Huyện Bát Xát tăng cường quản lý an toàn thực phẩm
Với hơn 20 năm kinh doanh các mặt hàng thực phẩm phục vụ người tiêu dùng, như bánh kẹo, nước giải khát, đồ ăn sẵn đóng hộp, hộ ông Trần Văn Bảng, thôn Phố Mới 2, xã Trịnh Tường luôn tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Bảng cho biết: Hằng năm, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các loại hàng hóa tại cửa hàng đều được nhập từ các doanh nghiệp, công ty có uy tín; bao bì, nhãn mác, thành phần, hạn sử dụng và nguồn gốc sản phẩm có xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, các cơ quan chức năng của địa phương thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, huyện Bát Xát còn đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Với 509 cơ sở sản xuất, chế biến do ngành nông nghiệp quản lý, thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực cho các cơ sở về kỹ thuật sản xuất, sơ chế nông - lâm - thủy sản. Nhờ đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm quy định không sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục, tuân thủ quy tắc “4 đúng” về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Gia đình ông Lý Văn Tiên, thôn Tân Bảo, xã Bản Qua là hộ tiên phong trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Tiên cho biết: Việc nông dân sản xuất ra nông sản an toàn sẽ giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Nhận thức rõ vấn đề này, tôi đã chủ động chuyển đổi từ sử dụng phân hóa học sang các loại phân hữu cơ, vi sinh, đồng thời ứng dụng kỹ thuật bao trái nhằm hạn chế sâu bệnh. Do đó, quả dưa lưới khi thu hoạch đều đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.
Riêng trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, huyện Bát Xát đã thành lập 22 đoàn kiểm tra, với 310 cơ sở được kiểm tra, trong đó có 309 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (chiếm 99,6%), xử lý 1 cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, lấy 26 mẫu xét nghiệm nhanh; tổ chức 52 buổi nói chuyện với 1.550 lượt người tham gia; 1 lớp tập huấn với 183 người tham dự về công tác quản lý, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, huyện đã cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn; ngăn chặn, xử lý các trường hợp kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, gian lận thương mại.
Thời gian tới, huyện Bát Xát tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; các tiêu chuẩn, quy định điều kiện và kiến thức khoa học về an toàn thực phẩm... giúp chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo đảm an toàn thực phẩm.