấp sắc; Tết nhảy, lễ tạ mả… truyền giữ qua các thế hệ.

Lễ cấp sắc của người Dao là tổng hòa nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang đậm nét văn hóa của người Dao như nghệ thuật sử dụng ngôn từ; nghệ thuật trình diễn qua các bài múa nghi lễ (múa chuông, múa rùa), bài hát; trang trí bàn thờ, trang trí trên trang phục của các thầy cúng; âm nhạc dân gian…

Cùng với xã Cổ Đô, Ba Trại, Ba Vì, thị trấn Tây Đằng, các khu lịch trên địa bàn huyện như Ao Vua, Tản Đà Spa Resort, Vườn Quốc gia Ba Vì, Amour Resort Bavi , Eduland Ba Vì… cũng đã chủ động cải tạo cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng thêm nhiều hoa và cây xanh để tạo điểm nhấn. Đồng thời từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thành điểm du lịch hấp dẫn, an toàn, thân thiện, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững tại huyện Ba Vì.

Nâng cao chất lượngdịch vụ du lịch

Trong những năm qua, huyện Ba Vì đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút khách. Trong đó, 100% đơn vị, khu, điểm và cơ sở kinh doanh vào cuộc, chỉnh trang lại khuôn viên, các sản phẩm du lịch đạt chất lượng để đón khách. Khu du lịch Ao Vua là điểm du lịch đa dạng các loại hình dịch vụ như vui chơi - giải trí, công viên nước, nghỉ dưỡng, nhà hàng, hội họp, chăm sóc sức khỏe, là điểm vui chơi, nghỉ dưỡng lý tưởng cho các gia đình và du khách trong dịp cuối tuần cũng như dịp Hè. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Khu du lịch Ao Vua đón và phục vụ hơn 130.000 lượt khách.

Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP Ao Vua Nguyễn Mạnh Thản cho biết, mùa du lịch năm nay, DN tập trung phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm thế mạnh, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thành điểm du lịch hấp dẫn, an toàn, thân thiện, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững tại huyện Ba Vì.

Du lịch Ba Vì đón khoảng 1,5 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm 2023.

Du lịch Ba Vì đón khoảng 1,5 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm 2023.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện Ba Vì tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu, huyện đã phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP nông nghiệp của huyện Ba Vì. Đồng thời hướng dẫn Công ty CP Tản Đà tổ chức thành công chương trình “ Chào Hè năm 2023”.

Huyện Ba Vì hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, nguồn nhân lực, đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm du lịch, nhất là sản phẩm OCOP của huyện để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách và tạo thu nhập cho những người làm du lịch tại địa phương.

Những cố gắng đã mang đến thành quả đáng kể cho du lịch Ba Vì. 6 tháng đầu năm các DN du lịch trên địa bàn huyện đã đón và phục vụ khoảng 1,5 triệu lượt khách du lịch, bằng 61% kế hoạch, doanh thu ước đạt khoảng 205 tỷ đồng, bằng 53% kế hoạch năm 2023.

huyện Ba Vì tiếp tục tăng cường triển khai các hoạt động quảng bá, truyền thông về du lịch.

huyện Ba Vì tiếp tục tăng cường triển khai các hoạt động quảng bá, truyền thông về du lịch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, tuy lượng khách du lịch tập trung đông vào dịp Tết, nghỉ lễ và các ngày cuối tuần nhưng tình hình an ninh - trật tự, vệ sinh môi trường được bảo đảm, phòng chống cháy nổ tại các khu, điểm tham quan du lịch, hồ bơi được kiểm soát chặt chẽ.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã đẩy mạnh nâng cao chất lượng các hoạt động du lịch; tiếp tục tăng cường công tác đầu tư, nâng cấp hạ tầng du lịch, khai thác sản phẩm du lịch mới, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp và đẩy mạnh công tác quảng bá tiếp thị, thu hút du khách đến với Ba Vì.

“Để thu hút khách du lịch hơn nữa trong 6 tháng còn lại, huyện tích cực triển khai nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch huyện. Trong đó tiếp tục chỉ đạo xã Minh Quang, Tản Lĩnh, Vườn Quốc gia Ba Vì thực hiện bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị cụm Di tích lịch sử văn hóa đền Thượng – đền Trung và đền Hạ để góp phần phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Khuyến khích nhà đầu tư và Nhân dân cải tạo khuôn viên, sinh thái, hạ tầng theo hướng phát triển các resort, tu bổ cảnh quan, đường làng, ngõ xóm, nhà ở sẵn có hoặc xây dựng mới để tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng ở các thôn, xã có lợi thế” – ông Nguyễn Đức Anh chia sẻ.

Năm 2023, huyện Ba Vì phấn đấu tổng doanh thu từ thương mại, du lịch, dịch vụ đạt 390 tỷ đồng, tăng 25,8% so với năm 2022, phấn đấu đón được 2,5 triệu lượt khách đến với Ba Vì, tăng 25% so với năm 2022. Để đạt được những mục tiêu đề ra, UBND huyện Ba Vì tiếp tục tăng cường triển khai các hoạt động quảng bá, truyền thông; hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia, phát triển các sản phẩm mới và thế mạnh, thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước đến với Ba Vì.

Ngọc Tú - Khuất Duyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-ba-vi-don1-5-trieu-luot-khach-du-lich-trong-6-thang-dau-nam-2023.html