Huyền bí ngôi chùa Đồng linh thiêng ít biết trong lịch sử

Khi nhắc đến chùa Đồng, nhiều người nghĩ ngay đến ngôi chùa đặc biệt nơi non thiêng Yên Tử. Thế nhưng có một ngôi chùa Đồng khác ra đời lâu hơn nhưng sự bào mòn của thời gian, sự cướp phá của giặc dã nên dần rơi vào quên lãng.

Ngôi chùa Đồng được nhiều người biết tới nằm ở độ cao 1.068m, điểm cao nhất của dãy núi Yên Tử, chùa có tên chính là “Thiên Trúc tự” được làm toàn bằng đồng nên gọi là chùa Đồng. Ngôi chùa này có quy mô nhỏ, trong thờ Phật, chuông và các đồ thờ đều bằng đồng. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì chùa do vợ một chúa Trịnh cho xây dựng, đến năm Canh Thân (1740) bị kẻ gian lấy cắp chỉ còn lại những lỗ chân cột đục sâu vào nền đá. Sách Viêm giao trưng cổ ký viết: “Chùa Đồng do nội nhân họ Trịnh xây dựng, mái lợp toàn bằng ngói đồng, đúc tượng đồng. Đến đời Cảnh Hưng nhà Lê di chỉ chùa vẫn còn”.

Chùa Đồng trong khói mây Yên Tử.(Hình minh họa – Nguồn: Dalaco.travel).

Chùa Đồng trong khói mây Yên Tử.(Hình minh họa – Nguồn: Dalaco.travel).

Mùa đông năm 1930, Phật tử phát tâm công đức tôn tạo, chùa được đúc bằng đồng đặc. Khoảng sau năm 1964 chùa bị rơi xuống vách núi phía bắc không tìm thấy dấu tích, vì thế các Phật tử đã dựng lại chùa bằng bê tông cốt thép nhưng tên chùa Đồng vẫn được gọi theo thói quen. Thật là:

Linh sơn Yên Tử bao đời đó,

Chùa Đồng sừng sững giữa non xanh.

Năm 1993, Phật tử người Việt ở Mỹ công đức đúc chùa bằng đồng dựng trên nền cũ, bên trong thờ tượng Phật Thích ca Mâu ni ngự đài sen, hàng dưới là tượng Trúc Lâm tam tổ (Điều ngự Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang). Tháng 6 năm 2006, một lần nữa chùa được đúc mới hoàn toàn với trọng lượng 70 tấn, mang hình dáng đài sen nở. Từ bao đời, nơi đây mà tín đồ, Phật tử coi là địa điểm linh thiêng, là niềm ao ước của khách hành hương mỗi khi về Yên Tử, bởi xa xưa đã có câu:

Tu Tây, tu Đông,

Chưa về chùa Đồng chưa đắc quả tu.

Không có được duyên tốt như chùa Đồng ở Yên Tử trải bao thăng trầm vẫn được phục dựng và biết đến, ngôi chùa Đồng ở Tam Đảo nay đã chìm vào dĩ vãng.

Tam Đảo là một trong những địa danh nổi tiếng của nước ta, người Trung Quốc cũng nghe danh mà ghi chép lại, như sách An Nam chí nguyên đời Minh có viết: “Núi Tam Đảo, phủ Tuyên Quang, ở địa phận huyện Tam Dương có ba ngọn sừng sững nổi lên cao vút đến tận trời, cùng với Tản Viên là hai ngọn đứng đối xứng nhau, là danh sơn của Giao Chỉ… Tiên Uyển ở trong núi Tam Đảo có nhiều hoa lạ, cây quý. Trên núi có am Vân Tiên, am Song Tuyền, am Lưỡng Phong, thang Bộ Vân và cầu Đái Tuyết, phong cảnh đều kỳ tuyệt”.

Tại Tam Đảo có thắng tích Tây Thiên (nay thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) nằm trên dãy núi Tam Đảo với nhiều công trình Phật giáo nổi tiếng, cũng được coi là vùng đất Phật. Trong số di tích ở đây không thể không nhắc đến chùa Đồng (còn gọi là chùa Đồng Cổ); sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn có viết như sau: “Núi Tam Đảo ở địa phận hai xã Lan Đình và Sơn Đình, huyện Tam Dương. Mạch núi này do khí thế cao cả của các núi ở xã Ký Phú, Huân Chu và Cát Nê thuộc huyện Phú Lương và Đại Từ trấn Thái Nguyên kéo đến. Đến đây đột ngột khởi ba ngọn cao chót vót đến tận mây xanh, phía sau núi vách đá đứng sững; đỉnh núi thì đất đá lẫn lộn, cây cối rậm rạp xanh tươi… Sườn núi có chùa Tây Thiên cổ tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi; trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất 2 ngày… Chùa Đồng đúc toàn bằng đồng tốt, trong chùa thờ hai pho tượng Phật, không biết đúc từ thời nào. Năm Tân Mùi, Nguyễn Xuân Phủ, tước Tương Đông hầu đi đánh giặc đến đây, hỏi thầy chùa Tây Thiên nói như thế”.

Năm Tân Mùi này là năm 1751, căn cứ theo chính sử quả có cuộc hành binh của quân Lê - Trịnh đi đàn áp cuộc khởi nghĩa nông dân do Nguyễn Danh Phương đứng đầu tại vùng Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Như vậy chùa Đồng ở Tây Thiên thực sự hiện hữu nhưng ngôi chùa có từ thời nào, không ai rõ, tuy nhiên tại khu vực này còn dấu tích chữ khắc trên đá của viên Thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc đến đây vào thời chúng đô hộ nước ta nên có thể suy đoán chùa Đồng muộn nhất cũng được dựng dưới triều nhà Trần trong khoảng thế kỷ XIII-XIV.

Tam Đảo huyền ảo trong mây.(Hình minh họa – Nguồn: vietbao).

Tam Đảo huyền ảo trong mây.(Hình minh họa – Nguồn: vietbao).

Về địa thế của chùa Đồng so với các danh tích quanh đó được sách Viêm giao trưng cổ ký mô tả như sau: “Núi Tam Đảo, núi ở phía bắc huyện Tam Dương, có ba đỉnh núi vươn cao, giữa là Thạch Bàn, phía bên trái Thạch Bàn là Thiên Thị, bên phải là Phù Nghĩa, vì vậy có tên là Tam Đảo. Trên ngọn Thạch Bàn có di tích bàn cờ tiên, xung quanh hơn nửa mẫu, bên dưới có suối nước lượn vòng 11 khúc.

Lưng chừng núi có chùa Tây Thiên, tre xanh thông biếc, phong cảnh thanh cao khoáng đạt. Trên đỉnh có chùa Đồng Cổ, từ chùa theo suối Giải Oan vượt núi đến Liên Hồ (hồ Sen). Bên ngoài hồ, hai bên có suối, dòng bắt đầu từ sườn núi chảy xuống gọi là Ngân tuyền (suối Bạc), dòng chảy ra từ khe đá đầu núi gọi là Kim tuyền (suối Vàng). Từ chùa bên phải đến chùa đá cách hơn trượng, nhà toàn bằng vách đá, hai cánh cửa đóng kín khóa bằng sắt. Đá ở phía trên có khắc dòng chữ triện “Địa ngục tự” (chùa Địa ngục), không rõ có từ thời nào. Hai dòng suối hợp lại trước cửa Liên Hồ rồi lại quanh co chảy xuống hợp với suối Giải Oan.

Từ hồ trở xuống tương đối bằng phẳng, có tường thành đá sừng sững, bên trong là ba nền đất, có dựng 8 phiến đá vuông như hình bát bộ Kim cương. Có một tấm bia có khắc chữ “La Thành bất loạn”, bên cạnh khắc dòng chữ “Minh thượng thư Hoàng Phúc cẩn đề”. Từ đây đi lên tới chùa Đồng, toàn đúc bằng đồng, bên trong có tượng Phật, không rõ đúc từ thời nào”.

Chùa Đồng tồn tại mãi, trải bao mưa gió vẫn đứng vững, thế nhưng đến đầu thế kỷ XX trước những biến động của đất nước, ngôi chùa này đã không còn nữa. Trong sách Tìm trong truyền thống và di sản cho biết như sau: “Mấy trăm năm trôi qua, thời gian, mưa nắng đã xóa đi những Vườn Tiên, Hồ Sen, Am Gió, Thang Mây và bao nhiêu di tích khác.

Chỉ có chùa Đồng Cổ, một ngôi chùa được đúc toàn bằng đồng rộng 0,6m; dài 0,8m; cao 0,6m – nơi có pho tượng đồng ở tư thế đang nằm nghỉ, đầu hướng về phía bắc, cùng một quả chuông và một cái chiêng nhỏ cũng bằng đồng là không bị mưa nắng, bão giông hủy hoại. Nhưng đến đầu thế kỷ XX lại bị người Pháp phát hiện và lấy đi mất”.

Hiện nay, việc phục dựng lại ngôi chùa Đồng theo mô tả trong sử cũ là điều thiết thực nên làm, không chỉ mang nhiều ý nghĩa tâm linh tốt đẹp mà còn tạo thêm một nét độc đáo, đặc sắc cho khu du lịch Tam Đảo.

Theo Lê Thái Dũng/Kiến Thức

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/huyen-bi-ngoi-chua-dong-linh-thieng-it-biet-trong-lich-su/20190831055848017